Saturday, November 23, 2024
Trang chủBiển nóngBắc Kinh lập "con đường tơ lụa trên không"?

Bắc Kinh lập “con đường tơ lụa trên không”?

South china sea

BienDong.Net: Theo báo Văn Hối (Hồng Kông), trong hội nghị phát triển tuyến hàng không Châu Á lần thứ 13 vừa diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Trung Quốc Chu Lai Chấn phát biểu: Trung Quốc sẽ khởi động chiến lược “Con đường Tơ lụa trên không” trong năm 2015 để phối hợp với sáng kiến “một vành đai, một con đường”. Chu Lai Chấn còn cho biết hàng không Trung Quốc sẽ khuyến khích các hãng hàng không khác khai thác thị trường miền Trung, miền Tây (Trung Quốc) và các chuyến bay ngắn, cải thiện môi trường kinh doanh hàng không giá rẻ, nâng cao tỷ lệ đóng góp của hàng không Trung Quốc với thị trường hàng không quốc tế.

Sắp tới Bắc Kinh sẽ cho phép tỉnh Vân Nam, vốn là một vị trí quan trọng trong chiến lược “một vành đai, một con đường”, nới lỏng việc cấp phép bay đối với các hãng hàng không của các quốc gia và khu vực xung quanh…

“Con đường Tơ lụa trên không”??? Lại thêm một ý tưởng, sáng kiến mới, nghe rất lãng mạn, rất hợp tác và rất mời mọc, mà Bắc Kinh đưa ra liên quan đến hàng không, không phận, môi trường kinh doanh hàng không… Sáng kiến này lập tức làm người ta liên tưởng đến sáng kiến, hay còn gọi là chiến lược “Con đường Tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 mà Bắc Kinh đưa ra trước đây.

Ý tưởng “Con đường Tơ lụa trên biển” lần đầu tiên được đưa ra trong bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại học Nazarbayev, Kazakhstan ngày 7/9/2013. Tập nói: “Để kết nối chặt chẽ kinh tế, tăng cường hợp tác và mở rộng phát triển trong khu vực Á – Âu, chúng ta nên có một cách tiếp cận sáng tạo và cùng nhau xây dựng một vành đai kinh tế theo con đường tơ lụa. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân dọc theo tuyến đường”Cụ thể làVành đai kinh tế sẽ trải rộng từ Trung Quốc đi qua Trung Á, Nga đến Châu Âu, và “Con đường Tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 sẽ chạy qua eo biển Malacca tới Ấn Độ, Trung Đông và Đông PhiTân Hoa Xã ca ngợi “ Con đường Tơ lụa trên biển hình thành trên cơ sở các kế hoạch nhằm tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Một dự án như vậy sẽ được xây dựng trên cơ sở chính trị và các nền tảng kinh tế vững chắc, phù hợp với mong muốn chung của người dân Trung Quốc và các quốc gia ASEAN”. Tháng 10/2013, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 16 tổ chức ở Brunei, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển” thế kỷ 21 để “cùng nhau thúc đẩy hợp tác hàng hải, kết nối, nghiên cứu khoa học và môi trường, và các hoạt động khai thác hải sản”. Phát biểu trước Quốc hội Indonesia tháng 10/2014, Tập Cận Bình tuyên bố: Trung Quốc sẽ đóng góp kinh phí để “phát triển mạnh mẽ quan hệ đối tác hàng hải trong một nỗ lực chung nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển” của thế kỷ 21”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, nhiều học giả nghiên cứu sâu về Biển Đông sau đó đã đưa ra các đánh giá và nhận định sâu sắc về bản chất của chiến lược“Con đường Tơ lụa trên biển” của Bắc Kinh.

Trước hết, các chuyên gia quốc tế cho rằng sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển” nằm trong kế hoạch tổng thể “chuỗi ngọc trai” – một mạng lưới cảng biển với “công năng kép” thương mại và quân sự do Trung Quốc đầu tư thiết lập nằm rải rác như những hạt ngọc trai – nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển và xa hơn là để cạnh tranh vị trí siêu cường của Mỹ.

“Con đường Tơ lụa trên biển” sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thực hiện chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” để khai thác các tài nguyên trên biển, nhất là nguồn năng lượng dầu khí, ở những khu vực mà “Con đường Tơ lụa trên biển” đi qua.

“Con đường Tơ lụa trên biển” sẽ thực hiện mưu đồ bá quyền của Trung Quốc về lãnh thổ và biển đảo, tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc vươn xa ra các vùng biển, trước hết là Biển Đông, rồi đến Ấn Độ Dương, làm thay đổi cán cân quyền lực trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Bằng “Con đường Tơ lụa trên biển”, Trung Quốc sẽ biến những khu vực biển không tranh chấp thành khu vực tranh chấp để thực hiện yêu sách về chủ quyền trên biển.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng Bắc Kinh đã từng đưa ra lập luận rằng trước đây, trong quá trình thực hiện “Con đường Tơ lụa” ở thế kỷ 15, đội tàu của Trịnh Hòa đã “xác lập và thực thi chủ quyền” đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, để biện minh cho yêu sách về chủ quyền của họ.

Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ sử dụng “Con đường Tơ lụa trên biển” để thực hiện chính sách chia rẽ, lôi kéo các nước láng giềng, vì các lợi ích kinh tế trước mắt, sẵn sàng bỏ qua những vấn đề thuộc về nguyên tắc của luật pháp quốc tế để ủng hộ cho sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển” mà làm tổn hại đến lợi ích của các nước có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

“Con đường Tơ lụa trên biển” còn nhằm mục đích đối trọng với chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ, chống lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ, cuối cùng là đẩy Mỹ và các nước phương Tây ra khỏi khu vực.

Cuối cùng, các chuyên gia đã kết luận “Con đường Tơ lụa trên biển” không chỉ là mối đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ đối với các nước láng giềng, nhất là các nước đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông mà còn là mối đe dọa đối với tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên biển.

Kể từ những tháng cuối năm 2014, dư luận quốc tế đã bắt đầu lo ngại khi nhìn thấy những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành cải tạo bất hợp pháp các cấu trúc đảo, đá, bãi cạn do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa. Đến nay những hoạt động này của Bắc Kinh ngày càng tỏ ra ráo riết, ngang nhiên, bất chấp phản ứng mạnh mẽ của các nước trong và ngoài khu vực. Hiện Trung Quốc đang tiến hành cải tạo 6 bãi đá là Chữ Thập, Subi, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam trước đây. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong một cuộc họp báo quốc tế ngày 8/3/2015 vừa qua còn tuyên bố, Biển Đông là “sân nhà của Trung Quốc” và vì thế, “mọi công việc xây dựng, cải tạo đảo do Bắc Kinh tiến hành đều hợp pháp”.

Âm mưu xây dựng lên những hòn đảo chưa từng tồn tại trong tự nhiên vừa nhằm phục vụ ý đồ tăng cường sức mạnh quân sự trên thực địa vừa muốn tạo sự đã rồi, để hợp lý hóa sự hiện diện trên các cấu trúc mà Trung Quốc cưỡng chiếm trên Biển Đông.Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình nhằm độc chiếm Biển Đông.

Với những hoạt động ngang nhiên, coi thường luật pháp và dư luận quốc tế, trắng trợn chà đạp lên lợi ích của quốc gia khác trên Biển Đông mà Trung Quốc thường làm, thì với những sáo ngữ, mỹ từ mà Bắc Kinh sử dụng cho “Con đường Tơ lụa trên không” sẽ lại làm tăng thêm sự lo ngại trong khu vực và quốc tế về nguy cơ Bắc Kinh sẽ tiến tới thiết lập “khu vực nhận dạng phòng không” (ADIZ) hoặc ngang nhiên lấy không phận của các nước khác để cho vào vùng cấp phép bay của mình. Động thái này của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm tăng lên tính phức tạp, căng thẳng trong khu vực. Học giả người Mỹ tên là John Garver đã sử dụng câu chuyện ngụ ngôn của Trung Quốc: “Con ếch nằm trong nồi nước ấm cảm thấy rất thoải mái và an toàn. Nó không hề nhận ra nhiệt độ nước từ từ tăng lên và cuối cùng bị nấu chín hồi nào không hay”.

Cộng đồng quốc tế và dư luận quốc tế không phải là những con ếch!!!

Cần cảnh giác và theo dõi sát động thái này của Bắc Kinh, vốn đã nói thì hoa mỹ nhưng tâm địa thì hiểm sâu, không dễ một sớm một chiều đã hiểu ngay ý đồ của họ.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới