Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChưa quyết di dời trạm thu phí BOT ở miền Tây

Chưa quyết di dời trạm thu phí BOT ở miền Tây

Việc di dời trạm thu phí BOT trên QL91 mới chỉ là phương án Bộ GTVT nghiên cứu dựa trên đề xuất của địa phương chứ chưa có ý kiến chấp thuận di dời ngay.

Trạm thu phí T2 tại QL91

Trước tình trạng người dân phản ứng và yêu cầu di dời trạm thu phí T2 tại QL91, ông Lê Văn Nưng – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký văn bản thống nhất sẽ dời trạm T2, nhưng thời gian cụ thể thì chưa thông báo.

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Nguyễn Nhật lại cho biết, chưa ký bất kỳ văn bản nào nói về việc di dời trạm thu phí T2 trên QL91.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (PPP – Bộ GTVT) cũng thông tin, sau khi địa phương đề xuất, Bộ mới chỉ giao các bên nghiên cứu chứ chưa có văn bản nào thống nhất đồng ý di dời.

Cụ thể, ngày 6/6, tại buổi làm việc với đại diện UBND TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Thứ trưởng Nhật chỉ giao Vụ PPP chủ trì phối hợp với nhà đầu tư rà soát, khảo sát tiếp tục nghiên cứu theo đề xuất về phương án di dời.

Đánh giá toàn diện phương án tác động đến điều kiện kinh tế- xã hội của địa phương trên nguyên tắc khả thi về mặt tài chính, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên và báo cáo Bộ xem xét.

Nội dung này sau đó cũng được Bộ GTVT gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận tổ quốc VN, UBND TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang.

Ông Vũ Tuấn Anh cho biết thêm, sau khi mức phí giảm phải theo dõi xem ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án như thế nào, rồi mới xem xét báo cáo việc có di dời trạm thu phí hay không.

Thu phí hở không thể tuyệt đối công bằng

Xung quanh bất bình của người dân về việc chỉ đi vài trăm mét trên QL91 nhưng vẫn phải đóng phí đường qua trạm thu phí T2, Phó vụ trưởng Vũ Tuấn Anh cho rằng, phương án thu phí hở không thể tuyệt đối công bằng.

Thực tế có những nơi người dân chỉ đi vài trăm mét cũng phải trả phí, nhưng cũng có đoạn người dân đi 3-7km ở giữa thì không phải trả vì chưa đến trạm.

“Đây là điều không công bằng của thu phí hở và trong cơ chế chính sách vẫn đang nghiên cứu điều chỉnh theo hướng sẽ miễn giảm hẳn cho người dân ở gần trạm thu phí”, ông Tuấn Anh cho hay.

Để giải quyết bất cập này, Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương để có phương án giảm cho các chủ phương tiện qua trạm thu phí.

Cụ thể, yêu cầu giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các loại xe bus, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT theo hướng từ Kiên Giang (QL 80) về An Giang (QL 91) và ngược lại.

Miễn giảm 100% giá vé qua trạm T2 cho các phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí.

2 trạm thu phí cách nhau chưa đến 70km

Khi được hỏi, trạm T2 trước không có trong dự án ban đầu nhưng vì sao vẫn được đặt tại km 50+050, ông Vũ Tuấn Anh giải thích, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 qua địa phận TP Cần Thơ do công ty Cổ phần Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang làm chủ đầu tư có 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1 là cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+00 (giao QL91B) đến Km50+889 và đặt trạm thu phí T1 tại Km 16+905.

Trong khi đang triển khai giai đoạn 1 thì UBND TP Cần Thơ đề nghị làm luôn cả tuyến 91B (đoạn Km0+000 đến Km 15+793), đồng thời thống nhất phương án đặt trạm thu phí T2 tại điểm trên.

Ông Tuấn Anh khẳng định, việc nâng cấp QL91B và đặt trạm thu phí T2 được thực hiện đúng quy trình của nhà nước về bổ sung dự án và thẩm định duyệt điều chỉnh dự án.

Tuy trạm thu phí T1 cách trạm T2 nhỏ hơn 70 km nhưng việc thu phí đã được tính toán và phương án thu trên nguyên tắc mỗi chiều phương tiện chỉ trả phí một lần khi đi qua hai trạm, đảm bảo việc hoàn vốn cho dự án và được sự thống nhất của Bộ Tài chính và địa phương.

RELATED ARTICLES

Tin mới