Lực lượng Không quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAAF) sáng hôm 5/9 bất ngờ tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự ở khu vực chỉ cách biên giới Triều Tiên vài km. Quân đội Trung Quốc cho hay, đó là các cuộc tập trận “phản ứng nhanh” trong trường hợp xảy ra “những cuộc tấn công bất ngờ”. Loạt cuộc tập trận của Trung Quốc dường như diễn ra bất ngờ, không có kế hoạch tiến hành từ trước và không rõ động thái bất thường này là nhằm vào ai.
Lực lượng tham gia tập trận là các tiểu đoàn phòng không và sư đoàn tên lửa của Trung Quốc. Địa điểm tập trận diễn ở xung quanh Vịnh Bột Hải – một khu vực nằm giáp với biển Hoàng Hải. Biển Hoàng Hải là nơi chia tách giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên.
Bắc Kinh đã triển khai một loạt vũ khí tên lửa phòng không để bắn vào các mục tiêu trên bờ, trên không và trên biển. Các binh sĩ Trung Quốc đã diễn tập bắn hạ những tên lửa tầm thấp bay qua vùng biển Bột Hải và Bắc Kinh tuyên bố đã thực hiện thành công bài tập này. Hệ thống tên lửa phòng không HQ-6 của Trung Quốc đã bắn trúng các mục tiêu giả định ở cả trên không và trên biển.
“Các năng lực phản ứng nhanh và khả năng chiến đấu thực sự của lực lượng binh sĩ đã được thử thách một cách hiệu quả”, trang tin quân sự 81.cn của Trung Quốc đưa tin. Cuộc tập trận cũng được tổ chức nhằm đánh giá xem liệu các binh sĩ Trung Quốc có thể xử lý những tình huống bất ngờ hay không. Trong khuôn khổ cuộc tập trận này, các binh sĩ Trung Quốc đã phải đối phó với một cuộc tấn công mô phỏng bằng vũ khí hóa học.
Loạt cuộc tập trận trên diễn ra trong bối cảnh Tư lệnh mới của Lực lượng Không quân Trung Quốc – Trung tướng Ding Laihang vừa tuyên bố, lực lượng của ông sẽ tiếp tục huấn luyện để biến họ từ một đơn vị phòng không thành một cánh tay mở rộng có khả năng bảo vệ các lợi ích quốc gia ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
“Trong quá khứ, chiến lược và định hướng của chúng tôi tập trung vào mục tiêu phòng không trong lãnh thổ. Hiện tại, chúng tôi chuyển hướng tập trung vào mục tiêu mài sắc năng lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ tầm xa và phát động những cuộc tấn công tầm xa”, Trung tướng Ding cho trang tin 81.cn biết.
Thay vì chỉ là “một lực lượng chiến lược”, PLAAF “sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc huấn huyện tầm xa qua các đại dương”, ông Laihang nói thêm.
Tất nhiên, khi một quốc gia tập trận phòng vệ, người ta sẽ đặt câu hỏi: họ đang lo ngại lực lượng nào và họ đang phải bảo vệ mình trước ai? Loạt cuộc tập trận của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên – đồng minh cũng là nước láng giềng sát nách của Trung Quốc, thực hiện một vụ thử bom hạt nhân – vụ thử hạt nhân đầu tiên trong vòng 1 năm trở lại đây. Vũ khí được thử nghiệm được cho là bom H.
Phản ứng trước vụ thử trên, giới lãnh đạo Mỹ đã liên tiếp tung ra những lời đe dọa, cảnh báo nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo Triều Tiên rằng, “bất kỳ mối đe dọa nào đối với Mỹ hoặc các vùng lãnh thổ của Mỹ, bao gồm đảo Guam, hay là đối với các đồng minh của chúng tôi đều sẽ vấp phải đòn đáp trả quân sự toàn diện”.
Mỹ tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực và hiện đang đàm phán với Hàn Quốc để triển khai thêm các tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược đến bán đảo Triều Tiên nhằm chuẩn bị sẵn sàng khi họ quyết định tấn công chớp nhoáng vào các khu vực tên lửa của Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở quá gần biên giới của họ và trong quá khứ từng tuyên bố rằng họ sẽ coi một cuộc xâm lược vào Triều Tiên như một hành động gây chiến với chính Trung Quốc.
Trung Quốc cũng hoàn toàn không hài lòng với việc Triều Tiên đẩy mạnh phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Không rõ loạt cuộc tập trận bất ngờ và bất thường vừa rồi của Trung Quốc là nhằm vào ai.