Friday, October 18, 2024
Trang chủĐàm luậnTHAAD có ngăn được Triều Tiên tấn công Guam?

THAAD có ngăn được Triều Tiên tấn công Guam?

Một báo cáo mật của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, cho biết Triều Tiên đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để có thể lắp đặt trên các tên lửa của nước này.

George Charfauros, Cố vấn An ninh Nội địa Mỹ cho biết: “Chúng tôi giữ vững lập trường của mình trước tuyên bố từ phía Triều Tiên bởi Lầu Năm Góc vẫn đang theo dõi sát sao tình hình trong khu vực hàng ngày, hàng giờ.”

Ông G. Charfauros nói: Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin cho công chúng nếu có bất kì sự thay đổi hoặc cần bất kì hành động gì. Đề nghị cộng đồng giữ bình tĩnh, hãy nhớ rằng các biện pháp phòng thủ luôn sẵn sàng để đối phó với Triều Tiên và bất kì mối nguy ngại tiềm ẩn nào. Trong lúc này tính mạng của 160.000 cư dân và khách du lịch ở đảo Guam sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Trước đó lực lượng Chiến lược Triều Tiên tuyên bố “đang kiểm tra kỹ lưỡng kế hoạch hoạt động để tấn công với hoả lực bao trùm các khu vực xung quanh đảo Guam bằng Hwasong-12, tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung tới tầm xa”.  

Tại sao Bình Nhưỡng lại nhắm vào Guam?

Guam có tên chính thức là Lãnh thổ Guam, là hải đảo nằm ở miền tây Thái Bình Dương và là lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ. Mảnh đất có diện tích hơn 543 km2 giống như một nơi yên bình, thích hợp phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, từ lâu, nó được đánh giá là tiền đồn quân sự chiến lược quan trọng hàng đầu, là điểm chiến lược quan trọng cho kế hoạch và sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Washington. Guam đóng vai trò trọng tâm trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với các nguy cơ đến từ Triều Tiên và Trung Quốc.  

Hải đảo này có vị trí địa lý thuận lợi, gần các điểm nóng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Guam cách Tokyo (Nhật Bản) và Manila (Philippines) 3 giờ bay; cách Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) 4 giờ bay; cách Singapore và Bali (Indonesia) 5 giờ bay; cách Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia) 6 giờ bay…

Hiện tại, hơn 30% diện tích đảo thuộc quản lý của quân đội Mỹ, với ít nhất 6.000 binh sĩ. Guam còn có Căn cứ Hải quân Guam và Căn cứ không quân Andersen (AFB), cùng nhiều cơ sở quân sự khác. Từ lâu  nơi này đã  trở thành căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Các căn cứ quân sự trên đảo Guam sở hữu hàng loạt vũ khí tối tân của Mỹ như máy bay ném bom siêu thanh B-1B, máy bay ném bom B-52, máy bay không người lái Global Hawk, hạm đội tàu ngầm … và nhiều vũ khí, trang thiết bị quân dụng khác. Các căn cứ quân sự này thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung với các nước đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản… nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.

Hôm 8/8 hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B Lancer của Không lực Mỹ từ đảo Guam đã tập trận chung cùng 2 máy bay chiến đấu F-2 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản quanh đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản.

Trước đó, sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào 4 và 28/7, các máy bay B-1B Lancer từ Guam cũng tập trận chung với máy bay chiến đấu  F-2 của Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản và máy bay chiến đấu F-15 của Hàn Quốc.

Washington vẫn đang đầu tư vốn mở rộng cơ sở hạ tầng trên đảo và theo dự kiến lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) sẽ đến đóng quân ở Guam trong những năm 2020.

Với vị trí chiến lược quan trọng như vậy, việc Triều Tiên, cách đảo hơn 3.379km về phía tây bắc, nuôi ý định tấn công Guam không phải là điều khó hiểu. Nước này muốn vô hiệu hóa các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam nhằm kiềm chế các hoạt động “thù địch” của Washington trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo tuyên bố của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) trên hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 9/8, Bình Nhưỡng sẽ bao vây đảo Guam bằng tên lửa từ Hwasong-12, tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuyên lục địa với phạm vi tấn công khoảng 4.500km.

Kế hoạch này có vẻ hợp lý nếu trên đảo Guam không có Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Nhưng trên thực tế, từ tháng 4/2013, Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ THAAD tại khu vực tây bắc đảo Guam nhằm mục đích đối phó với sự khiêu khích của Triều Tiên. “Chúng tôi triển khai hệ thống ở đây để tạo ra sự kiềm chế chiến lược đối với Triều Tiên. Nếu sự kiềm chế đó không hiệu quả thì chúng tôi sẽ vô hiệu hóa tất cả các nguy cơ đến từ tên lửa đạn đạo của họ”, Trung tá Clyde Cochrane, Chỉ huy hệ thống tên lửa thời điểm đó, tuyên bố.

Mọi tính toán của Mỹ khi triển khai THAAD trên đảo dường như đã tính trước mọi khả năng cho vụ tấn công liều lĩnh và ngông cuồng  từ Bình Nhưỡng, như tuyên bố mới đây.

Rõ ràng, nếu thực sự Triều Tiên tấn công Guam, THAAD chính là “rào cản” lớn nhất và gần như bất khả xâm phạm.

THAAD là hệ thống đánh chặn tên lửa hiện đại nhất hiện nay của Quân đội Mỹ được đưa vào trang bị từ năm 2008. Nó được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống radar AN/TPY-2 của THAAD có khả năng phát hiện các mối đe dọa trên không từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung ở cự ly 1.000km. Nó cũng có năng lực theo dõi đồng thời hàng trăm mục tiêu cùng một lúc và đưa ra lựa chọn đánh chặn các mục tiêu nguy hiểm nhất trong số đó.

Về mặt lý thuyết, THAAD có khả năng phòng thủ hiệu quả trong bán kính 200km. Lý thuyết trên đã được chứng minh qua thực tiễn khi hệ thống này đạt tỷ lệ bắn hạ tên lửa 100% trong tất cả các cuộc thử nghiệm được tiến hành từ năm 2006 đến nay, theo thông tin của Reuters.

Chưa kể, lực lượng quân đội Mỹ gồm hải quân và không quân, cùng loạt vũ khí tối tân trên đảo Guam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng lãnh thổ này trước mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới