Mối quan hệ đối tác quốc phòng bền lâu giữa Ấn Độ và Nhật Bản tiếp tục được củng cố khi hai nước thông báo thêm nhiều kế hoạch tập trận song phương hơn cũng như nhiều hoạt động trao đổi công nghệ, thiết bị hơn và nhiều nỗ lực phối hợp chung hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc – đối thủ chung đang ngày một bành trướng nhanh chóng về mặt địa chính trị.
Trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera vừa mới đây, hai nước này đã nhất trí tăng cường mối quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến tranh chống tàu ngầm và các chiến dịch chống khủng bố.
“Hai Bộ trưởng đã trao đổi lập trường và ý kiến của nhau với mục đích tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Toàn cầu và Chiến lược Đặc biệt Nhật Bản-Ấn Độ”, tuyên bố chung được Bộ Quốc phòng hai nước Nhật Bản và Ấn Độ phát đi đã cho biết như vậy.
Bộ trưởng Jaitley đã nhất trí sẽ đưa các cuộc diễn tập chống tàu ngầm có sự tham gia của máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 vào khuôn khổ cuộc tập trận hải quân Malabar 2018. Đây là cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Ấn Độ được tổ chức hàng năm từ năm 2002. Nhật Bản bắt đầu tham gia vào các cuộc tập trận hải quân Malabar với tư cách là đối tác thường trực thứ ba từ năm 2015.
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Ấn Độ và Nhật Bản cũng thảo luận về cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Hai vị quan chức quốc phòng cấp cao này “đã lên án bằng những ngôn từ mạnh nhất đối với vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên. Vụ thử đã vi phạm các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Triều Tiên, trong đó có nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Hai Bộ trưởng Jaitley và Onodera cũng “kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay những hành động như vậy bởi đó là những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình cũng như sự ổn định trong khu vực và xa hơn nữa”.
Nhật Bản và Ấn Độ được cho là đang tìm đến với nhau để làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. Hai nước này vốn có mối quan hệ thân thiết, gắn bó từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ được tăng cường ở mức độ ngày càng cao dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Ông Abe đã thực hiện rất nhiều chuyến thăm đến Ấn Độ và thường xuyên công khai ủng hộ cho việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á.
Ông Abe từng khiến nhiều người ngạc nhiên khi trong nhiệm kỳ làm Thủ tướng trước đó vào năm 2006, ông này đã đưa ra nhận định rằng, mối quan hệ Nhật-Ấn có thể vượt qua cả mối quan hệ Mỹ-Nhật và Nhật-Trung. Nhà lãnh đạo Nhật cũng từng có bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, trong đó ông này nhấn mạnh, một nước Nhật Bản mạnh sẽ đem lại lới ích tốt nhất cho Ấn Độ và tương tự một Ấn Độ mạnh sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho Nhật Bản.
Về phía New Delhi, năm 2013, Thủ tướng Ấn Độ từng khẳng định mối quan hệ thân thiết, gắn bó với Tokyo bằng tuyên bố Nhật Bản là đối tác “tự nhiên và không thể thiếu của chúng tôi trên con đường tìm kiếm sự ổn định và hòa bình ở Châu Á rộng lớn gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Cả Nhật Bản và Ấn Độ gần đây đều có những cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc vì tranh chấp lãnh thổ. Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp quyết liệt với nhau quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc liên tục chạm trán nảy lửa với nhau ở khu vực biên giới Arunachal Pradesh và Cao nguyên Doklam.
Tất nhiên, mối quan hệ ngày một gắn bó giữa hai cường quốc mạnh cả về kinh tế và quân sự như Nhật Bản và Ấn Độ đã gây ra sự quan ngại sâu sắc với Trung Quốc. Bắc Kinh không ít lần lên tiếng tỏ thái độ khó chịu và bất bình với những động thái hay kế hoạch chung của hai nước láng giềng Ấn Độ và Nhật Bản.