Monday, November 18, 2024
Trang chủĐàm luậnKhủng hoảng vùng Vịnh và những cơn ác mộng?

Khủng hoảng vùng Vịnh và những cơn ác mộng?

Ác mộng cũ chưa kết thúc thì đã xuất hiện một cơn ác mộng mới. Đó là sự hục hặc giữa các quốc gia Vùng Vịnh với Qatar, nếu bùng nổ thành xung đột quân sự, sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính nước Mỹ ở khu vực này.

Ngày 5/6/2017, các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Bahrain bất ngờ cùng quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar. Các nước này lên án Qatar “bảo trợ khủng bố”, buộc họ phải bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trước các mối đe dọa khủng bố cũng như chủ nghĩa cực đoan. Lập tức các nhà ngoại giao Qatar bị yêu cầu phải rời khỏi các nước nêu trên trong một thời gian nhất định. Tiếp đến là lệnh cấm vận toàn diện và nghiêm ngặt được áp đặt đối với Qatar.

Vậy đâu là nguyên nhân gây nên sự “khủng hoảng” ở vùng Vịnh?

Nguyên nhân đã lộ rõ vào khoảng ba tuần sau khi bốn nước Ả rập cắt đứt quan hệ với Qatar, thể hiện qua tối hậu thư 13 điểm mà các nước này gửi cho Qatar và đưa ra thời hạn 10 ngày (sau đó có gia hạn thêm 48 tiếng) để quốc gia này phải tuân thủ. Trong số 13 điều kiện, có những điều kiện không có gì rõ ràng hơn là Qatar phải hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera và đi theo đường lối chính trị, quân sự, kinh tế của các nước Vùng Vịnh và Ả rập.

Phải chăng đây là một tối hậu thư được bốn nước vùng Vịnh đưa ra mà họ cũng biết chắc chắn sẽ bị từ chối?

Ở Qatar có một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, quy mô chỉ có vài trăm lính. Tuy nhiên, xét về tính biểu tượng, nó quan trọng không kém căn cứ quân sự của Mỹ với 11.000 lính đóng tại Qatar, bởi nó cho thấy mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa Doha với Ankara.

Sau khi bốn nước Vùng Vịnh quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng thông qua quyết định cho phép triển khai thêm quân tới Qatar, con số có thể lên tới 3.000 người. Các cuộc tập trận chung giữa hai bên cũng sẽ được tiến hành. Gấp gáp hơn là những chuyến hàng lương thực được Thổ Nhĩ Kỳ gửi tới Qatar, quốc gia phải nhập khẩu 80% lương thực do bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận. Yêu cầu Qatar đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ là điều gần như không thể, nếu như xét đến Doha hầu như là đồng minh gắn kết bậc nhất của Ankara trong khu vực, nếu không nói là trên thế giới.

Al Jazeera là một kênh truyền hình có uy tín trong thế giới A rập – Trụ sở ở Doha, Qatar – được xem như “CNN của Vùng Vịnh”. Kênh này có tiếng nói độc lập và nhiều khi đối lập với CNN của Mỹ, vốn thường xuyên có các tin bài được cho là ủng hộ chính sách của Mỹ và phương Tây, đặc biệt là trong các cuộc chiến trước đây ở Vùng Vịnh. Việc đóng cửa Al Jazeera không những vi phạm nguyên tắc tự do ngôn luận mà còn đụng chạm đến thể diện quốc gia của Qatar, rất khó thực hiện.

Hạ cấp quan hệ ngoại giao của Qatar với Iran mới phần nào nói lên bản chất thật sự của cuộc khủng hoảng, bởi từ lâu người ta không còn nghi ngờ gì về một trong những động lực quan trọng đằng sau đời sống chính trị quốc tế ở khu vực Trung Đông là sự bất hòa sâu sắc giữa Iran và Saudi Arabia. Sự cạnh tranh địa chính trị giữa hai quốc gia được coi là cường quốc khu vực này có căn nguyên từ các xung đột nghiêm trọng về tôn giáo, lợi ích kinh tế kéo dài suốt mấy chục năm qua.

Căng thẳng leo thang giữa Mỹ với Iran dẫn tới lệnh trừng phạt của Washington đối với nước cộng hòa Hồi giáo Iran ít nhiều mang lại lợi thế cho Saudi Arabia. Tuy nhiên, sau khi Iran đạt được thỏa thuận lịch sử với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình. Lệnh trừng phạt sau đó được nới lỏng và ưu thế này cũng theo đó mà dần dần mất đi, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ. Riyadh không thể ngồi nhìn đối thủ tranh giành ảnh hưởng với mình trong khu vực lớn mạnh dần trở lại mà không động thủ. Tuy nhiên, đối đầu trực tiếp với Tehran là một lựa chọn quá rủi ro và mạo hiểm. Qatar, đồng minh thân cận của Iran hiển nhiên trở thành mục tiêu.

Còn lại các đồng minh khác của Saudi Arabia như Ai Cập hay UAE cũng có những xung khắc tương tự với Doha. Trong khi Qatar ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo thì Ai Cập xếp nhóm này vào danh sách “các tổ chức khủng bố”. UAE coi hãng hàng không Qatar là mối đe dọa đối với một trong những dự án kinh tế quan trọng nhất của mình. Vì thế cuộc khủng hoảng hiện nay không đơn thuần là sự bất hòa giữa những người anh em Vùng Vịnh, mà bắt nguồn từ những nguyên nhân địa chính trị, sự tranh giành không gian ảnh hưởng cho đến những lợi ích to lớn về kinh tế.

Một yếu tố không thể không nhắc đến, là vai trò của Mỹ trong cuộc khủng hoảng ở Vùng Vịnh hiện nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump bị coi là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng là do chỉ ít ngày sau chuyến thăm của ông Donald Trump tới Saudi Arabia thì cuộc khủng hoảng bùng nổ. Vậy liệu có sự bật đèn xanh của Washington cho hành động của bốn quốc gia Vùng Vịnh đối với Qatar?

Ác mộng cũ chưa kết thúc thì đã xuất hiện một cơn ác mộng mới. Đó là sự hục hặc giữa các quốc gia Vùng Vịnh với Qatar, nếu bùng nổ thành xung đột quân sự, sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính nước Mỹ ở khu vực này. Sao lại không ảnh hưởng khi căn cứ quân sự ở Al Udei chỉ cách thủ đô Doha 45 phút lái xe ? (Al Udei là một trong những căn cứ quan trọng bậc nhất về mặt chiến lược của Mỹ ở Trung Đông). Với 11 nghìn quân trú đóng, đây cũng là nơi đặt trụ sở Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tâm chiến dịch không gian và Không quân hỗn hợp của Mỹ; là trung tâm điều phối trọng yếu các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Trung Đông, nhất là trong cuộc chiến chống IS. Nếu căn cứ này bị tê liệt vì “cuộc chiến” giữa các nước Vùng Vịnh thì đó sẽ là tổn thất không gì bù đắp nổi đối với Mỹ.

Cuộc khủng hoảng này không hoàn toàn mang tính tiêu cực đối với Mỹ. Chỉ mươi ngày sau khi xảy ra khủng hoảng, Mỹ đã hoàn thành thương vụ bán máy bay cho Qatar trị giá 12 tỷ USD. Những hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia cũng đã được Quốc hội Mỹ thông qua. Việc gì phải nhanh chóng hạ nhiệt cuộc khủng hoảng một khi nó mang lại những hợp đồng lớn khủng khiếp như thế? Âm mưu của Mỹ là phải giữ cho cuộc khủng hoảng không bùng nổ thành xung đột quân sự. Về mặt này, với vai trò “anh cả” trong khu vực, quan hệ tốt với nhiều bên, Mỹ hoàn toàn có khả năng làm được. Giữ vai trò một “thương gia” trong cuộc khủng hoảng này sẽ mang lại nhiều lợi ích Mỹ.

Cuộc khủng hoảng ở Vùng Vịnh hiện nay nếu bùng nổ không kiểm soát được thì kẻ thủ lợi chỉ là IS, vốn đang bị dồn đến chân tường ở cả Iraq lẫn Syrie. Bởi thế, các nước trong khu vực cần suy nghĩ hết sức thận trọng trước khi có bất cứ một quyết định vội vã nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới