Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnCăng thẳng tranh chấp lãnh thổ trên biển tại Châu Á (Phần...

Căng thẳng tranh chấp lãnh thổ trên biển tại Châu Á (Phần 2)

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc rằng nước này là kẻ đến muộn khi xét tới các đòi hỏi về lãnh thổ cũng như việc khai thác các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt dưới nước.

Hoàng Sa, Trường Sa- Những trang sử được viết bằng máu

Nhận thức (sai lầm) và sự không chắc chắn về chiến lược

Chính sách ngoại giao tự tin hơn của Trung Quốc đã tìm được sự ủng hộ trong nước. Công chúng và giới tinh hoa đa số đều có quan điểm rằng Trung Quốc dựa quá ít vào sức mạnh quân sự của mình về đối ngoại. Những hành động mà ở nơi khác được nhìn nhận là sự bành trướng hung hăng, ở Trung Quốc lại được coi là sự củng cố các đòi hỏi quyền lực hợp pháp.

Phía Trung Quốc nhiều lần nhắc rằng nước này là kẻ đến muộn khi xét tới các đòi hỏi về lãnh thổ cũng như việc khai thác các nguồn tài nguyên dầu và khí đốt dưới nước. Nếu Trung Quốc không muốn cuối cùng là kẻ thua cuộc trong cuộc chạy đua trở thành bá chủ Biển Đông, nước này phải thực thi các đòi hỏi của mình một cách nhanh chóng và bền vững.

Chiến lược “xoay trục” của Mỹ và sự liên kết được tăng cường của Philippines và Việt Nam với Mỹ trong bối cảnh này được diễn giải tại Bắc Kinh như là một nỗ lực nhằm “ngăm chặn” Trung Quốc. Trung Quốc coi bản thân là “nạn nhân” của những nỗ lực ngăn chặn này và bên tham gia bị đẩy vào thế phòng thủ trong chính sách đối ngoại đối đầu với những nước láng giềng nhỏ hơn hẳn như Việt Nam và Philippines.

Ngoài ra, bài diễn văn then chốt về chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình vào cuối tháng 11/2014 cũng để lại ít nghi ngờ về việc ban lãnh đạo Trung Quốc đánh giá chính sách đối ngoại “hung hăng” trong những năm qua là thành công. Vì vậy, không thể trông đợi một sự thay đổi đường lối chiến lược trong thời điểm này.

Sự nhìn nhận tích cực trong nội bộ về cách hành xử tự tin hơn của Trung Quốc đối lập với hình ảnh tiêu cực của nước này trong khu vực: Người dân Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đã khẳng định trong một cuộc thăm dò dư luận vào năm 2014 rằng họ coi Trung Quốc như là mối đe dọa lớn nhất đối với đất nước họ. Có tới 93% số người được hỏi ở Philippines, 85% ở Nhật Bản, 84% ở Việt Nam và 83% ở Hàn Quốc cho rằng các tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng có thể biến thành một cuộc xung đột vũ trang. Trong một cuộc thăm dò khác, hơn một nửa số người được hỏi ở Trung Quốc (53,4%) cũng có quan điểm tương tự.

Theo quan điểm của Việt Nam, sự thiếu hụt “lòng tin trong khu vực” đối với Trung Quốc trước hết là hậu quả của việc Bắc Kinh đã đe dọa an ninh và sự ổn định của khu vực với chính sách bành trướng của mình. Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, cho rằng cho tới nay chưa có điều gì thay đổi trong chiến lược chung của Trung Quốc, một chiến lược nhằm thực thi các đòi hỏi về lãnh thổ của mình, trong đó nước này tạo sự đã rồi với việc chiếm đóng các đảo và bãi đá hay việc cải tạo các bãi đá. 

Ở Philippines, nhiều người cũng đồng tình một phần với quan điểm này. Các nhà hoạch định chính sách chính trị và giới truyền thông liên tục miêu tả chính sách của Trung Quốc như là “sự xâm lăng dần dần”. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nhiều lần so sánh các đòi hỏi quyền bá chủ đối với Biển Đông của Trung Quốc với các yêu sách kiểm soát vùng đất Sudetenland của Đức Quốc xã.

Philippine coi bản thân đang đối đầu với một cường quốc vượt trội hơn cả về quân sự lẫn kinh tế, một cường quốc dường như nóng lòng muốn lấy đi từng phần một lãnh thổ của Philippines. Aquino miêu tả tình hình hiện nay với những từ ngữ như sau: “Khi nào tới thời điểm người ta nói “Như thế là đủ lắm rồi’? Thế giới phải lên tiếng. Hãy nghĩ tới việc Sudetenland được trao cho Hitler nhằm ngăn chặn cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã so sánh tầm quan trọng của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với của quần đảo Falkland, và ông có thể đi tới chiến tranh vì quần đảo này, như Anh từng làm dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher vào năm 1982. Tranh chấp biển đảo Trung-Nhật ở biển Hoa Đông thậm chí đã khiến một số nhà quan sát có đánh giá ảm đạm rằng người ta đang ở trong giai đoạn trước của một cuộc chiến tranh thế giới mới như vào năm 1914.

Ngay cả khi những sự giống nhau trong lịch sử có thể sai, những đánh giá và thể hiện như vậy cho thấy sự thiếu tin tưởng sâu sắc đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, lối nói mang tính dân tộc chủ nghĩa của tất cả các bên tham gia xung đột đã gia tăng. Bằng cách này, các bên trước hết cố gắng thể hiện sức mạnh đối nội. Tuy nhiên, việc công cụ hóa lối nói mang tính dân tộc chủ nghĩa, với mục tiêu đạt được tính hợp pháp chính trị lớn hơn, cũng ngày càng đặt các chính phủ ở Bắc Kinh, Hà Nội và Manila dưới áp lực thể hiện sức mạnh trong chính sách đối ngoại.

Những sự kình địch địa chính trị và các khái niệm trật tự cạnh tranh

Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng bị bao phủ bởi cuộc cạnh tranh địa chính trị vì quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ. Khu vực này là rất quan trọng đối với Washington nhằm đảm bảo trật tự khu vực Đông Á và Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của Mỹ tồn tại từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai và duy trì vai trò siêu cường thế giới của Mỹ. Đối với Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc kiểm soát khu vực ngoại vi trên biển trước hết có tầm quan trọng sống còn vì những lý do kinh tế.

Do sự hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế thế giới, các tuyến đường vận chuyển trên biển đã có tầm quan trọng lớn hơn và việc bảo vệ các tuyến đường này có ý nghĩa chính trị. Vì vậy, chúng đã trở thành “thành phần không thể thiếu trong các lợi ích quốc gia”, như Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã khẳng định vào năm 2013 tại Bắc Kinh. Hiện nay, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào việc sử dụng các tuyến đường biển, tới mức một môi trường hàng hải hòa bình và ổn định mang tính quyết định cho sự phát triển của nước này.

Các tuyến đường thông thương trên biển quan trọng, chẳng hạn như các tuyến đường đi qua eo biển Malacca, đảm bảo thương mại và việc cung cấp dầu mỏ, khí đốt, nguyên liệu thô, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Điều này đem lại cho Chính phủ Bắc Kinh khả năng làm yên lòng dân chúng với tăng trưởng kinh tế và sự cung cấp được đảm bảo và hợp pháp hóa sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Về mặt này, an ninh các tuyến đường biển và an ninh của chế độ tại Trung Quốc thể hiện hai mặt của một tấm huy chương.

Bên cạnh an ninh cho các tuyến đường thông thương trên biển, Bắc Kinh cũng nỗ lực hạn chế sự tự do hoạt động của Mỹ trong hàng thập kỷ qua tại khu vực ngoại vi trên biển của Trung Quốc. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện nay không chỉ sở hữu một hạm đội lớn tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ ở châu Á, mà cả tên lửa đạn đạo tầm xa chống tàu. Với sự hỗ trợ của những năng lực như vậy, Bắc Kinh hiện nay có thể ít nhất ngăn chặn (cho dù bị hạn chế về thời gian và địa điểm) tàu nước ngoài tiếp cận/xâm nhập khu vực (A2/AD).

Vì vậy, thông qua việc áp dụng các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập A2/AD của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ trong khu vực ngoại vi trên biển của Trung Quốc có thể bị ngăn chặn, sự kiềm chế Trung Quốc của Mỹ và các nước đồng minh có thể bị phá vỡ và vị thế lãnh đạo của Mỹ trong khu vực có thể bị suy yếu.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới