.Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 6/9 tuyên bố sẽ triển khai nốt bốn bệ phóng di động còn lại của Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD) tại một khu quân sự tại Hàn Quốc.
Một bệ phóng thuộc THAAD tại một sân golf cũ ở Seongju, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bốn bệ phóng còn lại của hệ thống lá chắn tên lửa THAAD cùng các thiết bị liên quan sẽ được triển khai vào hôm nay 7/9 tại một căn cứ quân sự ở Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 300km.
Những bệ phóng này hiện đang được lưu giữ tại khu liên hợp của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), nằm gần căn cứ tại Seongju. Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh cần tới ít nhất sáu bệ phóng, cùng một đơn vị điều khiển hỏa lực và liên lạc.
Bộ Quốc phòng nhấn mạnh sự khẩn cấp của việc triển khai bốn bệ phóng THAAD trong bối cảnh mối đe dọa từ Triều Tiên ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, Bộ cũng khẳng định đây chỉ là hành động “tạm thời”, đòi hỏi phải có thêm các đánh giá về tác động môi trường của hệ thống THAAD. Quá trình này dự kiến sẽ mất ít nhất vài tháng.
Việc triển khai hệ thống THAAD vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Nhiều người lo ngại khu vực này sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu trong cuộc tấn công của Triều Tiên nếu có. Ngoài ra, không ít người cho rằng sóng điện từ phát ra từ radar của THAAD sẽ tác động không tốt đến sức khỏe và môi trường.
Một nhóm cư dân cho biết họ đã nhận được tin về kế hoạch triển khai THAAD “thông qua các kênh khác nhau”, đồng thời tiết lộ rằng việc lắp đặt bắt đầu lúc 2h sáng 7/9. Hàng ngàn cảnh sát có thể sẽ được huy động để đề phòng xảy ra các cuộc đụng độ.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu triển khai tạm thời bốn bệ phóng THAAD ngay sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo tầm xa vào ngày 28/7.
Trước đó, hai bệ phóng THAAD cùng một radar đã được triển khai tại sân gôn cũ ở Seongju.
Việc triển khai phần còn lại hệ thống phòng thủ tên lửa đã bị trì hoãn do tranh cãi về vấn đề môi trường. Một cuộc khảo sát về tác động môi trường ở “quy mô nhỏ” đã được Hàn Quốc tiến hành trong vòng một tháng. Kết quả cuộc kiểm tra đã được Bộ Môi trường Hàn Quốc thông qua.
Trung Quốc và Nga từng nhiều lần phản đối mạnh mẽ việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc, coi đây là hành động nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia các nước láng giềng. Đáp lại, Mỹ và Hàn Quốc khắng định đây chỉ là biện pháp phòng vệ chống lại Triều Tiên.