Nhập khẩu trái cây ngoại là bình thường, nhưng nhập khẩu cả sản phẩm thế mạnh của thị trường trong nước như Xoài, Vú sữa, Chôm chôm… là bất thường.
Chuyện người giàu Việt Nam mạnh tay chi cả triệu đồng cho một kilogram trái cây ngoại, mỗi lần mua có thể lên đến cả trăm triệu đồng đã không còn là chuyện lạ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều loại trái cây giá tiền triệu thậm chí vài triệu đồng một kilogram nhưng chỉ lên kệ vài ngày đã hết bay.
Điều này cho thấy nhu cầu của một bộ phận người dân Việt Nam với trái cây ngoại đang ngày càng tăng.
Minh chứng rõ nhất là 8 tháng đầu năm 2017, người Việt nhập khẩu trái cây nước ngoài lên đến 809 triệu USD (tương đương 18.365 tỷ đồng).
Ước tính mỗi ngày người Việt chi khoảng 114 tỷ đồng mua trái cây ngoại, thông tin này khiến không ít người giật mình bởi trái cây trong nước đa dạng và đang xuất khẩu đi các nước thì tại sao vẫn phải nhập nhiều đến vậy?
Đem con số trên so sánh với kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng chỉ thu được con số gấp đôi so với số tiền bỏ ra mua trái cây ngoại.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm thu được 1,7 tỷ USD.
Như vậy, tính bình quân người Việt cứ xuất khẩu hai đồng gạo lại bỏ một đồng mua trái cây ngoại.
Điều đáng nói là trong khi chúng ta đang dùng một lượng ngoại tệ lớn nhập khẩu trái cây thì đâu đó người nông dân vẫn đang rất khó khăn, loay hoay tìm đầu ra.
Xung quanh nghịch lý này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Kinh tế phát triển, cuộc sống của người Việt ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Bởi vậy, nhu cầu tiêu dùng trái cây nhập khẩu, trái cây an toàn và giá trị dinh dưỡng cao có giá lên đến tiền triệu một kilogram là điều dễ hiểu.
Việc nhập trái cây ngoại giá cao mà thị trường trong nước không có như cherry, táo envy… là bình thường và chấp nhận được, nhưng nhập khẩu những trái cây là thế mạnh của thị trường trong nước như Xoài, Vú sữa, Thanh long, chôm chôm, vải… là bất thường.
Lâu nay điệp khúc được mùa rớt giá hay trái cây ùn ứ ở cửa khẩu khiến cả xã hội lại phải bắt tay vào giải cứu là sự thật mà nhiều chuyên gia phải thừa nhận chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này”.
Cherry nhập khẩu từ New Zealand có giá lên đến 800 ngàn đồng/kg.
Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra: “Cái khó nhất hiện nay đối với Việt Nam là quy mô tổ chức sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán. Cũng có một số vùng sản xuất hàng hóa lớn, khá tập trung nhưng năng lực doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chính vì thế nên khó đảm bảo chất lượng, ổn định thị trường nông sản.
Đặc biệt, vấn đề yếu nhất hiện nay của nông sản Việt Nam là công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.
Một số loại trái cây như vải, dưa hấu, xoài nếu không có một quy trình bảo quản, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thì rất khó thâm nhập vào được thị trường khó tính như Mỹ, Hàn và các nước châu Âu”.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, cần phải truy xuất nguồn gốc để người Việt yên tâm với trái cây nội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu trái cây ngoại tăng có thể do đợt này nhiều loại trái cây nước ngoài đang mùa thu hoạch.
Hơn nữa, thương mại hai chiều giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước cũng tăng lên. Như Thái Lan hiện đứng đứng đầu trong số các nước trao đổi rau quả với Việt Nam vượt qua cả Trung Quốc.
Còn xét ở khía cạnh tiêu dùng, đời sống kinh tế của người dân ngày càng càng thiện thì nhu cầu sẽ cao hơn, nhất là với những loại trái cây mà Việt Nam không trồng được”.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhiều loại trái cây ngoại dù Việt Nam cũng trồng như Xoài, Vú Sữa, Chôm chôm… nhưng vẫn được nhập khẩu và nguy cơ trái cây Việt thua ngay trên sân nhà là điều có thể xảy ra.
Ông Hồng cho rằng: “Đây là điều bình thường bởi Việt Nam ngày càng mở rộng giao thương, trái cây nhiều nước vào nước ta và ngược lại.
Hơn nữa, không phải số liệu nhập khẩu trái cây công bố là tiêu thụ hoàn toàn tại thị trường trong nước, vì có nhiều doanh nghiệp họ nhập trái cây về đóng bao bì rồi lại xuất sang nước thứ ba”.
Không ít người khi được hỏi về lý do mua trái cây ngoại, nhiều người chia sẻ thẳng thắn họ mua vì tin sản phẩm nước ngoài đảm bảo an toàn, còn chất lượng chỉ là thứ yếu.
Trong khi đó, khi mua trái cây nội địa thì nhiều người vẫn e ngại còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Về việc này, nguyên Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Hiện trái cây của Việt Nam đã cải thiện chất lượng hơn nhiều, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đã đạt trên 3 tỷ USD.
Trong đó có sự đón nhận từ các thị trường rất khó tính, hàng rào kỹ thuật khắt khe như Xoài (xuất sang Nhật Bản), Thanh long, Bưởi (xuất sang châu Âu, Úc), vải, nhãn (xuất sang Mỹ)…
Điều này cho thấy, trái cây Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định chất lượng và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh” lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật bảo quản trái cây” gây ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của một số sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Ông Hồng nhấn mạnh: “Vấn đề hiện nay của trái cây Việt Nam là làm sao để truy xuất nguồn gốc. Thực tế, nếu không truy xuất nguồn gốc trái cây được thì trái cây có đảm bảo chất lượng, an toàn người tiêu dùng vẫn không biết đâu mà lần.
Có truy xuất nguồn gốc mới có chứng nhận trái cây an toàn như đã áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Còn không truy xuất được thì người tiêu dùng vẫn nghi ngờ trái cây bị lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật thì sao dám mua”.