Các chuyên gia quân sự cho biết, không có gì đảm bảo rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Guam và Hàn Quốc sẽ nhắm trúng tất cả các mục tiêu.
Việc phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên qua lãnh thổ Nhật vừa qua có thể làm gia tăng áp lực lên Washington trong việc xem xét việc bắn hạ các tên lửa phóng thử của Triều Tiên trong tương lai. Không có gì bảo đảm kế hoạch trên thành công và các quan chức Mỹ vẫn phải hết sức cảnh giác với các hành động có thể làm leo thang căng thẳng với Bình Nhưỡng.
Theo một quan chức chính phủ Mỹ, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ phóng tên lửa 29/8, ngày càng xuất hiện nhiều sự chú ý tập trung vào triển vọng đánh chặn một tên lửa đang bay.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết “tất cả các lựa chọn đều nằm trên bàn”, nhưng không có dấu hiệu thay đổi chính sách ở Washington đối với một hành động quân sự, mặc dù Bình Nhưỡng ngày 30/8 cảnh báo rằng sẽ có thêm nhiều vụ thử nghiệm vũ khí hướng vào Thái Bình Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã cam kết rằng, quân đội Mỹ sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào được cho là mối nguy hiểm đối với lãnh thổ Mỹ hoặc liên minh. Tuy nhiên, điều không rõ ràng là liệu Washington có sẵn sàng sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng để đánh chặn tên lửa như tên lửa đã vượt qua Nhật Bản nhưng không đe doạ trực tiếp lãnh thổ Mỹ hay không.
Theo các chuyên gia quân sự, không có gì đảm bảo rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm các chiến hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trong khu vực và các hệ thống THAAD đặt tại Guam và Hàn Quốc sẽ nhắm trúng mục tiêu, mặc dù các vụ thử gần đây đều thành công.
Chỉ cần một lần thất bại, Mỹ cũng sẽ ê chề trước Triều Tiên và càng khuyến khích nước này tiến hành các cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công vào lục địa Mỹ.
Thực tế, Mỹ đã chi 40 tỷ USD trong 18 năm để nghiên cứu và phát triển thành hệ thống phòng thủ tên lửa nhưng chúng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng trong điều kiện chiến tranh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tháng này tự tin khằng định rằng, quân đội Mỹ có thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào bắn từ Triều Tiên tới Guam, sau khi Triều Tiên tuyên bố họ đang lên kế hoạch phóng tên lửa tầm trung tới gần lãnh thổ Mỹ.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa vào Mỹ, tình hình có thể nhanh chóng leo thang thành chiến tranh, ông Mattis cảnh báo.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng tin rằng quân đội Mỹ có thể chống lại tên lửa đang phát triển của Triều Tiên. Một số chuyên gia cảnh báo rằng, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay nhằm mục đích bắn hạ một tên lửa, hoặc có thể là một số nhỏ các tên lửa. Nếu công nghệ và sản xuất tên lửa của Triều Tiên tiếp tục phát triển, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bị Triều Tiên vượt mặt.
Michael Elleman, một chuyên gia về tên lửa tại Washington cho biết: “Nếu một vụ bắn hạ tên lửa không thành công, Mỹ sẽ bẽ bàng, mặc dù không đáng ngạc nhiên lắm.”
“Hệ thống phòng thủ tên lửa không cung cấp một lá chắn bảo vệ chống lại tên lửa. Thay vào đó, nó giống như hệ thống phòng không. Nó được thiết kế để giảm thiểu thiệt hại mà kẻ thù có thể gây ra,”ông cho biết thêm.
Một quan chức Mỹ giấu tiên cho biết, quân đội Mỹ sẽ phải đặc biệt thận trọng khi bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên sao cho không gây ra mối đe dọa trực tiếp hay nguy cơ thương vong dân sự nếu nó bị đánh chặn ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Đồng thời, việc đánh chặn cũng hết sức mạo hiểm vì cũng khó xác định xem Bình Nhưỡng có thể trả đũa như thế nào.
Cho dù việc bắn trúng tên lửa đang bay của Triều Tiên bay không gây nguy hiểm cho Mỹ hoặc các đồng minh, nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề pháp lý. Nhật Bản cũng phải đối mặt với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc bắn hạ các tên lửa ở không phận của mình nhưng không nhằm vào Nhật Bản. Theo luật được thông qua vào năm 2015 của Nhật, Tokyo có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể, hoặc hỗ trợ quân sự cho một đồng minh bị tấn công, nếu Nhật Bản bị đe dọa.