Trước vô vàn các trừng phạt và cấm vận, hiếm khi các quốc gia thấy Triều Tiên nao núng bởi năng lực kinh tế tiềm tàng của nước này thực sự khiến nhiều người bất ngờ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: KCNA
Ngày 11/9, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết cấm vận mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhắm vào Triều Tiên, nhằm ngăn chặn tham vọng phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Điều đó đang đặt Bình Nhưỡng trước những thách thức khổng lồ.
Lệnh trừng phạt mới áp đặt những gì?
Dự luật ban đầu do Mỹ soạn thảo, bên cạnh những nội dung cơ bản khác, Washington còn muốn ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ sang Triều tiên, phong tỏa tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tuy nhiên, dự luật này ngay từ ban đầu đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga, vì lo ngại có thể khiến nền kinh tế Triều Tiên kiệt quệ.
Theo tiết lộ của một nguồn tin thân cận ở LHQ, đến tối ngày 10/9, Trung Quốc vẫn phản đối dự thảo trừng phạt mà Mỹ đưa ra.
Trước thái độ cứng rắn của Trung Quốc và Nga, trong đó, sự hợp tác của Trung Quốc là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy đòn trừng phạt đối với Triều Tiên, buộc Mỹ phải có những nhượng bộ.
Theo đó, lệnh trừng phạt thứ 9 của LHQ nhắm vào Triều Tiên với 15 phiếu thuận, 0 phiếu chống, vẫn cho phép Triều Tiên nhập khẩu dầu nhưng đặt hạn ngạch, với mức 4 triệu thùng dầu thô một năm và các sản phẩm lọc dầu với hạn mức 2 triệu thùng một năm.
Các chuyên gia ước tính, đòn trừng phạt mới này sẽ làm giảm 30% lượng dầu tiêu thụ ở Triều Tiên trong thời gian tới. Ngoài ra, lệnh trừng phạt mới cũng từ bỏ ý định của Mỹ nhằm phong tỏa tài sản của ông Kim Jong-un.
Với ngành công nghiệp dệt may xuất khẩu đã đem về cho Triều Tiên 752 triệu USD vào năm ngoái, đứng thứ hai trong các ngành công nghiệp, dịch vụ thu về ngoại tệ của Triều Tiên cũng bị LHQ áp đặt lệnh trừng phạt mạnh tay.
Tuy nhiên, trong lệnh trừng phạt mới không nhắc đến việc dùng vũ lực để chặn các tàu Triều Tiên bị nghi vấn vận chuyển hàng cấm, như các thiết bị được dùng cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng không yêu cầu tất cả các quốc gia trục xuất toàn bộ người lao động Triều Tiên mà chỉ khuyến cáo các nước không gia hạn hợp đồng với số lao động này.
Các chuyên gia nhận định, lệnh trừng phạt mới kết hợp với lệnh trừng phạt trước, ước tính 90% sản lượng xuất khẩu của Triều Tiên trong các lĩnh vực nông sản, than đá, quặng sắt, dệt may sẽ bị phong tỏa, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Triều Tiên.
Đây được cho là đòn đánh vào tử huyệt đối với tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên liệu có thể đứng vững?
Thực tế đã chứng minh, cho đến nay Triều Tiên chưa lần nào khuất phục trước các biện pháp trừng phạt mà LHQ áp đặt. Càng khó khăn, Triều Tiên càng thể hiện mạnh mẽ tinh thần Juche (tinh thần tự lực) của mình.
Trước lệnh trừng phạt mới của LHQ, người ta lại đặt câu hỏi: Trong bối cảnh bị cô lập, cấm vận khắc nghiệt, Triều Tiên lấy gì để tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân đầy tốn kém của họ?
Triều Tiên không khốn khổ như người ta lầm tưởng. Khi nhắc đến Triều Tiên, phần đông đều nghĩ rằng, đó là một đất nước nghèo đói và khốn khổ.
Tuy nhiên, đây chỉ là những thông tin phiến diện có chủ đích khiến thế giới lầm tưởng về đất nước Triều Tiên, trong khi đó, bản thân Triều Tiên lại ít đưa những hình ảnh của mình ra bên ngoài.
Những tiêu chí của nền kinh tế cũng như mức sống của người dân Triều Tiên còn một khoảng cách xa so với Hàn Quốc (GDP bình quân đầu người dân Triều Tiên chỉ là 1.800 USD, trong khi Hàn Quốc là 32.400 USD). Nhưng những ai đã từng đặt chân đến Triều Tiên sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi cơ sở hạ tầng của họ.
Tại thủ đô Bình Nhưỡng, những tòa nhà cao tầng hoành tráng với kiểu dáng hiện đại nối tiếp nhau, đường phố rộng rãi, khang trang với rất nhiều phương tiện giao thông hiện đại, hệ thống tàu điện ngầm sang trọng đã có từ mấy chục năm nay.
Ở khu vực nông thôn, tốc độ xây dựng cũng gia tăng nhanh chóng, kết cấu hạ tầng đảm bảo đầy đủ cho sinh hoạt của người dân.
Những năm gần đây, khi cộng đồng quốc tế lo người dân Triều Tiên thiếu lương thực, thì các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu cuộc sống được bày bán rộng khắp và đa dạng về chủng loại, từ thức ăn, đồ uống, quần áo, đồ điện tử đến nội thất…
Rất nhiều mặt hàng trong số này được nhập khẩu từ bên ngoài, trong đó có cả từ những nước thực hiện cấm vận rất nghiêm ngặt với Triều Tiên.
Bởi vậy, giáo sư Patrick Maurus thuộc Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh phương Đông (Paris) trong chuyến thăm dài ngày đến Triều Tiên tháng 2/2014 đã thốt lên “Bình Nhưỡng không thiếu thứ gì cả!”.
Giải pháp vượt qua thách thức
Triều Tiên sẽ bù đắp năng lượng thiếu hụt bởi lệnh cấm vận từ hoạt động khai thác mỏ. Hiện nay, dù vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ viện trợ, chủ yếu từ Trung Quốc, chảy từ đường ống dẫn qua sông Áp Lục, nhưng không vì thế mà Bình Nhưỡng phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ bên ngoài.
Theo ông Dmitry Verkhoturov – nhà phân tích chính trị Nga, thì lượng dự trữ dầu của nước này ở vào khoảng 60-90 tỷ thùng. Đây là một con số khổng lồ.
Thực tế từ năm 1998, công ty SOCO International PLC của Anh đã khoan một giếng dầu sâu 4.300 mét tại một trong những mỏ dầu tiềm năng của Triều Tiên. Ngoài ra, các công ty khác của Anh, Mông Cổ cũng đã thăm dò và phát hiện ra trữ lượng dầu rất lớn ở các khu vực khác của Triều Tiên.
Điều đáng chú ý là, Triều Tiên chỉ để các công ty nước ngoài hỗ trợ thăm dò dầu khí, còn khi xác định được khả năng có giếng dầu thì Bình Nhưỡng sẽ tự khai thác.
Hiện Triều Tiên nắm trong tay các thiết bị khoan tiêu chuẩn của Liên Xô cũ hoặc tự chế tạo mới dựa trên công nghệ có sẵn để khai thác dầu, với sản lượng đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước.
“Một giếng dầu với sản lượng 75 thùng/ngày có thể mang lại hơn 27.000 thùng mỗi năm. 10 giếng tạo ra 270.000 thùng mỗi năm. Đây là mức tối thiểu. Và Triều Tiên có thể tự khai thác được nhiều hơn”, ông Verkhoturov nhấn mạnh.
Theo đó, lệnh trừng phạt mới của LHQ, với việc áp đặt hạn ngạch nhập khẩu dầu mỏ đối với Bình Nhưỡng cũng khó làm cho nước này từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân như Mỹ mong đợi.
Các giải pháp khác
Bình Nhưỡng đang tăng cường khai thác thị trường xây dựng hạ tầng cơ sở và buôn bán vũ khí ở châu Phi để thu ngoại tệ. Hiện Triều Tiên đang triển khai xây dựng một khu công nghiệp hoành tráng ở châu Phi.
Trong nhiều năm qua, Bình Nhưỡng đã coi các quốc gia châu Phi là nguồn cung cấp tiền quan trọng bằng cách đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng và bán vũ khí quân sự. Chính nguồn thu này cũng đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển chương trình hạt nhân.
Kể từ năm 1960, Triều Tiên hỗ trợ các nước châu Phi trong cuộc đối đầu với châu Âu. Quan hệ chính trị khăng khít này đã nhanh chóng chuyển thành mối quan hệ kinh tế bền chặt.
“Quan hệ của Bình Nhưỡng với châu Phi cho thấy rằng, nước này vẫn còn nhiều quốc gia bè bạn và được hưởng lợi từ sự hỗ trợ chính trị trong quá khứ. Đây cũng là nguồn tiền quan trọng cho Triều Tiên và là địa điểm quan trọng đặt các công ty, nhà máy của Triều Tiên”, ông Andrea Berge, chuyên gia về Triều Tiên ở Học viện Middlebury nói.
Lệnh trừng phạt mới áp đặt đối với Bình Nhưỡng sẽ gia tăng sức ép với các quốc gia châu Phi trong giải quyết mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự với Triều Tiên. Nhưng để thực sự kiềm chế, ngăn chặn được các nước này quan hệ với Bình Nhưỡng là điều không hề đơn giản.
Đây cũng là bài toán mà chính quyền tổng thống Trump không dễ gì giải được.
Ngoài ra, Triều Tiên có thể tiếp tục tăng cường hợp tác xuất khẩu lao động sang các nước. Theo ông Robert Manning, học giả cao cấp thuộc Học viện Đại Tây Dương, thì lao động Triều Tiên ở nước ngoài giúp thu về lượng ngoại tệ đáng kể.
Hiện có khoảng ít nhất 93.000 người Triều Tiên đang làm việc tại hàng chục quốc gia, trong đó khoảng 80% làm việc tại Nga và Trung Quốc trong các khu công nghiệp dệt may, công trường xây dựng hoặc đốn củi ở Siberia.
Trong nghị quyết của LHQ ngày 11/9, không có điều khoản trục xuất lao động Triều Tiên ở nước ngoài, mà chỉ có khuyên các quốc gia không nên gia hạn hợp đồng mới với các lao động Triều Tiên. Điều đó cho thấy rất khó để các quốc gia, nhất là Trung Quốc và Nga thực hiện triệt để tinh thần của lệnh trừng phạt.
Khu công nghiệp chung Kaesong giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cùng hàng trăm công ty của Triều Tiên đang hoạt động ở khu vực đông bắc Trung Quốc, cũng như các hoạt động buôn bán “ngầm” khác cũng mang về cho Triều Tiên những khoản ngoại tệ không nhỏ.
Từ những phân tích trên, có thể nhận định, với lệnh trừng phạt mới tuy mạnh mẽ nhưng không toàn diện, cùng với những hoạt động kinh tế rất khó nắm bắt của Triều Tiên, nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục vượt qua thách thức để thực hiện tham vọng hạt nhân của họ.