Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, không thể thu phí chống ùn tắc đối với những xe có cơ quan làm việc trong trung tâm TP.
Quan tâm đến chủ trương thu phí chống ùn tắc của TP Hà Nội tại một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nha xuất bản GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, một trong những giải pháp để chống ùn tắc là thu phí giao thông vào giờ cao điểm.
Ông chỉ ra thực tế, lâu nay việc chống ùn tắc ở Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng chỉ tập trung vào xe máy mà quên đi ô tô, trong khi đó ô tô mới là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc trên toàn thế giới hiện nay.
Bởi thế, khi ùn tắc quá lớn xảy ra, không nên cấm ô tô mà phải kiểm soát bằng một số giải pháp, TS Thủy gợi ý.
Thứ nhất, hạn chế ô tô đi vào giờ cao điểm bằng cách đánh phí chống ùn tắc. Nếu xe không có cơ quan ở trong trung tâm mà đi vào giờ cao điểm thì phải chịu một mức phí nhất định, chẳng hạn từ 30.000-50.000 đồng.
Như thế, nếu xe nào đi chơi, mua sắm, thăm nom… mà mục tiêu không cần thiết lắm thì cơ quan quản lý thu phí để họ thấy bất tiện, tự thay đổi giờ lưu thông, khi ấy ùn tắc sẽ giảm.
“Lưu ý rằng, thu phí phải đúng đối tượng, không thu tràn lan. Nếu xe nào có cơ quan ở trung tâm thì không được đánh phí.
Chẳng hạn, cơ quan tôi là Bộ GTVT ở đường Trần Hưng Đạo, tôi đi từ ngoài vào làm việc, cơ quan chức năng không thể thu phí, kể cả tôi đi vào giờ cao điểm”, vị chuyên gia dẫn ví dụ.
Thứ hai, tổ chức cho xe đi ngày chẵn, lẻ. Ngày chẵn thì ô tô có số cuối cùng là số chẵn được đi và ngược lại. Số còn lại có thể đi bằng phương tiện công cộng.
“Hai giải pháp này có thể thực hiện khi giao thông công cộng đảm bảo được 30-40% nhu cầu đi lại của người dân trở lên.
Lúc đó phải có các tuyến metro, đường sắt trên cao, xe buýt…, tức Nhà nước phải đảm bảo phương tiện đi lại tương đối tốt với tỷ lệ nói trên. Còn nếu cứ để tràn lan và nới lỏng như hiện nay thì tất cả sẽ cùng chịu ùn tắc.
Do đó, mỗi người phải nhường nhịn nhau một chút. Phía Nhà nước cũng phải có những biện pháp quản lý với điều kện đảm bảo các đối tượng đều có thể được hưởng thụ những phương tiện tốt của giao thông công cộng. Nếu người dân cứ đi tràn lan thì sẽ phải đánh phí”, TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Trước băn khoăn làm sao để phân biệt được xe vào trung tâm đi làm, xe nào đi chơi, mua sắm…, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng điều này không khó, giao thông thông minh sẽ giải quyết được hết.
“Có một tỷ lệ rất cao những người có mục tiêu không cần thiết lắm nhưng vẫn đi vào giờ cao điểm. Nếu đánh phí chống ùn tắc đối với những người này thì họ sẽ thay đổi giờ lưu thông. Đó là cách làm khoa học, hợp lý và người dân nên ủng hộ.
Với đối tượng có cơ quan ở trong trung tâm, họ sẽ phải đăng ký với thành phố và tất cả những thông tin cần thiết để chứng minh người đó không phải đóng phí sẽ đều có trong chiếc thẻ từ mà họ giữ”, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho biết.
Đối với xe máy, theo TS Thủy, nếu phương tiện công cộng phát triển lên thì cũng phải hạn chế cũng bằng cách nộp phí chống ùn tắc với mức thấp hơn so với ô tô.
Tuy nhiên, vị chuyên gia giao thông không mấy tin tưởng đến năm 2020 Hà Nội sẽ thực hiện được việc thu phí chống ùn tắc. Lý do là giao thông công cộng của TP khi ấy vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân với tỷ lệ ông đề cập ở trên.
“Cái kém của Hà Nội là ở đó, họ đưa ra giải pháp nhưng điều quan trọng là giao thông công cộng phải kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhân dân và đến năm 2020 thì chưa thể làm được điều này.
Đến năm 2020, may mắn lắm phương tiện công cộng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của nhân dân. Vậy 90% người dân đi lại bằng gì nếu cấm phương tiện cá nhân, không cho họ vào trung tâm? Điều đó là vô lý và lợi bất cập hại, gây ra sự khốn khổ và bất bình trong người dân”, TS Thủy nhận định.
Ông cho rằng, Singapore có thể áp dụng thành công phí chống ùn tắc là vì các phương tiện giao thông công cộng của họ rất thuận lợi, các tuyến đường đều có tàu điện ngầm. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bị lạc hậu hàng chục năm về phương tiện công cộng.
“Khi giải quyết được yêu cầu về phương tiện công cộng, đảm bảo hạ tầng thì Hà Nội hãy tính đến chuyện thu phí chống ùn tắc, không thể thu tràn lan, phí chồng phí để người dân khổ.
Mục tiêu cuối cùng của các giải pháp này là phục vụ người dân, lấy người dân làm trung tâm chứ không phải chống ùn tắc. Nếu chống ùn tắc bằng mọi giá thì người dân sẽ khốn đốn. Anh chống ùn tắc nhưng dòng giao thông vẫn phải hoạt động, còn nếu để chống ùn tắc mà cấm hết các phương tiện thì cấm làm gì?”, TS Thủy thẳng thắn.