Triều Tiên ngày 30/9 tuyên bố vụ phóng tên lửa Hwasong-12 mới đây là nhằm phản đối cuộc tập trận Mỹ-Hàn và dọn đường cho việc tấn công đảo Guam.
Đảo Guam thực sự nằm trong tầm ngắm?
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh, quân đội Triều Tiên sẽ tiến hành thêm nhiều vụ phóng tên lửa tương tự với mục tiêu là các căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh tại Thái Bình Dương.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất theo kiểu thực chiến này là bước đầu tiên để quân đội Triều Tiên phát động các chiến dịch quân sự tại Thái Bình Dương và là tiền đề quan trọng để hướng đến đảo Guam”, ông Kim Jong-un nói thêm.
Tuyên bố này của ông Kim Jong-un được đưa ra trong bối cảnh, hồi đầu tháng 8, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã đe dọa phóng 4 quả tên lửa vào vùng biển xung quanh đảo Guam nhằm đáp trả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với “bão lửa và cơn thịnh nộ” nếu “dám” đụng đến Mỹ.
Trong vụ thử tên lửa mới nhất ngày 29/8, Triều Tiên cũng sử dụng tên lửa Hwasong-12- loại tên lửa đạn đạo tầm trung mà ông Kim Jong-un từng đe dọa sẽ sử dụng để tấn công đảo Guam. Chỉ có điều, vụ phóng tên lửa này lại hướng lên phía Bắc quần đảo Hokkaido của Nhật Bản thay vì phía Nam xuống đảo Guam.
Phát biểu ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “thế giới đã nhận được thông điệp không thể rõ ràng hơn từ Triều Tiên”: “Những hành động đe dọa và gây bất ổn sẽ chỉ khiến Triều Tiên ngày càng bị cô lập hơn trong khu vực. Mỹ đã sẵn sàng mọi biện pháp nhằm đối phó với Triều Tiên”.
Hay vẫn chỉ là lời dọa suông của Triều Tiên?
Triều Tiên đã nhiều lần thực hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo bất chấp các lệnh cấm và trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vụ phóng tên lửa mới nhất bay qua lãnh thổ Nhật Bản là hành động khiêu khích “hiếm khi xảy ra”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Triều Tiên thường hay “nói quá” về những tiến bộ kỹ thuật công nghệ của mình. Điều này đồng nghĩa với việc vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể không đạt được những mục tiêu mà họ tuyên bố.
Cũng theo các chuyên gia, trong vụ phóng mới nhất này, tên lửa Hwasong chỉ bay được khoảng 2.700km trước khi lao xuống biển. Quãng đường này ngắn hơn nhiều so với vụ phóng tên lửa Hwasong-12 hồi tháng 5 mà theo các chuyên gia về công nghệ tên lửa có thể đã bay được tới 4.800km.
Cũng theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên đã rút ra được bài học gì từ vụ phóng tên lửa hồi tháng 5 để áp dụng cho vụ phóng tên lửa mới nhất này.
Quãng đường bay quá ngắn của quả tên lửa vừa mới được phóng đi của Triều Tiên cho thấy hoặc các kỹ sư của Triều Tiên cố tình cắt giảm lực đẩy động cơ tên lửa hoặc tên lửa của Triều Tiên gặp trục trặc kỹ thuật.
Trong khi đó, Giáo sư Kim Dong-yup tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, cho biết, việc phóng tên lửa qua những khu vực dày đặc dân cư ở Bình Nhưỡng và lãnh thổ Nhật Bản cho thấy Triều Tiên đã tự tin hơn về năng lực tên lửa của mình.
Tuy nhiên, cũng theo ông Kim Dong-yup: “Tôi không cho rằng Triều Tiên làm điều này vì mục đích quân sự. Vụ phóng tên lửa mới nhất chỉ cho thấy Triều Tiên muốn tạo dựng hình ảnh về sự cứng rắn của mình trong khi vẫn muốn “bắn tin” cho Mỹ và Hàn Quốc rằng, Triều Tiên vẫn muốn đàm phán nếu Mỹ và Hàn Quốc chấp nhận dừng cuộc tập trận chung”