Sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong vấn đề tên lửa và hạt nhân đã khiến đồng minh lớn duy nhất của họ là Trung Quốc phải hứng chịu hậu quả không mấy dễ chịu.
Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Mỹ hủy bỏ gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc, nói rằng những biện pháp đó không đóng góp gì cho việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 22/8 đã thông báo gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các thực thể của Nga và Trung Quốc bị cáo buộc cung cấp tài chính và tạo thuận lợi cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cụ thể, các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng với 16 thực thể và cá nhân của Trung Quốc và Nga có hoạt động giúp đỡ “cho những cá nhân đang hỗ trợ cho chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên, đang giao dịch với Triều Tiên trong lĩnh vực năng lượng, đang tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lao động của Triều Tiên hay giúp cho các thực thể bị trừng phạt của Triều Tiên có thể tiếp cận với hệ thống tài chính của Mỹ cũng như của quốc tế”.
Gói biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm trực tiếp vào ba công ty than của Trung Quốc gồm Tập đoàn Vật liệu Kim loại Dandong Zhicheng (“Zhicheng”), Công ty Cổ phần Quốc tế JinHou, và Tập đoàn Thương mại Dandong Tianfu. Đây là ba công ty chịu trách nhiệm nhập khẩu than có giá trị gần nửa tỉ đô la Mỹ từ Triều Tiên trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016.
Công ty Gefest-M LLC của Nga và Giám đốc của công ty này – ông Ruben Kirakosyan cũng nằm trong danh sách bị trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ với lý do công ty này tạo thuận lợi cho hoạt động bán các kim loại cho một thực thể Triều Tiên liên quan đến chương trình tên lửa.
Phản ứng trước bước đi mới nhất nói trên của Mỹ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying hôm qua (23/8) đã phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ rằng: “Trung Quốc phản đối việc các nước đơn phương áp đặt những biện pháp trừng phạt ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào các cá nhân và thực thể của Trung Quốc theo luật của họ. Lập trường của chúng tôi luôn rõ ràng và kiên định”.
Bắc Kinh luôn thực thi “một cách thành thật và toàn diện” các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, bà Hua cho hay đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc sẽ trừng phạt bất kỳ đối tượng nào vi phạm các lệnh trừng phạt theo luật của Trung Quốc.
Theo nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ không chỉ không giúp gì được cho việc giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên mà còn gây ảnh hưởng đến niềm tin trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Bà Hua kêu gọi Washington hủy bỏ các biện pháp trừng phạt.
Trước đó, Nga cũng đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Mỹ.
Với quyết định tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của Trung Quốc và Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy họ rất quyết liệt và cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên, thẳng tay ra đòn với Nga, Trung bất chấp việc Moscow và Bắc Kinh đều là những đối thủ lớn đáng gờm và đều có sức ảnh hưởng to lớn trên thế giới.
Quyết định của Mỹ cũng cho thấy Tổng thống Trump đã nói là làm. Trước đó, ông này không ngần ngại tung ra cảnh báo nghiêm khắc rằng, việc Trung Quốc chẳng làm gì với đồng minh Triều Tiên sẽ không được phép tiếp tục diễn ra.
Ông Trump đã từng trông chờ và đã từng kỳ vọng về việc Trung Quốc sẽ giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng tên lửa, hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông chủ Nhà Trắng đã không giấu nổi sự thất vọng với Trung Quốc.
Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Mặc dù trong thời gian vừa qua, Trung Quốc cũng đã có những hành động nhất định nhằm trừng phạt đồng minh Triều Tiên nhưng Mỹ tin rằng áp lực đó là chưa đủ để khiến Bình Nhưỡng phải lùi bước trong tham vọng tên lửa và hạt nhân.