Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐối đầu Sikkim: TQ giận tím mặt, Ấn Độ "mở cờ" khi...

Đối đầu Sikkim: TQ giận tím mặt, Ấn Độ “mở cờ” khi bất ngờ được 1 nước lớn ủng hộ mạnh mẽ

Đại diện chính phủ Nhật Bản vừa ủng hộ mạnh mẽ lập trường của New Delhi, liên quan đến cuộc giằng co 2 tháng qua ở vùng biên giới Sikkim giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc.

Các binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tươi cười khi kết thúc cuộc tập trận chống khủng bố và bắn đạn thật ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, tháng 11/2013 (Ảnh: Chinanews)

Trong động thái được các hãng truyền thông lớn của Ấn Độ đồng loạt tung hô là “ủng hộ Ấn Độ mạnh mẽ”, Nhật Bản tuyên bố “không nên có ý đồ nào nhằm làm thay đổi hiện trạng ở cao nguyên Doklam/Donglang bằng vũ lực”.

Tờ Times of India (TOI) cho hay, tuyên bố của Tokyo được đưa ra để ủng hộ lập trường của chính phủ Ấn Độ hồi tháng 6, cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận với Ấn Độ và Bhutan khi tìm cách xây dựng một con đường đi qua cao nguyên Doklam – khu vực mà New Delhi thừa nhận thuộc chủ quyền Bhutan và đưa quân ngăn cản phía Trung Quốc theo thỏa thuận hỗ trợ ký với Thimpu.

Theo TOI, quan điểm của Nhật – đưa ra bởi Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ, ông Kenji Hiramatsu – còn thể hiện đánh giá từ Tokyo rằng lập trường của Ấn Độ đóng vai trò quan trọng cho một giải pháp hòa bình.

Đại sứ Hiramatsu cho biết Nhật đã quan sát chặt chẽ tình hình căng thẳng ở Doklam kể từ khi xô xát bắt đầu ngày 18/6, và cho rằng Nhật có tiềm năng để tác động đến ổn định khu vực này.

“Xét về vai trò của Ấn Độ, chúng tôi tin rằng Ấn Độ có liên quan đến sự kiện này (giằng co với Trung Quốc) dựa trên các thỏa thuận song phương với Bhutan,” ông nói. “Ngoại trưởng [Ấn Độ] Sushma Swaraj đã nêu rõ rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại thông qua các kênh ngoại giao với Trung Quốc để tìm ra giải pháp chung.”

“Chúng tôi nhìn nhận thái độ này của Ấn Độ để hướng tới giải pháp hòa bình là rất quan trọng,” Đại sứ Nhật nói.

Phản ứng của Nhật – lần đầu tiên kể từ khi căng thẳng Sikkim bùng phát – đến sau hai thông điệp khác nhau từ phía Mỹ. Một là kêu gọi Trung-Ấn đối thoại trực tiếp, hai là cảnh báo trước những động thái cải tạo đơn phương trên đất liền.

Dù không thể hiện thái độ rõ ràng như Tokyo, thái độ Mỹ cũng được xem là “điểm cộng” với quan điểm của Ấn Độ.

Đề cập quan điểm của Trung Quốc về sự vụ ở Doklam, ông Hiramatsu nói, “Điều quan trọng ở những khu vực có tranh chấp là tất cả các bên liên quan không tìm đến ý định đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và xử lý mâu thuẫn với thái độ hòa bình.”

TOI nhận xét các phát ngôn từ chính quyền Mỹ, Nhật nhằm vào những chỉ trích gay gắt và hành động mà Bắc Kinh hướng về New Delhi thời gian qua, bao gồm yêu cầu Ấn Độ rút quân trước như là điều kiện tiên quyết để mở ra bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Ấn Độ cũng khẳng định rằng họ đã sẵn sàng bước vào một cuộc giằng co dai dẳng, thậm chí là qua cả mùa đông khắc nghiệt. 

Đáp trả phát ngôn từ ông Kenji Hiramatsu, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh chiều 18/8 chỉ trích, “Đại sứ Nhật tại Ấn Độ có thể thực sự muốn nói lời ủng hộ Ấn Độ, nhưng chúng tôi vẫn nhắc nhở ông rằng, trước khi làm rõ sự thực thì tốt nhất không nên phát biểu vô căn cứ.”

Bà Hoa nhắc lại “phía Trung Quốc yêu cầu Ấn Độ rút nhân viên và thiết bị vượt biên một cách vô điều kiện, đây là cơ sở và tiền đề để giải quyết tình hình hiện nay, mở ra đối thoại có ý nghĩa”.

RELATED ARTICLES

Tin mới