BienDong.Net: Ấn Độ là một quốc gia Nam Á với diện tích đứng thứ 7 thế giới. Nền văn minh sông Ấn đã phát triển rực rỡ cách đây 5 nghìn năm đã không ngừng mở rộng không gian phát triển, có ảnh hưởng lớn đến văn hóa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Là quốc gia có dân số đứng hàng thứ hai trên thế giới với 1,277 tỷ người (2013) và một nền kinh tế đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ sau cuộc cải cách kinh tế tận gốc trong những năm 90 của thế kỷ trước, Ấn Độ đang trong quá trình tăng cường ảnh hưởng tới khu vực Châu Á và tiến tới toàn thế giới trong một vài thập niên tới của thế kỉ XXI. Cũng từ năm 1990, “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ đã được Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Narasimha Rao khởi xướng.
Sau khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ (2004), ông Manmohan Singh (người từng nắm giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ của ông Narasimha Rao) đã tiếp tục thực thi, phát triển “Chính sách hướng Đông”. Ông là người đặt dấu ấn trong việc thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với ASEAN, đặt mục tiêu vươn tới và chiếm lĩnh thị phần tiêu dùng với khoảng 650 triệu dân ASEAN. Ấn Độ rất quan tâm tới tốc độ phát triển năng động về thương mại cũng như đầu tư ở Đông Á cũng như Đông Nam Á.
Năm 2014, kế nhiệm ông Manmohan Singh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chuyển “Chính sách hướng Đông” thành “Hành động phía Đông” để thể hiện sự chủ động hơn của Ấn Độ trong tăng cường quan hệ giữa hai cực tăng trưởng trong một Châu Á đang nổi lên. Trong chuyến thăm gần đây nhất đến Singapore, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj đã khẳng định: “Hướng Đông không còn phù hợp, giờ đây chúng tôi cần Hành động phía Đông”.
Ấn Độ hiện đang gia tăng các hoạt động về kinh tế và hợp tác quân sự với các nước khu vực Đông Nam Á bởi khu vực này đang trở nên quan trọng hơn với Ấn Độ. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ đã quyết định: Ấn Độ cần phải vươn bước chân của mình đến khu vực Đông Á mà Biển Đông là mối quan tâm đặc biệt.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (11/2014) vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trước các nhà lãnh đạo khác, cho rằng: “Trong một thế giới toàn cầu hóa và phụ thuộc lẫn nhau, không có lựa chọn nào khác là tuân theo luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Điều này cũng áp dụng cho an ninh hàng hải. Vì lý do đó, tại Biển Đông cũng thế, tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế là điều quan trọng đối với hòa bình và ổn định”.
Giáo sư Mohan Malik (Trung tâm Nghiên cứu an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ) nhận xét rằng Ấn Độ đang ngày càng khẳng định mình có quyền lợi chính đáng liên quan đến tự do hàng hải và khai thác tài nguyên tại Biển Đông. “Trong bối cảnh hiện nay, nếu Bắc Kinh xem Ấn Độ Dương quan trọng đối với phát triển kinh tế và an ninh thế nào thì New Delhi cũng xem Biển Đông thiết yếu như thế. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện tại Biển Đông có vai trò đối trọng đối với Trung Quốc, và hỗ trợ các nước nhỏ hơn. Một khi Ấn Độ đã không xem Ấn Độ Dương là ao nhà của riêng mình, thì Trung Quốc cũng không được xem Biển Đông là chỉ của riêng họ”.
Vì sao Ấn Độ có quan điểm tích cực, tăng cường hành động sang phía Đông (Châu Á, ASEAN) gần với quan điểm của các nước lớn khác, trừ Trung Quốc?
Điều này có thể được lý giải bởi một số nhân tố sau:
Thứ nhất, vị trí địa chiến lược và địa kinh tế của Biển Đông đã định hình lợi ích kinh tế tự nhiên của Ấn Độ ở đây. Biển Đông là vùng biển tự nhiên kết nối một vùng rộng lớn các nền kinh tế năng động gồm các quốc gia Đông Nam Á là những nền kinh tế quan trọng trên thế giới và là những đối tác kinh tế quan trọng của Ấn Độ. Hiện tại thương mại hai bên đạt 79 tỷ USD vào năm 2012 và dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2015, sau khi Ấn Độ và ASEAN ký thỏa thuận thương mại tự do FTA.
Nhân tố thứ hai xuất phát từ các lợi ích an ninh của Ấn Độ, trong đó kể đến đầu tiên là an ninh năng lượng. Hiện tại, tuy Ấn Độ là một trong hai cực tăng trưởng kinh tế chủ đạo của Châu Á nhưng cũng là một quốc gia thiếu năng lượng. Ấn Độ hiện cần nhập khẩu 80% nhu cầu dầu từ nước ngoài. Theo dự báo nhu cầu năng lượng của Ấn Độ sẽ gia tăng trung bình 3% hàng năm. Ấn Độ đang tích cực tìm cách đa dạng hoá nguồn cung dầu mỏ trong đó có khu vực Biển Đông, vốn được coi là một trong 5 bồn trũng dầu khí lớn của thế giới, có trữ lượng tiềm năng dầu khí là 11 tỷ thùng và 190.000 tỷ m3 khí đốt. Với tiềm năng kinh tế to lớn, khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin tiên tiến và sự gần gũi về mặt địa lý, Ấn Độ sẽ là một trong những quốc gia có khả năng rất lớn trong lĩnh vực đầu tư khai thác dầu mỏ ở Biển Đông và các nước khu vực Đông Nam Á, giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông.
Tiếp sau an ninh năng lượng là an ninh kinh tế. Biển Đông được coi là cửa ngõ phía Đông của Ấn Độ, cũng là thị trường kinh tế trọng tâm trong giai đoạn hiện tại. Thống kê cho thấy hơn 50% hàng hóa thương mại của Ấn Độ qua eo Malacca, 50% sắt thép, 13% nhôm Nhật Bản nhập khẩu từ Ấn Độ. Nếu một số địa điểm nhạy cảm như eo Malacca hay khu vực Trường Sa, trung tâm Biển Đông xảy ra xung đột do các tranh chấp về chủ quyền chắc chắn có tác động lớn đến hoạt động kinh tế thương mại của Ấn Độ với khu vực kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là đối với các nền kinh tế xung quanh khu vực Biển Đông.
Về khía cạnh an ninh quốc phòng, Biển Đông có những quân cảng quan trọng như căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, quân cảng Cam Ranh của Việt Nam, cảng Subic ở Philippines. Bất kỳ một thế lực nào khống chế được Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và nhiều lợi ích khác của Ấn Độ do vị trí kề sát Ấn Độ Dương. Nếu tăng cường tham gia các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Ấn Độ có thể đảm bảo an ninh quốc gia khi khống chế một khu vực cửa ngõ tiến vào Ấn Độ Dương cũng như theo dõi được tình hình hoạt động của các cường quốc hải quân như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga… do Biển Đông và eo Malacca là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để các lực lượng hải quân này di chuyển.
Thứ ba, Biển Đông là nơi Ấn Độ có lợi ích gián tiếp để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc. Trung – Ấn có những mối quan hệ kinh tế với nhau nhưng có những “khúc mắc” trong vấn đề biên giới lãnh thổ, đặc biệt là ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Trong quá khứ (2012), tàu ngầm của lực lượng hải quân hai nước đã 22 lần “đụng độ” trên biển Ấn Độ Dương. Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc ồ ạt xây trên các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa từ năm 2014 đến nay khiến Ấn Độ lo ngại, vì các đảo này có thể chặn Ấn Độ tiếp cận khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như các dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Để đối phó với nguy cơ an ninh từ phía Trung Quốc, Ấn Độ cần hóa giải kế hoạch cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai” trên biển của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và kiềm chế hải quân Trung Quốc ngay tại cửa ngõ. Sự tham gia của Ấn Độ sẽ tác động không nhỏ đến tình hình khu vực Biển Đông và là một nhân tố kiềm chế có mức độ tham vọng và các hoạt động ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực này.
Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ nồng ấm từ lâu do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được thiết lập năm 2007 và liên tục phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực và được đánh dấu bởi sự tin cậy, hiểu biết, ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Hợp tác chính trị, quốc phòng và an ninh là một trong những trụ cột lớn của quan hệ giữa hai nước. Việt Nam luôn là một trụ cột rất quan trọng trong chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ. Ấn Độ coi Việt Nam là một đối tác chiến lược trong ASEAN cũng như trong khu vực rộng lớn hơn.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, Việt Nam cần nhiều bạn bè, trong đó có Ấn Độ. Mặc dù không có tranh chấp ở khu vực này, song Ấn Độ có nhiều lợi ích chiến lược tại khu vực Biển Đông như đã nói ở trên.
Việt Nam là bên tranh chấp chủ quyền và chịu ảnh hưởng nhiều nhất với những âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông. Cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đều bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép nên Việt Nam là một trong các bên tích cực ủng hộ và chủ động mở rộng sự hiện diện của Ấn Độ ở Biển Đông.
Trước sự hung hăng, ngạo ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, Ấn Độ có vai trò quan trọng trong việc giúp tăng cường khả năng quân sự của Việt Nam nhằm chống lại những mối đe dọa hiện hữu từ phía Trung Quốc.
Ấn Độ ngày nay đang định vị thành một “siêu cường”. Sự tham gia chiến lược của Ấn Độ vào khu vực Đông Nam Á và Biển Đông là bước đệm quan trọng cho vai trò quốc tế của Ấn Độ trong việc giải quyết vấn đề khu vực và toàn cầu. Đối lập với sự “trỗi dậy hòa bình” đầy nguy cơ bất ổn như Trung Quốc đang thực hiện thì Ấn Độ nổi lên như một lời khẳng định giá trị dân chủ, tiến bộ, một quá trình phát triển từ tốn nhưng bền vững và là một sự “trỗi dậy hòa bình” theo đúng nghĩa của nó. Cùng với Mỹ, Nhật Bản, Australia, Nga và các nước ASEAN có cùng lợi ích ở Biển Đông, Ấn Độ đã khẳng định rõ ràng vai trò an ninh và kinh tế trong khu vực. Việt Nam, trong mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ cần tận dụng sự quan tâm của Ấn Độ đối với Biển Đông trên bàn cân chiến lược “hành động phía Đông” của Ấn Độ để có được xung quanh mình những bạn bè, đồng minh để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của mình trên Biển Đông./.
BDN