Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười TQ bị IS bắt và hành quyết liều sang Pakistan?

Người TQ bị IS bắt và hành quyết liều sang Pakistan?

Vượt nhiều trở ngại, lao động Trung Quốc tới Pakistan ngày càng nhiều, khi mức lương tại đây có thể cao gấp… 4 lần thu nhập tại quê nhà.

Siêu thị của người Trung Quốc tại thủ đô Islamabad, Pakistan. (Ảnh: Caren Firouz/Reuters)

Mảnh đất màu mỡ có tên Pakistan

Ông Zhang Yang, một doanh nhân 48 tuổi đến từ Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, đang tìm kiếm trên các diễn đàn trực tuyến những người cùng chí hướng, sẵn sàng bất chấp hiểm nguy đi làm ăn cùng ông tại Pakistan.

Zhang chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nhân Trung Quốc nhanh nhạy nhìn ra cơ hội kiếm bộn tiền tại quốc gia phía bên kia dãy Himalaya. Tại đất nước mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ chi 57 tỷ USD cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường”.

Đây là làn sóng người Trung Quốc lớn thứ hai nhập cảnh vào Pakistan sau những người công nhân xây dựng đi mở đường.

Một số người đã mở nhà hàng và trường học dạy tiếng Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều người khác vẫn đang loay hoay lựa chọn loại hàng hóa cho 1 thị trường với dân số đã lên tới hơn 200 triệu người hoặc tìm hướng sản xuất mặt hàng đủ sức cạnh tranh tầm thế giới ngay tại Pakistan.

Từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bất động sản, đồ điện tử gia dụng tại Trung Quốc, Zhang Yang cho rằng “nhiều ngành nghề ở Pakistan đã đạt mức bão hòa”, và ông đang cân nhắc mở 1 nhà máy hoặc công ty nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc sang bán kiếm lời tại Pakistan.

“Trình độ phát triển tại Pakistan chưa bằng Trung Quốc, nên cơ hội kiếm tiền tại đó sẽ tốt hơn tại đây,” ông nói.

Làn sóng người Trung Quốc ồ ạt sang Pakistan trong thời gian gần đây đang khiến cho giới quan chức của quốc gia Hồi giáo này đau đầu.

Cách đây hai tháng, sự kiện hai công dân Trung Quốc bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sát hại đã thể hiện rõ những rủi ro về an toàn tính mạng cho công dân Trung Quốc, khi họ có thể dễ dàng trở thành những “mục tiêu mềm” trong cuộc chiến giữa tổ chức này với chính phủ Pakistan.

Làn sóng Trung Quốc tại Pakistan

Hiện vẫn chưa có số liệu người Trung Quốc nhập cảnh chính thức vào Pakistan. Nhưng theo 1 nguồn tin của Bộ Ngoại giao Pakistan, riêng trong năm ngoái có 71.000 người Trung Quốc nhập cảnh vào nước này.

Một quan chức xuất nhập cảnh cấp cao còn cho biết số lượng visa được gia hạn thêm trong năm 2016 lên tới gần 28.000 người, mức tăng 41% so với năm trước đó.

Điều này cho thấy, số công dân Trung Quốc thực tế sống tại Pakistan có thể còn cao hơn nhiều. Đối với chính quyền Islamabad, chi phí để đảm bảo an toàn cho tất cả số công dân Trung Quốc tại nước mình là rất cao.

Không thể phủ nhận những dự án hạ tầng hoành tráng của Trung Quốc đã giúp hồi phục nền kinh tế èo uột của Pakistan, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng và biến Pakistan thành 1 mắt xích quan trọng trong kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm xây dựng “Con đường tơ lụa thế kỷ 21” trên đường bộ và đường biển nối liền 3 châu lục Á, Âu và Phi.

Giai đoạn đầu của CPEC, một trong những trụ cột của “Con đường tơ lụa”, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng. Giai đoạn hai sẽ là thiết lập các khu kinh tế đặc biệt và kết hợp các doanh nghiệp Trung Quốc với kinh tế địa phương, giúp Pakistan phát triển lĩnh vực từ khai mỏ tới nông nghiệp.

Trung Quốc đồng thời cũng trở thành quốc gia có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất tại Pakistan với 1 tỷ USD trong năm 2016-2017 và vẫn bám trụ lại quốc gia Hồi giáo tại thời điểm nhiều doanh nghiệp phương Tây quyết định ngừng hoạt động kinh doanh do lo ngại an ninh và tham nhũng.

Vì vậy, ông Miftah Ismail, cố vấn đặc biệt của thủ tướng Pakistan đã nói rõ quan điểm của chính phủ nước này trong tuyên bố “Pakistan thực cần các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài và chúng ta sẽ không để mất những khoản tiền quý giá này chỉ vì những kẻ ngu ngốc sở hữu súng ngoài kia. Chúng ta sẽ không để công dân Trung Quốc bị tổn hại.”

Thách thức an ninh

Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hình ảnh về đất nước Pakistan và dự án thuộc sáng kiến “Vành đai, Con đường” thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia CCTV.

Thường xuyên phát đi những phỏng vấn người lao động Trung Quốc tại Pakistan, các chương trình này còn nhằm mục đích quảng bá cho CPEC. Tuy vậy, điều này chưa đủ để giúp những doanh nhân như ông Zhang và những người khác cảm thấy an tâm về tình hình an ninh tại đây.

“Đó là 1 bài học lớn cho chúng tôi,” trích lời ông Derek Wang, khi đề cập vụ sát hại công dân Trung Quốc tại Baluchistan mới đây.

Ông Wang hiện là Phó Tổng giám đốc Infoshare, một công ty tư vấn có trụ sở tại Islamabad chuyên cung cấp dịch vụ cho doanh nhân Trung Quốc. Theo ông, đối với những người chuẩn bị tới Pakistan, an toàn hiện là tiêu chí quan trọng nhất.

Giới chức Pakistan cũng ý thức được việc cải thiện tình trạng an ninh khi bố trí cảnh sát và nhân viên bảo vệ trang bị súng tự động tại văn phòng và các trường dạy ngoại ngữ của người Trung Quốc. Cùng lúc đó, nhân viên an ninh mặc thường phục cũng thường xuyên tuần tra tại các khu vực nhạy cảm.

Trong khi các kĩ sư, công nhân xây dựng đường sá và nhà máy năng lượng được sống trong các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, giới doanh nhân Trung Quốc thường phải tự lo cho an toàn bản thân khi đến các vùng đất mới và hiếm khi thông báo kế hoạch cho giới chức địa phương.

“Hiện tại đây là thách thức lớn nhất,” trích lời ông Muhammad Faisal Rana, người đứng đầu lực lượng đặc biệt gồm 8.000 nhân viên an ninh tinh nhuệ tại tỉnh Punjab (SPU) với nhiệm vụ bảo vệ người nước ngoài hồi năm 2014.

Theo ông Rana, 90% đối tượng cần được bảo vệ là công dân Trung Quốc.

Doanh nhân Trung Quốc chủ yếu tới Pakistan bằng visa du lịch và chủ yếu tới nghiên cứu thị trường. Một số người thì bán hàng sau đó quay trở lại quê hương.

“Các yếu tố này khiến giới chức địa phương không thể kiểm soát được lịch trình của họ vì không thể biết họ đến và đi lúc nào,” ông Rana cho hay.

Do vậy, các quan chức SPU tại tỉnh Punjab đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với hệ thống nhà trọ mà khách Trung Quốc hay sử dụng, và còn thiết lập những nhóm thông ngôn tại sân bay để giúp doanh nhân Trung Quốc đăng kí thông tin.

Học tập mô hình bảo vệ an ninh tại tỉnh Punjab, tỉnh Sindh và Khyber Pakhtunkhwa cũng thiết lập các đội bảo vệ an ninh đặc biệt của riêng mình.

Các trường dạy ngôn ngữ và nạn tham nhũng

Trước năm 2014, hiếm khi thấy sự xuất hiện của du khách Trung Quốc tại thủ đô Islamabad. Chuyện này đang thay đổi nhanh chóng khi số người Trung Quốc đang chiếm thế áp đảo và họ thậm chí còn sở hữu cả 1 tờ báo Trung Quốc có tên gọi Hoa Thương (Huashang).

Du khách vừa đặt chân đến sân bay Islamabad sẽ được chào đón bằng 1 loạt tờ rơi quảng cáo bằng tiếng Hoa phổ thông, giới thiệu dịch vụ đi lại và biển hiệu của nhiều cửa hàng trong thành phố còn được viết bằng tiếng Trung.

Hàng loạt nhà hàng Trung Quốc mọc lên đáp ứng nhu cầu ăn uống của những người mới nhập cảnh không thích ăn đồ ăn bản xứ. Đó là chưa kể hàng loạt người Pakistan đổ xô đi học tiếng Trung tại các ngôi trường dạy ngoại ngữ.

Nhận thấy cơ hội kinh doanh màu mỡ, bà Ami Quin, một doanh nhân kinh doanh lĩnh vực nhà hàng và nhà trọ cho công nhân của tập đoàn viễn thông ZTE tại Pakistan, chuẩn bị khai trương dịch vụ spa và 1 nhà khách khác.

“Ngày càng nhiều người muốn tới Pakistan làm ăn sau CPEC và họ lúc nào cũng tìm kiếm đối tác để cùng kinh doanh.”

Tại một trong các nhà hàng của bà Quin tại Islamaba, kĩ sư dân dụng Pan Denghao, mặc dù luôn miệng than thở về thời tiết nóng nực tại Pakistan, vẫn thừa nhận tiền lương thưởng tại đây vượt xa mức anh có thể nhận được tại quê nhà. 

Vì vậy, chàng thanh niên 25 tuổi này vẫn chấp nhận bám trụ ở đây để làm việc cho 1 dự án xây dựng sân bay mới ở thủ đô Islamabad. “Mỗi năm có rất nhiều cử nhân tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc nhưng cơ hội kiếm được việc vô cùng hạn chế.”

Trước CPEC, những doanh nhân Trung Quốc tới Pakistan hồi năm 2014 thường tập trung vào lĩnh vực tư vấn, giúp những người mới sang có thể xúc tiến các hoạt động kinh doanh và giúp kết nối với các đối tác bản địa.

Một doanh nhân Trung Quốc giấu tên cho biết ông và những doanh nhân khác thường tìm cách hối lộ các quan chức để đẩy nhanh quá trình nhập khẩu hay xin giấy phép từ chính quyền địa phương.

Đây là điều chẳng mấy lạ lẫm tại Trung Quốc cách đây mấy năm, trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng.

“Đây là một trong những lý do khiến người Trung Quốc như chúng tôi cảm thấy khá thoải mái khi ở đây. Chúng tôi biết cách để giải quyết mọi việc,” doanh nhân trên nói.

Mối bận tâm lớn nhất là mức lương

Mặc dù một số thói quen của người Trung Quốc có thể mâu thuẫn với các phong tục Hồi giáo địa phương, như việc nhà hàng Trung Quốc cho phép khách uống rượu lậu, nhưng về cơ bản, không có dấu hiệu nào cho thấy dân thường Pakistan có thái độ thù địch với người nước ngoài.

Không giống các quốc gia Phương Tây, Trung Quốc từ trước tới này vẫn được người dân Pakistan coi là 1 đồng minh. Du khách nước này khi có dịp đi chơi tại quốc gia láng giềng vẫn thường kể lại chuyện được bỏ qua những lỗi vi phạm nhỏ, ví dụ như lái xe không có bằng lái.

Cảnh sát và quan chức địa phương Pakistan trong những tình huống này thường nói với du khách Trung Quốc rằng “Các bạn là bạn của chúng tôi”.

Sự kiện 2 công dân Trung Quốc bị sát hại được giới chức địa phương nhận định là 1 sự kiện hi hữu, khi hai người này thực ra là những người truyền giáo cải trang thành doanh nhân.

Tuy vậy, sau sự cố đáng tiếc đó, ít nhất 1 phái đoàn doanh nghiệp Trung Quốc đã quyết định hoãn chuyến khảo sát tới Pakistan. Sau vụ việc, chính phủ Pakistan cũng siết chặt các quy định về việc cấp visa cho doanh nhân Trung Quốc và cam kết sẽ cải thiện tình hình an ninh trong nước.

Tại Hội nghị CPEC ở Lahore, những cảnh sát trang bị áo chống đạn kể lại cho phóng viên Reuters về số vũ khí đội hộ tống doanh nhân Trung Quốc trang bị. Một nữ doanh nhân chia sẻ: “Tôi thực sự cảm động” khi cảnh sát hộ tống bà trong suốt chuyến đi dài 4 tiếng từ Kashmir đến văn phòng tại thủ đô Islamabad.

Tuy vậy, các quan chức an ninh thừa nhận không phải ai cũng muốn đảm bảo an ninh 24/7 vì nhiều người vẫn muốn được tự do làm việc mình thích.

Theo bà Yang, thành viên Dịch vụ tư vấn lao động Zaozhuang Xincai đặt tại Trung Quốc, thì vụ phiến quân IS sát hại 2 người Trung Quốc vừa qua không hề tác động gì tới lượng lớn hồ sơ gửi xin việc tại Pakistan do mức lương lao động nhận được có thể cao hơn 4 lần so với mức lương tại quê nhà.

“Mối bận tâm lớn nhất của họ là được nhận lương bao nhiêu và khi nào. An toàn cho bản thân chỉ ở vị trí số 2 mà thôi.”

RELATED ARTICLES

Tin mới