Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới"Nói Triều Tiên không ác cảm với Trung Quốc là nói dối"

“Nói Triều Tiên không ác cảm với Trung Quốc là nói dối”

Giáo sư Zhang Liangui tại Trường Đảng trung ương Trung Quốc cho rằng: “Nói Triều Tiên không ác cảm với Trung Quốc là nói dối”. Khả năng Bắc Kinh sẽ còn cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Bình Nhưỡng sau vụ thử bom H của Triều Tiên.

Ngoài việc cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên, Trung Quốc có thể sẽ ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang Bình Nhưỡng.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới phân tích ngoại giao Trung Quốc nhận định, khả năng Bắc Kinh sẽ ủng hộ tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên như cắt đứt hoạt động xuất khẩu dầu thô. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không hoàn toàn ngừng vận chuyển năng lượng sang Triều Tiên để tránh đẩy chính quyền Bình Nhưỡng vào cảnh sụp đổ.

Vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch hay còn gọi là bom H của Triều Tiên hôm 3/9 đã làm phá hỏng không khí cuộc họp thượng đỉnh của các nền kinh tế thị trường mới nổi BRICS diễn ra ở Trung Quốc. 

Hành động của Bình Nhưỡng được xem là thổi bùng ngọn lửa tức giận từ phía chính quyền Bắc Kinh khi mà Trung Quốc nhiều lần kêu gọi Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, nó còn chứng minh giữa Trung Quốc và Triều Tiên lâu nay không còn diễn ra hoạt động trao đổi thông tin.

Trước đây, Triều Tiên thường thông báo cho phía Trung Quốc biết trước thời điểm thử hạt nhân khoảng vài giờ đồng hồ. Nhưng theo một nhà ngoại giao châu Á, hoạt động này đã chấm dứt kể từ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1/2016. Đây là lý do Trung Quốc không hề hay biết trước thông tin khi Triều Tiên cho thử hạt nhân lần thứ 5 hồi tháng Chín năm ngoái dù không lâu trước đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không hề nhắc tới việc Bắc Kinh có nhận được trước thông tin về vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên hay không. Song theo giới quan sát ngoại giao, hoạt động trao đổi thông tin giữa hai nước ngày càng trở nên khó khăn do Bình Nhưỡng quyết không nghe theo lời khuyên dừng phát triển hạt nhân từ phía Bắc Kinh.

“Nói Triều Tiên không ác cảm với Trung Quốc là nói dối. Triều Tiên đã từ chối mọi sáng kiến của Trung Quốc và phớt lờ những lời nói từ Bắc Kinh”, Giáo sư Zhang Liangui tại Trường Đảng trung ương Trung Quốc chia sẻ.

Còn theo Giáo sư tại Đại học Phúc Đán, ông Shi Yuanhua, khoảng cách khác biệt giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ngày càng bị nới rộng. Triều Tiên còn không thông báo trước cho Trung Quốc về các vụ thử hạt nhân.

Đây cũng có thể là lý do khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ sớm thông qua một nghị quyết mới tăng cường trừng phạt với Triều Tiên. Trong phiên họp khẩn cấp hôm 4/9, đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley còn cho rằng Triều Tiên “đang nài nỉ chiến tranh”. 

Giới quan sát ngoại giao châu Á thì cho rằng khả năng Bắc Kinh sẽ cắt đứt hoạt động cung cấp dầu thô cho Triều Tiên để trừng phạt Bình Nhưỡng.

Dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, tờ New York Times cho hay, Washington đang gia tăng sức ép với Trung Quốc và các quốc gia thành viên trong Hội đồng Bảo an cắt nguồn cung năng lượng và dầu mỏ cho Triều Tiên.

Tờ Yonhap cũng đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhấn mạnh giờ là lúc thảo luận về việc cắt nguồn cung dầu mỏ sang Triều Tiên.

Giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Peking, ông Jia Qingguo cho rằng, Bắc Kinh nên cân nhắc trừng phạt dừng xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên nhất là sau vụ thử bom H. “Hành động của Triều Tiên đã ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc và gây bất ổn cho khu vực”, ông Jia nói. 

Ông Wang Sheng, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm thì cho rằng, Trung Quốc sẽ ủng hộ lệnh tăng cường trừng phạt của LHQ bởi “dầu mỏ dường như là con đường duy nhất thể hiện sức ép từ phía Bắc Kinh với Bình Nhưỡng trong thời điểm hiện tại”.

Thực tế, Trung Quốc là đối tác chiếm tới 90% doanh thu thương mại nước ngoài của Triều Tiên. Dù không có con số cụ thể về số lượng dầu thô mà Trung Quốc đã xuất sang Triều Tiên, song theo Cơ quan Thúc đẩy đầu tư thương mại Triều Tiên, quốc gia này đã nhập 520.000 tấn dầu thô từ Trung Quốc trong năm 2015. Còn theo dữ liệu của LHQ, Trung Quốc đã xuất khẩu 218.087 tấn các sản phẩm dầu tinh chế sang Bình Nhưỡng. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, Moscow chỉ xuất khẩu 40.000 tấn dầu và các sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên trong mỗi quý. 

Hiện tại, Trung Quốc đang thi hành lệnh cấm nhập khẩu than đá, hải sản, sắt và quặng sắt từ Triều Tiên. Hành động của Bắc Kinh có thể khiến Bình Nhưỡng thâm hụt tới gần 1 tỷ USD.

Song theo giới chuyên gia, Trung Quốc sẽ không đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt hà khắc để ngăn chính quyền Bình Nhưỡng rơi vào cảnh sụp đổ. Bởi nếu Triều Tiên gặp bất ổn, dòng người tị nạn từ Triều Tiên sẽ đổ xô sang các thành phố biên giới Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc lo sợ Triều Tiên sẽ nằm trong vòng kiểm soát của Hàn Quốc, một đồng minh thân thiết của Mỹ, nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ cần thận trọng áp đặt mức độ ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên”, ông Jia chia sẻ.

Còn theo ông Wang, Trung Quốc sẽ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức các cuộc đàm phán hóa bình giữa Mỹ và Triều Tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. 

“Vẫn sẽ có lệnh trừng phạt nhưng không phải là cắt đứt toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ. Trung Quốc không muốn chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Bắc Kinh chỉ muốn tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vì cắt đứt xuất khẩu dầu mỏ sang Bình Nhưỡng không phải là mục tiêu của Trung Quốc”, SCMP dẫn lời ông Wang.

Tuy nhiên, Giáo sư Zhang lại tỏ ra nghi ngờ liệu rằng những lệnh trừng phạt tăng cường với Triều Tiên có phát huy tác dụng vì vụ thử bom H đã chứng minh Bình Nhưỡng đang tự cô lập mình khỏi cộng đồng quốc tế.

“Thực sự, Triều Tiên không quan tâm tới điều Trung Quốc nói. Viễn cảnh giải quyết vấn đề Triều Tiên khá mơ hồ. Mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có quyết định triển khai hành động quân sự hay không”, ông Zhang nhận định. 

RELATED ARTICLES

Tin mới