Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang chuyển sang chủ động hơn trong việc định hình môi trường an ninh bên ngoài của họ, sử dụng thương mại và đầu tư để mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược, đồng thời khẳng định những tuyên bố chủ quyền chống lại các nước láng giềng. Sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển” được chi phối bởi niềm tin của ông Tập Cận Bình rằng hàng hải là chìa khóa để Trung Quốc đạt được vị thế vượt trội tại Châu Á.
Trung Quốc muốn trở thành cường quốc biển trên nhiều phương diện, gần đây Trung Quốc đã công bố với thế giới về dự án “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Sáng kiến này, cùng với sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên bộ”, với trọng tâm là các dự án cơ sở hạ tầng, đang nhằm vào những nước ven biển, nằm dọc theo những huyết mạch thương mại lớn tại Ấn Độ Dương, trung tâm toàn cầu mới của các dòng thương mại và năng lượng. Khu vực biển quan trọng này, trải dài từ Australia tới Trung Đông và Nam Phi, dường như quyết định cán cân quyền lực, trật tự hàng hải và địa chính trị tại Châu Á, vịnh Persia và xa hơn.
Con đường tơ lụa kép
Sáng kiến “Con đường Tơ lụa kép”, còn được Bắc Kinh gọi là sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường”, là một phần trong chiến lược của ông Tập Cận Bình nhằm giúp Trung Quốc thoát ra khỏi cái khuôn Đông Á và trở thành một cường quốc toàn cầu. Các dự án đó sẽ cho phép Trung Quốc tạo ra đòn bẩy kinh tế và giúp kéo các nước khu vực tiến gần hơn tới quỹ đạo của Trung Quốc.
Tại thời điểm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, sáng kiến “Một Vành đai, một Con đường” được thiết kế để giành những hợp đồng béo bở cho các công ty quốc doanh Trung Quốc bằng cách “ngụy trang” thâm nhập thương mại thành đầu tư hào phóng và tín dụng thành viện trợ. Bắc Kinh đang “đánh tráo” việc kinh doanh ở nước ngoài thành viện trợ kinh tế. Những hợp đồng mà Trung Quốc đang giành được sẽ giúp nước này xử lý được vấn đề sản xuất dư thừa trong nước. Từ dự án đường sắt trị giá 10,6 tỷ USD tại Thái Lan, đến các dự án xây dựng nhà máy điện mới trị giá hơn 20 tỷ USD tại Pakistan, cho thấy Trung Quốc đang tập trung vào xuất khẩu cơ sở hạ tầng.
Nói một cách chung hơn, những sáng kiến “Con đường Tơ lụa” thực chất là sự “ve vãn” các nước khu vực, nhất là bằng cách liên kết họ với kinh tế và an ninh của Trung Quốc. Chính sách tham vọng và quyết đoán của Trung Quốc hiện nay với các nước nhỏ hơn là “cho phép các nước này thu lợi về kinh tế, để đổi lại Trung Quốc có những quan hệ chính trị tốt đẹp”. Một ví dụ của việc Trung Quốc đang tìm cách “mua” quan hệ là các hợp đồng lớn mà Bắc Kinh đã ký với Tổng thống mới đây đã bị lật đổ của Sri Lanka Mahinda Rajapaksa nhằm biến quốc gia nằm ở vị trí chiến lược này trên Ấn Độ Dương trở thành điểm dừng chân lớn trên con đường hàng hải của Trung Quốc. Tổng thống mới của Sri Lanka Maithripala Sirisena đã tuyên bố trong chiến dịch vận động tranh cử rằng các dự án của Trung Quốc đã đưa Sri Lanka vào “bẫy nợ”.
Thông qua “Con đường Tơ lụa trên biển”, Trung Quốc đang thách thức cán cân quyền lực hiện nay tại Ấn Độ Dương. Nỗ lực của Trung Quốc có liên quan tới việc giành được các dự án xây cảng biển dọc theo những tuyến đường biển quan trọng; xây dựng các hành lang năng lượng và giao thông hướng tới Trung Quốc, chạy qua Myanmar và Pakistan; tạo một “chuỗi ngọc trai” dưới hình thức các trạm tiếp liệu và các tiền đồn mà hải quân của Trung Quốc có thể tiếp cận dọc những tuyến đường thương mại quan trọng trên thế giới.
Cùng với việc Trung Quốc đang biến những hòn đảo nhỏ, chủ yếu là các rạn san hô chìm, thành những hòn đảo có thể trở thành các căn cứ quân sự, Biển Đông đang trở thành khu vực nguy hiểm cho cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông như là cửa ngõ quan trọng.
Theo ước tính, tổng khối lượng thương mại quốc tế – trị giá khoảng 5.300 tỷ USD mỗi năm – được lưu thông qua Biển Đông, 90% khối lượng thương mại liên lục địa và 40% khối lượng hàng hóa thương mại của thế giới đi qua Biển Đông. Do đó, tự do hàng hải trên biển là một nguyên tắc quan trọng phải được cộng đồng quốc tế tôn trọng.
Tại hội nghị ở thành phố Lubeck (Đức) trong tháng 4 vừa qua, các Bộ trưởng Nhóm G – 7 (Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ) và đại diện cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) đã ra Tuyên bố chung, trong đó đề cập đến tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, bày tỏ quan ngại trước “bất kỳ hành động đơn phương nào, như bồi lấn chẳng hạn, làm thay đổi nguyên trạng và làm tăng tình hình căng thẳng”.
Những thông tin mới đây cho thấy ngoài những bến cảng, thậm chí trận địa pháo đang được Trung Quốc xây dựng bằng cách cải tạo các đảo san hô và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo. Chẳng hạn, Bãi Chữ Thập cũng bị Trung Quốc phát triển thành đảo nhân tạo, trên có đường băng và các cơ sở khác có thể sử dụng cho mục đích quân sự. Việc xây dựng các đảo nhân tạo này không chỉ tạo điều kiện cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc có thể thể hiện sức mạnh ở những nơi xa, mà còn giúp Trung Quốc tăng cường những yêu sách biển ở Biển Đông. Với sự hỗ trợ trên không cho lực lượng bảo vệ bờ biển, Trung Quốc sẽ có thể đe dọa Việt Nam và cả Philippines.
Việc xây dựng và cải tạo các đảo thành căn cứ quân sự là nhằm thay đổi nguyên trạng. Những hành động như vậy giúp tăng ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó mở rộng khai thác các nguồn tài nguyên tại biển này. Đưa người và vật liệu lên các đảo nhân tạo cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân và những đòi hỏi về chủ quyền.
Vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông là rất quan trọng. Các thành viên ASEAN phải nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ khai thác sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN để tạo lợi thế trong đàm phán. Do đó, những gì ASEAN cần tập trung giải quyết trong tranh chấp với Trung Quốc là tăng cường đoàn kết và hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ bằng cách tham gia tập trận chung, tăng cường giám sát hàng hải, chia sẻ thông tin và có các cách thức tăng cường hợp tác khác. Cả Việt Nam và Philippines đã chứng kiến các hành vi ngang ngược, hiếu chiến của Trung Quốc trong những năm qua như vụ đặt giàn khoan trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sử dụng vòi rồng bắn vào tàu cá Việt Nam. Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 31/12/2015 là cơ hội tốt để ASEAN tăng cường đoàn kết và củng cố sức mạnh để giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và đối phó với các mối đe dọa và thách thức từ Trung Quốc.