Từng bị coi là nhân vật non trẻ, thiếu kinh nghiệm, ông Kim Jong Un đã đưa Triều Tiên trở thành mối đe dọa thường trực với nước Mỹ.
Trái: Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giữa: Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Phải: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: CBC
Một chân dung bí ẩn
Trong suốt nhiều năm, ông Kim Jong Un dường như đã bị đánh giá thấp ở cả Mỹ và Trung Quốc, hai nước được coi là đối thủ và đồng minh lớn nhất của Triều Tiên.
Là con trai út trong gia đình, ông Kim Jong Un cuối cùng vượt qua cả 2 người anh để được chọn làm người kế tục vị trí lãnh đạo của cha mình, ông Kim Jong Il.
Nhiều chuyên gia phân tích phương Tây khi đó coi Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo không thực quyền, thiếu kinh nghiệm khi ông lên nắm giữ quyền lực ở tuổi 27. Một số còn dự đoán ông Kim sẽ chẳng tồn tại quá lâu.
Nhưng sau gần 6 năm, chẳng còn gì phải nghi ngờ, mọi quyền lực đã nằm chắc trong tay Kim Jong Un.
Kim Jong Un đã đưa Triều Tiên từ một quốc gia cô lập, nghèo đói trở thành một trong số rất ít nước có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân, không chỉ thách thức chính quyền Donald Trump mà còn thách thức tất cả các lệnh cấm vận quốc tế và đồng minh Bắc Kinh.
Một số người kêu gọi Tổng thống Trump hãy đối thoại với Kim Jong Un. Tuy nhiên, chưa rõ liệu ông Kim có muốn nói chuyện hay không, và nếu có thì thực sự lãnh đạo Triều Tiên muốn điều gì để đổi lại việc dừng hoặc từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Kim Jong Un coi việc phát triển khi vũ khí hạt nhân là ưu tiên hàng đầu, cho đó là cách duy nhất Triều Tiên có thể đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế đất nước.
Cũng giống như nhiều chi tiết cuộc đời, người ta vẫn chưa biết chắc chắn, rốt cuộc động cơ cuối cùng của ông là gì.
Từ khi lên nắm quyền, Kim Jong Un chưa từng công du nước ngoài hay tiếp đón một nguyên thủ quốc gia nào. Chỉ có một số rất ít người bên ngoài được phép gặp nhà lãnh đạo, trong đó có cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, một đầu bếp sushi người Nhật Bản và các Phó chủ tịch của Trung Quốc và Cu Ba.
Những thông tin ít ỏi mà thế giới bên ngoài được biết về Kim Jong Un cho thấy khi cần, ông có thể ra tay khá nhẫn tâm, nhưng bên cạnh đó, ông lại có sự mềm dẻo nhất định về tư tưởng.
Một số nguồn tin tình báo Hàn Quốc nói rằng Kim Jong Un đã xử tử nhiều quan chức cấp cao, gồm cả người chú từng dạy dỗ mình.
Thế nhưng, ông cũng được coi là có công trong việc nới lỏng một số kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế, tạo được sự tăng trưởng khiêm tốn và lấy lại phần nào niềm tin của công chúng.
“Thông minh, thực dụng và quyết đoán”, Andrei Lankov, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul đã nhận xét như vậy về Kim Jong Un. “Nhưng cũng thất thường, sầu cảm và sẵn sàng xuống tay”.
Ông Kim Jong Un sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân
Một chủ đề mà Kim Jong Un không từ bỏ đó là chương trình hạt nhân. Cha của ông đã để ngỏ khả năng dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và sự bảo đảm an ninh và thậm chí từng ký một thỏa thuận với chính quyền Clinton, dù sau đó Triều Tiên đã vi phạm nó.
Nhưng Kim Jong Un thì tiếp cận vấn đề theo cách cứng rắn hơn.
Ba trong số 5 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên diễn ra dưới sự giám sát của Kim Jong Un, và còn có những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho vụ thử tiếp theo. Dưới quyền lãnh đạo của ông, Triều Tiên đã tiến hành 80 vụ thử tên lửa, nhiều hơn gấn 2 lần tổng số vụ thời cha và ông nội của ông cộng lại.
Bình Nhưỡng đã đạt bước tiến lớn trong 2 vụ thử tên lửa vào ngày 4/7 và 28/7 mà các nhà phân tích cho rằng có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Vụ thứ nhất đủ khả năng tấn công tới Alaska và vụ thứ hai là tới nước Mỹ lục địa.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy ông Kim Jong Un xuất hiện ở cả 2 vụ thử, vận trang phục kiểu Mao Trạch Đông, được nhiều binh sĩ vây quanh và còn cười rất tươi.
Bình Nhưỡng tuyên bố sử dụng vũ trang hạt nhân để buộc thế giới, gồm cả Mỹ phải chấp nhận họ là thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế, tất nhiên theo khái niệm của Triều Tiên. Giống như Wahsington trước đây, cuối cùng cũng phải thừa nhận Trung Quốc khi họ trở thành một cường quốc hạt nhân.
“Kim Jong Un vẫn ở đó lãnh đạo nhiều thập kỷ nữa, còn tham gia cuộc chơi dài”, Koh Yu-hwan, giáo sư Đại học Dongguk (Hàn Quốc) nói. “Theo thời gian, ông ấy tin rằng thế giới sẽ không có lựa chọn nào khác mà buộc phải chấp nhận đất nước ông như một cường quốc hạt nhân”.
Giới phân tích nhận định, rất khó thuyết phục Kim Jong Un lùi bước trước sức ép quốc tế, nhất là trong vấn đề hạt nhân, nếu xét tới mức độ gắn bó của ông với chương trình này.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên luôn nhấn mạnh tới sự mạnh bạo về mặt quân sự của ông, đặc biệt khi đối phó với Mỹ. Một bộ phim tuyên truyền gần đây cho thấy Kim Jong Un từng thuyết phục cha mình chấp thuận thử nghiệm tên lửa tầm xa năm 2009 lúc ông mới chỉ 25 tuổi.
Nếu người Mỹ can thiệp, ông Kim Jong Un được cho là sẽ sẵn sàng phát động chiến tranh.