Công an các địa phương nói sẽ cuộc điều tra hành vi gây rối, mất trật tự an ninh tại trạm thu phí QL 5 sau cầu cứu từ Vadifi.
Đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố
Ngày 6/9, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi), đơn vị quản lý hai trạm thu phí QL 5 đã có văn bản đề nghị Tổng cục An ninh (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương điều tra làm rõ hành vi của cá nhân, tập thể và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí trên QL 5.
Sáng 7/9, trao đổi với Đất Việt, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết chưa nhận được văn bản kiến nghị của Vidifi.
Tuy nhiên thông qua tin tức được báo chí phản ánh và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, công an thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ
“Chúng tôi chưa thấy văn bản ở đâu kiến nghị cả. Nhưng qua nắm tình hình thì chúng tôi biết được thông tin. Tôi đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự”, ông Ca nhấn mạnh.
Đại tá Đỗ Đình Hào, Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cũng xác nhận với báo chí, công an tỉnh tiến hành điều tra làm rõ hành vi gây rối an ninh trật tự tại trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 (đoạn qua địa phận huyện Văn Lâm, Hưng Yên).
Theo Đại tá Hào, công an tỉnh đã làm việc với một số lái xe đồng thời khẩn trương điều tra xem ai là người kích động các lái xe phản đối.
“Nếu đủ căn cứ sẽ tiến hành khởi tố về hành vi gây rối, kích động”, đại tá Hào nói.
Đại tá Hào cho biết thêm, trong các buổi làm việc với công an các lái xe phản ánh việc thu phí tại hai trạm BOT trên quốc lộ. Trong đó, nhiều người cho rằng chất lượng đường xuống cấp. Tất cả ý kiến này, công an tỉnh đã ghi lại và báo cáo các cấp chính quyền.
Không có bộ luật nào quy định cấm đưa tiền lẻ
Chia sẻ thêm với Đất Việt về vấn đề, LS Đỗ Hải Bình (đoàn LS TP.HCM) cho rằng Vidifi có quyền gửi văn bản đến cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ các hành vi gây rối tại trạm thu phí.
Tuy nhiên, cơ quan công an sẽ căn cứ vào các hành vi, bằng chứng để xem xét có cấu thành tội hay không? Từ kết luận đó mới đưa ra những biện pháp thích hợp để xử lý.
“Trường hợp người dân dùng tiền lẻ trả phí tại trạm thu phí QL 5 hoàn toàn đúng pháp luật và không có gì sai. Không có bộ luật nào quy định cấm đưa tiền lẻ.
Còn việc dừng xe, đưa chậm không phải là yếu tố cấu thành tội gây rối trật tự công cộng. Để xử lý tội gây rối trật tự công cộng phải có hành vi gây rối như đập phá tài sản hay vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong trường hợp này thì không có”, LS Bình nhấn mạnh.
Theo LS Đỗ Hải Bình, đến thời điểm này không chỉ riêng trạm thu phí QL 5 mà nhiều địa phương trên cả nước người dân đều phản ứng với mức thu phí của chủ đầu tư.
LS Bình cho rằng, nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư BOT đặt trạm thu phí để hoàn vốn không minh bạch, công khai.
“Bất cập xảy ra khi thu tiền 1 nơi nhưng đặt trạm BOT 1 nơi. Nhiều nơi thu theo kiểu chặn đầu trong khi người dân chạy xe đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi.
Những đường hiện hữu từ thời xa xưa phải được bảo trì bằng số tiền đã đóng. Còn xây con đường xây mới thật sự, toàn bộ thì mới được quyền thu phí. Việc thu phí tại trạm số 1 QL 5 nhằm hỗ trợ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng người dân phản ứng là có cơ sở”, LS Bình nhấn mạnh thêm.
Trao đổi thêm với Đất Việt về tình trạng lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí, LS Phạm Hoài Nam (đoàn LS TP.HCM) khẳng định việc này hoàn đúng luật.
“Dưới góc độ phát luật, luật sư thấy rằng việc trả tiền lẻ ở trạm thu phí thì không vi phạm pháp luật. Vì đây là các đồng tiền được lưu thông theo quy định của ngân hàng nhà nước và quy định pháp luật.
Nếu với những tài xế có hành vi cố tình gây khó khăn khi đưa tiền và thanh toán có chủ đích thì cơ quan nhà nước sẽ mời lên làm việc cụ thể”, LS Nam nhấn mạnh.