Friday, October 18, 2024
Trang chủĐàm luậnVấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên(Phần 2)

Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên(Phần 2)

Theo hãng tin Reuters, Triều Tiên đã đạt những tiến triển đáng kể về công nghệ vũ khí, trong đó có việc lần đầu tiên thử thành công loại tên lửa phóng từ tàu ngầm, song hiện chưa rõ liệu nước này đã phát triển được đầu đạn hạt nhân hay chưa.

Triều Tiên đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn lên

II. Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên

1. Tiềm lực tên lửa

Tuy Triều Tiên chưa có hạm đội tàu ngầm đủ sức phóng được loại tên lửa mới phát triển này, song cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, nhất là sau khi họ tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và tiếp tục thực hiện hàng loạt vụ thử tên lửa bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn của LHQ.

Theo một số chuyên gia, sau khi phân tích các bức ảnh chụp từ vệ tinh của Planet, họ cho rằng ba nhà máy lớn chuyên phục vụ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện đã được hiện đại hóa và mở rộng. Điều này càng thể hiện quyết tâm của Triều Tiên trong việc hiện thực hóa tuyên bố dùng mọi nguồn lực, dù là khan hiếm, để đầu tư phát triển vũ khí. Chuyên gia Jeffrey Lewis cho rằng: “Triều Tiên đã tăng tốc đáng kể tiến độ các vụ thử tên lửa và đầu tư mạnh tay vào việc hiện đại hóa các nhà máy sản xuất tên lửa, điều chúng ta có thể thấy qua hình ảnh vệ tinh. Sự đầu tư này đã mang lại kết quả với vụ thử tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn gần đây, song Triều Tiên vẫn chưa hoàn tất việc phát triển một tàu ngầm có thể mang tên lửa này”.

Triều Tiên bắt đầu chương trình phát triển tên lửa vào những năm 1970 và thử nghiệm tên lửa đạn đạo Scud-B vào tháng 4/1984. Hiện Bình Nhưỡng được cho là sở hữu hơn 1.000 tên lửa các loại.

Trong kho tầm ngắn, Bình Nhưỡng đã sản xuất tên lửa Scud-C có tầm bắn 500km, Scud-D tầm bắn 700km và tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn KN-02, phiên bản nâng cấp của SS-21 “Scarab” của Nga với tầm bắn nhỉnh hơn khoảng 120km.

Trong kho tầm trung, Triều Tiên có tên lửa tầm bắn 1.300km được biết đến với tên gọi Nodong (Rodong), mà trong lần thử nghiệm ban đầu năm 1993 bay được 500km. Triều Teien đã triển khai khoảng 175-200 tên lửa Nodong.

Bình Nhưỡng cũng thử nghiệm tên lửa Taepodong-1 (Paektusan-1), có tầm bắn từ 1.800km và sở hữu tên lửa tầm xa Musudan với tầm bắn từ 2.500 – 4.000km, có khả năng vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam. Triều Tiên còn được cho là đang phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa hơn gọi là KN-08, có khả năng vướn tới lục địa Mỹ.

Đến nay, Triều Tiên đã thử nghiệm một biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nguyên liệu rắn, một tên lửa đạn đạo tầm trung mới, tên lửa tầm ngắn Scud được nâng cấp để có độ chính xác cao hơn và gần đây nhất là tên lửa hành trình chống hạm.

Trong thời gian qua, Bình Nhưỡng từng nhiều lần tuyên bố về các đột phá trong công nghệ vũ khí. Mặc dù một số tuyên bố bị xe là chỉ mang tính khoe khoang, song các chuyên gia quốc tế đều nhận định các tên lửa của Triều Tiên đã có sự cải thiện rõ rệt về tầm cao, tầm xa và tốc độ so với trước đây, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy những bước tiến đáng kể trong chương trình tên lửa bị cấm của quốc gia này. Thực tế, sau hàng loạt thất bại liên tiếp, Triều Tiên đã phóng thử thành công tên lửa tầm trung với hành trình có thể lên tới 3.500km.

John Schilling, chuyên gia về công nghệ tên lửa, cho rằng: “Thành công của vụ thử SLBM mới của Triều Tiên cho thấy nước này tiến triển nhanh hơn dự đoán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ sẵn sàng trong tuần tới, tháng sau, hay thậm chí năm sau. Phải ít nhất là tới nửa cuối năm 2018, Triều Tiên mới có thể làm được điều đó”.

Việc hoàn thiện công nghệ chế tạo SLBM và có đượchạm đội tàu ngầm đủ sức triển khai loại vũ khí này sẽ giúp Triều Tiên gia răng mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ và Nhật tại khu vực Thái Bình Dương, bởi tàu ngầm thường là loại vũ khí dễ tránh được các cuộc tấn công từ đất liền và có khả nưng “vượt qua” nhiều loại lá chắn tên lửa tân tiến. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ thử SLBM gần đây là một thành công vĩ đại và Triều Tiên đã trở thành “một cường quốc hạt nhân hàng đầu”.

2. Tiềm lực hạt nhân

Sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân lần thứ 5 thành công, một câu hỏi được đặt ra là khả năng hạt nhân của Triều Tiên thực sự ra sao? Theo hãng tin BBC,để có vũ khí hạt nhân trong tay, cần giải quyết hai vấn đề: một là sản xuất được đầu đạn đủ nhỏ để lắp vào tên lửa và giữ nguyên ở đó tới khi chạm mục tiêu; hai là tên lửa phải nhỏ và hoạt động đủ để tránh bị phát hiện.

Giáo sư Siegfried S Hecker từ Đại học Stanford ở California, nguyên Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ và từng thăm các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nhiều lần, cho biết: “Với hai vụ thử hạt nhân thành công trong năm 2016, chúng ta có thể nghĩ rằng Triều Tiên đã thiết kế và thử các đầu đạn hạt nhân có thể lắp trên các tên lửa tầm ngắn và có thể cả tầm trung. Tuy nhiên, khả năng chế tạo được ICBM mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn tới Mỹ thì còn rất xa, có lẽ khoảng 5-10 năm nữa dù hoàn toàn có thể nếu chương trình hạt nhân của Triều Tiên không bị ngăn chặn”.

Theo Giáo sư Hecker, mối đe dọa từ Triều Teien là hiện hữu. Vấn đề lớn nhất là các thành công mới có thể khiến Bình Nhưỡng tự tin một cách thái quá và làm thay đổi bối cảnh an ninh khu vực.

Lần cuối Giáo sư Hecker thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên là vào tháng 11/2010. Dựa trên các trang thiết bị, kho urani và plutoni ông thấy lúc đó thì Triều Tiên có đủ vật liệu để chế tạo khoảng 20 quả bom nguyên tử trước cuối năm 2016 và mỗi năm sau đó có thể sản xuất thêm khoảng 7 quả.

Các phân tích khoa học cho rằng Triều Tiên có thể đã có khả năng tấn công bằng vũ khí hạt nhân trong khu vực, nhưng chưa thể vươn xa tới Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đang trên đà đạt được kết quả đó và khả năng là vào năm 2020.

Tháng 4/2017, một quan chức Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân tới mức cần thiết để gắn vào tên lửa, song hiện vẫn chưa có bằng chứng chứng minh nhận định này. Mỹ cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố hoàn tất quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là một mối đe dọa đáng lưu ý. Nhà nghiên cứu kỳ cựu Yang Uk tại Diễn đàn quốc phòng và an ninh Hàn Quốc, đồng thời là cố vấn chính sách của lực lượng Hải quân Hàn Quốc, nhận định: “Tôi cho rằng, Triều Tiên đủ khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, song họ chưa chế tạo thành công đầu đạn đủ tiêu chuẩn để lắp vào tên lửa. Họ vẫn đang tiếp tục thu thập dữ liệu và rút kinh nghiệm từ các vụ thử để chế tạo một đầu đạn đủ tiêu chuẩn”.

Giới chuyên gia dự đoán một thiết bị mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng sẽ là tên lửa tầm trung Rodong, có thể bắn đầu đạn 1 tấn đi xa khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, bất chấp những mối đe dọa trong việc có thể tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ, nhiều người cho rằng còn lâu Triều Tiên mới có thể chế tạo được một ICBM đủ sức mang theo đầu đạn hạt nhân.

Bài bình luận trên tờ Rodong Sinmunlập luận rằng “chính sách thù địch của Washington sẽ chấm dứt… khi Triều Tiên thử ICBM có khả năng tấn công chính xác vào bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ”. Tờ Rodong Sinmun đã đúng khi cho rằng: “Vụ thử ICBM của Triều Tiên sẽ hoàn tất việc phát triển một vũ khí hạt nhân với vai trò chiến lược được định rõ. Đây là bước đi cuối cùng trong việc xây dựng một kho vũ khí có khả năng răn đe và đẩy lùi sự xâm lược của Mỹ. Nếu biện pháp răn đe thất bại và một cuộc xâm lược chuẩn bị diễn ra, Triều Tiên sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân để chống lại các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản”.

Để vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ sẽ cần tới, ở một mức độ nào đó, công nghệ tên lửa tiên tiến và khả năng thu nhỏ thiết bị hạt nhân để giảm trọng tải. Nếu Triều Tiên có thể thu nhỏ các vũ khí hạt nhân ở mức đó, các vũ khí này có thể vươn tới Bờ Tây của nước Mỹ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Triều Tiên gần như chắc chắn có thể phát triển và triển khai ít nhất là một danhg tên lửa được trang bị vũ khí hạt nhân nào đó có khả năng vươn tới Mỹ trong nửa thập kỷ tới và đủ chính xác để tấn công các thành phố của Mỹ. Bình Nhưỡng gần như chắc chắn có thể phát triển và triển khai các hệ thống được trang bị hạt nhân có khả năng tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản trong 2 đến 3 năm tới. Điều đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân thực sự.

Hãng tin Reutersdẫn lời ông Andray Abrahamian, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Choson Exchange, cho biết người dân Triều Tiên ủng hộ quan điểm cho rằng vũ khí hạt nhân là “vật bảo hộ” cần thiết để chống lại siêu cường Mỹ. Trong khi thừa nhận sự tồn tại của các vấn đề kinh tế trong năm 2015 và bất chấp các cuộc thanh trừng chính trị nội bộ, ông Andray Abrahamian nhấn mạnh rằng chế độ Triều Tiên hiện đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân do thời gian gần đây Kim Jong-un đã quan tâm tới chất lượng cuộc sống của họ.

3. Những mốc chính trong chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên

3.1 Các vụ thử hạt nhân:

Triều Tiên đã cố tình phát triển vũ khí hạt nhân trong nhiều năm qua. Ngay từ những năm 1960, nước này đã bắt đầu xây dựng lò phản ứng hạt nhân, học hỏi và nghiên cứu công nghệ hạt nhân. Sau khi trải qua nhiều trắc trở và thực hiện lặp đi lặp lại, cho tới đầu thế kỷ này, dưới sự giúp đỡ của Pakistan, Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân theo ý nghĩa thật sự.

– 2/2005: Triều Tiên lần đầu tiên công khai thừa nhận sản xuất vũ khí hạt nhân để phòng vệ.

– 10/2006: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên với sức công phá chưa tới 1 kiloton tại Punggye-ri, Gilju-gun thuộc tỉnh Bắc Hamgyeong. Ngay sau vụ thử, Hội đồng Bảo an LHQ đã ra Nghị quyết 1718 áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên.

– 25/5/2009: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai, với sức công phá từ 2-8 kiloton, dẫn đến Nghị quyết 1874 của HĐBA LHQ.

– 11/2009: Bình Nhưỡng hoàn tất quá trình tái xử lý 8.000 thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, thu đủ số lượng plutoni cấp độ vũ khí cho 1-2 quả bom hạt nhân.

– 3/2010: Triều Tiên thông báo xây dựng lò phản ứng nước nhẹ tại Yongbyon và được cho là đã hoàn tất việc xây dựng cơ sở làm giàu urani tại Yongbyon với 2.000 máy li tâm P-2.

– 29/2/2012: Bình Nhưỡng đồng ý đình chỉ các vụ thử hạt nhân, làm giàu urani, thử tên lửa tầm xa để đổi lấy viện trợ lương thực từ Mỹ. Tuy nhiên, bất đồng với Mỹ về việc phóng tên lửa tháng 4/2012 khiến Triều Tiên tuyên bố hủy thỏa thuận và tiến hành thử hạt nhân vào tháng 2/2013.

– 12/2013: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 tại cơ sở Punggye-ri với tuyên bố thử thành công “bom nguyên tử thu nhỏ, nhẹ hơn”.

– 3/2014: Hãng thông tấn KCNA thông báo ý định của Triều Tiên tiến hành một dạng thử hạt nhân mới.

– 9/2015: Truyền thống nhà nước thông báo tất cả các cơ sở hạt nhân vận hành bình thường với nhiệm vụ cải thiện “số lượng và chất lượng” kho hạt nhân của nhà nước này.

– 6/1/2016: Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ở cơ sở Punggye-ri, song giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng thực sự của Triều Tiên. Vụ thử bom nhiệt hạch đã dẫn tới Nghị quyết 2270 của HĐBA LHQ.

– 9/9/2016: Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 với sức công phá ước tính từ 10-20 kiloton, đồng thời tuyên bố chế tạo được đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ đủ để gắn vào tên lửa.

3.2. Các vụ thử tên lửa:

– 7/2006: Triều Tiên bắn thử 7 quả tên lửa, trong đó có tên lửa tầm xa Taepodong-2, nhưng rơi ngay sau khi rời bệ phóng mặc dù được cho là có khả năng bắn tới Mỹ.

– 4/2009: Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mà nước này tuyên bố mang theo vệ tinh liên lạc.

– 4/2012: Triều Tiên sử dụng thiết bị phóng Unha-3 để đưa vệ tinh Kwangmyong-3 vào quỹ đạo, song thất bại (rơi ngay sau khi phóng 80 giây).

– 12/2012: Triều Tiên phóng thử lại thành công Unha-3, đưa một vệ tinh Kwangmyong-3 vào quỹ đạo. Vụ thử này thể hiện bước tiến quan trọng về công nghệ tên lửa của Triều Tiên.

– 7/2/2016: Triều Tiên sử dụng trạm Sohae phóng thành công vệ tinh Kwangmyong-4 vào quỹ đạo thấp của Trái đát, sử dụng tên lửa Unha-3. Vụ phóng này vấp phải sự lên án rộng rãi của cộng đồng quốc tế vì lo ngại về khẳ năng tên lửa đạn đạo của nước này.

– 24/3/2016: Triều Tiên thử động cơ tên lửa nhiên liệu rắn. Chỉ một tháng sau (23/4), Triều Tiên thử tên lửa nhiên liệu rắn SLBM, song chỉ bay được 30km. Nhưng vài tháng sau, vào ngày 24/8, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm SLBM lần thứ hai khi phóng tên lửa bay 500km về hướng về khu nhận dạng phòng không của Nhật Bản.

– Từ tháng 4-6/2016: Triều Tiên bắn thử 6 lần tên lửa Musudan (5 lần thất bại nhưng lần thứ sáu đạt 400km).

– 2/8/2016: Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa Nodong có tầm bắn 1.000km, song chỉ bay được 250km và rơi vào đặc khu kinh tế ở phía Tây Nhật Bản.

– 5/9/2016: Triều Tiên tiến hành phóng cùng lúc 3 tên lửa chưa rừng được biết đến là Scud-ER, bay được 200km về phía Tây Nhật Bản.

– Từ tháng 1-7/2017: Triều Tiên phóng thử 10 lần liên tiếp tên lửa các loại.

– 4/7/2017: Triều Tiên tuyên bố thử ảnh thành công ICBM đầu tiên là Hwasong-14 khi nó bay cao tới khoảng 2.800 km trước khi tấn công trúng một mục tiêu trên biển Nhật Bản cách đó 933 km. Bình Nhưỡng cho biết tên lửa được phóng ở góc cao nhất có thể nhằm tránh tác động đến các nước láng giềng.

David Wright, Giám đốc Chương trình an ninh toàn cầu thuộc Hiệp hội các nhà khoa học ở Mỹ, cho rằng tên lửa Hwasong-14 này có thể đạt tầm bắn tối đa 6.700 km khi bắn ở góc chuẩn. Tầm bắn này có thể giúp quả tên lửa vươn tới mục tiêu ở Alaska, nhưng chưa đủ để bắn tới các bang trên lục địa Mỹ.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới