Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNga không bao giờ từ bỏ Triều Tiên vì 10.000 tỷ USD?

Nga không bao giờ từ bỏ Triều Tiên vì 10.000 tỷ USD?

Bình Nhưỡng còn trữ nguồn khoáng sản vô cùng quý giá chưa tìm được cách khai thác nhưng Trung Quốc sớm cắt đường nhập khẩu.

Triều Tiên có trữ lượng khoáng sản giá trị lên tới 10.000 tỉ USD.

Theo trang tin kinh tế Quartz của Mỹ, Hàn Quốc đã từng đưa ra một công bố về trữ lượng khoáng sản của Triều Tiên với một con số chưa thực sự chính xác vào khoảng 6.000 – 10.000 tỷ USD.

Ước tính từ đầu thập niên này cho thấy, Triều Tiên có trữ lượng của hàng trăm mỏ đá, quặng sắt, kẽm, đồng, vàng, bạc, magie, graphite… cho giá trị cực lớn song chưa có vốn và các kỹ thuật cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng hay hỗ trợ khai thác.

Kho bạc Mỹ cho biết chỉ tính riêng giao dịch than cũng đã tạo ra hơn 1 tỷ USD doanh thu hằng năm cho Triều Tiên.

Theo Lloyd R. Vasey, nhà sáng lập kiêm cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) viết trong một báo cáo hồi tháng 4/2017, trữ lượng magnesit của Triều Tiên lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Trữ lượng mỏ vonfram của nước này ước tính lớn thứ 6 toàn cầu.

Ngoài ra, Triều Tiên còn sở hữu lượng lớn hơn 200 loại khoáng chất khác nhau và “tất cả đều có tiềm năng phát triển thành các mỏ quặng quy mô lớn” nếu có điều kiện phù hợp.

Đây là nguồn tài nguyên quý giá ẩn giấu có thể mang tới rất nhiều lợi thế cho Triều Tiên trong tương lai.

Nhưng từ khi Triều Tiên thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hạt nhân của mình, Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác đã liên tục đưa ra nhiều lệnh cấm vận giao thương các sản phẩm khoáng sản giá trị cao của Bình Nhưỡng.

LHQ đã cấm Triều Tiên kinh doanh kim loại, than đá, sắt và quặng sắt, đồng, niken, bạc và kẽm và hạn chế Bình Nhưỡng nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ.

Điều này đã khiến Bình Nhưỡng tìm mọi cách “lách luật”, kinh doanh ngầm để đối phó với các chế tài.

LHQ song hành với các nỗ lực trừng phạt Triều Tiên cũng ghi nhận các báo cáo cho thấy quốc gia này càng ngày càng sáng tạo để tìm cách thức kinh doanh ngầm.

Điều tra từ kênh truyền hình ABC Four Corners cho thấy, Triều Tiên có nhiều tài sản kinh doanh ở châu Á, Trung Đông và ngay cả châu Âu.

Văn phòng 39, một trong những phòng ban của đảng Lao động Triều Tiên, thực tế là một “quỹ đầu tư” mỗi năm tạo ra khoảng 1,6 tỷ USD cho chế độ ông Kim Jong-un.

Bị cấm vận, Triều Tiên vẫn sống tốt vì ai?

Khi Liên Xô chưa sụp đổ, Triều Tiên đã phát triển mạnh mẽ về kinh tế bằng cách đẩy mạnh khai thác và xuất khẩu nguồn lực to lớn trên.

Tuy nhiên, cho tới năm 1990, khi quyết định phát triển chương trình hạt nhân, Triều Tiên dần phải chịu sức ép từ Liên Hiệp Quốc về kinh doanh nhiều loại khoáng sản.

Nhiều quốc gia đã buộc phải từ bỏ hoạt động kinh doanh với Triều Tiên vì lo ngại trừng phạt. Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua còn gây sức ép với các nước láng giếng, vốn là các đối tác lớn của Bình Nhưỡng như Nga và Trung Quốc để gây sức ép.

Trung Quốc đã từ bỏ việc hỗ trợ Bình Nhưỡng trong việc nhập khẩu than, tài chính hay dầu mỏ… Song Nga thì không!

Không những thẳng thắn tuyên bố không dừng việc cấp dầu mỏ cho Triều Tiên, Nga cũng chưa khi nào thừa nhận việc họ là khách hàng lớn của Triều Tiên.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Triều Tiên đã sử dụng một chương trình gián điệp để bán than có thể che mắt các kiểm soát quốc tế.

Tờ báo Hồng Kông SCMP dẫn các báo cáo cho rằng, Bắc Triều Tiên có thể đã phát triển một phương thức trao đổi trực tiếp, thay vì sử dụng các khoản thanh toán bằng tiền tệ như: giao dịch không thanh toán bằng tiền tệ, không có hồ sơ trao đổi…

Trợ lý Bộ trưởng Kho bạc Mỹ về Tài chính Khủng bố Marshall Billingsley cho biết, về kế hoạch buôn lậu của các tàu chở than từ Triều Tiên tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo đó, các tàu Trung Quốc đã tắt các thiết bị định vị dẫn đường cho phép nhận dạng ra họ từ xa, để tới các mỏ than ở Triều Tiên. Các tàu này đến cảng Triều Tiên nạp than, rồi tới các cảng than ở Hàn Quốc neo đậu và bật định vị dẫn đường trở lại, từ đó hướng về phía Nga.

Bộ Tài chính Mỹ đã cung cấp các bức ảnh chụp vệ tinh chứng minh giả thiết này.

Bình Nhưỡng cũng được cho là làm giả giấy tờ đăng ký kinh doanh để hoạt động vận chuyển buôn bán.

Trong số 21 tàu của Công ty Quản lý Hàng hải  Đại dương (OMM) của Bình Nhưỡng, 18 tàu được khai báo là hoạt động trong vùng biển nội địa song vẫn được ghi nhận hoạt động buôn bán trong các vùng biển quốc tế.

Đảo quốc phía Nam Thái Bình Dương Fiji mới đây tuyên bố 20 tàu có gắn cờ của họ nhưng không có đăng ký ở quốc gia này, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên có thể sử dụng các tàu chở hàng giả mạo để thiết lập tuyến đường vận chuyển hàng hóa trong nước ra quốc tế.

Hiện khoảng 100.000 công dân Bắc Triều Tiên làm việc ở nước ngoài và tạo ra thu nhập ổn định khoảng 500 triệu USD cho quê hương của họ. Lao động Triều Tiên cũng được ghi nhận tập trung sang làm việc tại thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga.

Triều Tiên cũng được cho là đã sử dụng các công ty ảo, thành lập các tài khoản ngân hàng hoặc lợi dụng các nhà ngoại giao của nước này ở nước ngoài để tích lũy vốn, từ đó che giấu các chuyển khoản thanh toán quốc tế.

Bình Nhưỡng đã thành công bất ngờ trong việc bán vũ khí ra quốc tế, thậm chí cung cấp dịch vụ đào tạo quân sự cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi.

Một cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc cho biết những người mua bao gồm Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda và Tanzania. Benin, Botswana, Mali và Zimbabwe cũng được điều tra về mối quan hệ của họ với các công ty Bắc Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới