Trung Quốc là quốc gia có nền văn hóa lâu đời và phong phú bậc nhất thế giới. Từ cổ xưa đến nay, người Trung Quốc luôn đề cao đạo lý Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín. Đối với người Trung Quốc, việc giữ chữ tín là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là với những người làm Vua.
Ấy vậy mà gần đây, người ta buộc phải xem xét, nhìn nhận lại các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đang “giữ chữ tín” kiểu gì.
Người Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Trung Quốc và cũng rất trọng chữ Tín. Nhưng suốt bao năm qua, có lẽ người Việt Nam đã bị Trung Quốc lừa dối bởi những lời đường mật, bởi sự nhân nghĩa giả dối và luôn luôn nói một đằng, làm một nẻo. Điểm lại lịch sử thì sẽ thấy rất rõ điều này.
Năm 1972, khi cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đang vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc đã bắt tay với Mỹ.
Hậu quả là từ tháng 4/1972, Mỹ đã mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra toàn miền Bắc. Đỉnh điểm là cuộc tàn phá Hà Nội, Hải Phòng bằng B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Tiếp theo đó, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam vào đầu năm 1974.
Rồi Trung Quốc giật dây cho quân Pol Pốt tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam, gây ra họa diệt chủng ở Campuchia.
Sau đó, Trung Quốc nổ súng tấn công biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979.
Trung Quốc nổ súng tấn công bộ đội Việt Nam trên vùng quần đảo Trường Sa và chiếm bãi Gạc Ma, bãi Chữ Thập và một số bãi đá ngầm khác năm 1988.
Sự căng thẳng giữa hai quốc gia đã có phần dịu bớt đi sau Hội nghị Thành Đô và tiến tới là bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Với phương châm hành động 4 tốt: ” Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” thì suốt một thời gian dài, từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước cho đến lúc Trung Quốc kéo giàn khoan 981, hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam,thì mới thấy rằng Việt Nam đã quá chú trọng đến gìn giữ hòa khí mà không lường hết được mưu đồ của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Sau sự kiện giàn khoan 981, đầu năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc. Người ta đã trông mong, hy vọng sẽ lại có một sự “mềm dẻo” nào đó được thực hiện trong cách ứng xử của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Trung Quốc đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cực kỳ trọng thị, nhưng rồi đằng sau sự “ màu mè nghi lễ” đó là cái gì? Điểm lại tất cả những lời trong tuyên bố chung, cũng toàn là những từ ngữ mơ hồ, nặng về hô hào và không có ràng buộc gì cả.
Lại “đau” một nỗi nữa là khi ông Nguyễn Phú Trọng đang ở Trung Quốc, còn chưa về đến Việt Nam thì Trung Quốc đã giở mặt, nói vỗ ngay rằng việc Trung Quốc tôn tạo, xây dựng các công trình các bãi đá ngầm ở Trường Sa là bình thường, Trung Quốc có quyền làm và các quốc gia khác đừng xía vào.
Liên tiếp các tháng sau đó, Trung Quốc đã đổ hơn 1,3 tỷ đô la để có được gần 800ha ở các bãi đá ngầm. Nơi đây chắc chắn sẽ trở thành một khu vực quân sự, một tàu sân bay không thể đánh chìm.
Vậy là đã rõ. Trung Quốc đã tự mình vứt đi bộ mặt ” Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín”. Chữ Tín đối với Trung Quốc bây giờ chẳng còn ý nghĩa và giá trị gì nữa. Trung Quốc đã đặt lợi ích và tham vọng của mình, mà thực chất là chủ nghĩa bá quyền lên trên tất cả luật pháp quốc tế và đạo lý.
Hơn lúc nào hết, người Việt phải đọc lại lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1946″… Chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa…”
Với Biển Đông bây giờ cũng vậy.
Việt Nam càng nhân nhượng, càng nín nhịn, càng muốn giữ hòa khí thì đó lại càng là điều kiện tốt hơn hết để Trung Quốc lấn tới.
BDN