Dư luận Trung Quốc lo ngại động thái của tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy Triều Tiên có thêm hành động trả đũa quyết liệt.
Tổng thống Trump ngày 17/9 đăng tải dòng trạng thái trên Twitter, thông báo ông đã điện đàm để trao đổi vấn đề Triều Tiên với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Trong dòng tweet này, ông gọi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là “Người tên lửa” (Rocket Man).
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) bình luận, việc ông Trump gọi ông Kim bằng biệt danh “Người tên lửa” khi nói chuyện với ông Moon, sau đó lại đăng cụm từ này lên Twitter, có thể tác động tiêu cực đến lộ trình giải quyết một cách hòa bình vấn đề hạt nhân trên bán đảo.
Việc sử dụng biệt danh để châm biếm không gây ngạc nhiên tại Mỹ, khi ông Trump từng gán ghép nhiều cái tên khó nghe cho các đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống như Hillary Clinton, Ted Cruz hay Jeb Bush. Nhưng khi tổng thống Mỹ phát biểu về các lãnh đạo nước ngoài, ông cũng đại diện cho thái độ ngoại giao của chính phủ Mỹ.
“Mỗi từ ông ấy (Trump) nói ra liên quan đến các lãnh đạo nước ngoài đều có ảnh hưởng, nên ông cần nhận thức sự tôn trọng về ngoại giao cần có đối với lãnh đạo Triều Tiên,” Hoàn Cầu cho hay.
Tại Triều Tiên, hình ảnh lãnh đạo tối cao là điều không được phép xúc phạm. Ông Kim Jong Un được người dân nước này gọi bằng những danh xưng thể hiện sự tôn kính như “nguyên soái”, “đồng chí Kim Jong Un kính yêu”…
Tình hình sẽ không leo thang nếu Bình Nhưỡng không quá soi xét đối với dòng tweet của ông Trump, như một tính cách thường thấy ở ông trên mạng xã hội. Nhưng vẫn có khả năng ông Kim Jong Un và chính quyền Triều Tiên nhận thấy đó là sự xúc phạm có chủ đích.
Khi đó, Triều Tiên có thể phản ứng quyết liệt hơn với Washington, “thêm dầu vào lửa” trong tình hình bán đảo vốn đã căng thẳng sau vụ thử bom H ngày 3/9 và phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản hôm 15.
Dòng tweet của tổng thống Trump gọi lãnh đạo Triều Tiên là “Người tên lửa”
Trung Quốc lo bán đảo kết thúc bằng thảm họa
Hoàn Cầu cho rằng sự nhạy cảm của Triều Tiên là điều hợp lý, xét từ góc độ nước này là phe yếu thế hơn trong cuộc đối đầu với Mỹ. Nếu Nhà Trắng vẫn muốn giải quyết vấn đề thì điều kiện tiên quyết là tôn trọng các lãnh đạo Triều Tiên, “một điều không có gì khó khăn về chính trị”.
“Mỹ thường xuyên nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, vậy thì tối thiểu họ cần tôn trọng các lãnh đạo nước khác,” Hoàn Cầu viết.
Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc và Nga đã đưa ra các luận điểm khác nhau trong nỗ lực giải quyết vấn đề bán đảo. Bắc Kinh kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington, hai phe đối đầu trực tiếp với lập luận đối nghịch nhau, không cố gắng ép buộc các bên khác ngả theo mình, nếu không cục diện sẽ diễn biến theo chiều hướng khủng hoảng và kết thúc bằng thảm họa.
Phía Trung Quốc tin rằng Mỹ và Triều Tiên nên tránh tối đa việc đe dọa và mạt sát nhau theo kiểu “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại”, và để ngỏ không gian làm dịu căng thẳng.
Trong thế bị cô lập bởi hàng loạt lệnh cấm vận cùng đe dọa quân sự, Triều Tiên hiện không có lòng tin vào một giải pháp đa phương, cũng như hết sức nhạy cảm về việc họ có nhận được sự tôn trọng từ thế giới hay không.
Vì vậy, tờ Hoàn Cầu chỉ ra, xúc phạm lãnh đạo Triều Tiên không phải là cách tiếp cận đúng đắn nếu thế giới còn muốn giữ được mối liên hệ với Bình Nhưỡng.
“Cả ông Trump và ông Kim đề là những nhân vật có cá tính mạnh mẽ. Không dễ để họ bỏ qua mâu thuẫn cá nhân trong cuộc khủng hoảng hạt nhân,” Hoàn Cầu cho hay. “Sau cùng thì nguy cơ leo thang căng thẳng thường xuất phát chủ yếu từ cá nhân các lãnh đạo có liên quan.”