Thursday, January 16, 2025
Trang chủĐiểm tinThất bại tình báo của Mỹ là do Liên Xô chứ không...

Thất bại tình báo của Mỹ là do Liên Xô chứ không phải do CIA?

Trong bài viết đăng trên RIA Novosti, chuyên gia chính trị kỳ cựu Vladimir Ardaev đã điểm lại 5 thất bại “đáng xấu hổ” của CIA có liên quan tới Liên Xô.

Ngày 18/9 đánh dấu 70 năm thành lập của CIA – cơ quan tình báo trung ương Mỹ. Trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới, một trong những nhiệm vụ chính của CIA là đối phó với mối đe dọa từ Liên Xô. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra theo đúng kế hoạch của họ.

1. Bom nguyên tử Liên Xô

Theo ông Ardaev, thất bại đầu tiên, và có lẽ “đáng hổ thẹn nhất” của CIA trong những sự vụ liên quan tới Liên Xô, là họ không đoán được khi nào Liên Xô sẽ chế tạo được quả bom nguyên tử đầu tiên.

Cuối những năm 1940, các điệp viên và chuyên gia phân tích của CIA đều nhất trí rằng một loại vũ khí hạt nhân Liên Xô sẽ ra đời vào đầu thập niên 50.

Bản báo cáo từ cuối tháng 10/1946 dự đoán trong khoảng thời gian từ 1950-1953, Liên Xô sẽ phát triển một loại bom hạt nhân cho tới giai đoạn sản xuất. Và tới năm 1956, họ sẽ có trong tay một số lượng bom nguyên tử.

Những bản báo cáo tương tự cũng được CIA đưa ra vào các năm sau đó. Cho tới tháng 8/1949, chỉ 5 ngày trước khi Liên Xô kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên, bản báo cáo cuối cùng của CIA về vấn đề này vẫn đưa ra kết luận giống các báo cáo trước.

Top 5 thất bại cay đắng và muối mặt của tình báo Mỹ: CIA không có lỗi, lỗi ở... Liên Xô - Ảnh 1.

RDS-1, quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô.

Thất bại của CIA xuất phát từ nhiều yếu tố, như đánh giá sai các mỏ quặng uranium cấp cao của Liên Xô, bên cạnh đó, họ không lường được kỹ năng tổ chức của Bộ trưởng an ninh Liên Xô Lavrenty Beria trong việc giám sát dự án hạt nhân.

2. Sự can thiệp của Liên Xô vào Afghanistan

Việc CIA không dự đoán được sự can thiệp của Liên Xô vào Afghnistan tháng 12/1979 là một thất bại lớn nữa của họ, khiến chính quyền Tổng thống Carter “ngã ngửa”.

CIA tin rằng Moscow sẽ không dám đi nước cờ này. “Nhưng họ đã nhầm”, Ardaev viết, “Liên Xô đã triển khai quân tới Afghanistan và đóng ở đó suốt 9 năm”.

Top 5 thất bại cay đắng và muối mặt của tình báo Mỹ: CIA không có lỗi, lỗi ở... Liên Xô - Ảnh 2.

Binh lính Liên Xô tại Afghanistan.

Ông Douglas MacEachin, cựu sĩ quan CIA, kể lại rằng, trong vòng nhiều tháng sau khi sự kiện này diễn ra, vây quanh CIA là lời giễu cợt: “các chuyên gia phân tích không có lỗi, lỗi ở Liên Xô đã không làm đúng như họ đoán mà thôi”

Thất bại tình báo này có thể được xem là một bất ngờ lớn, bởi một thời gian dài trước khi Liên Xô can thiệp, CIA đã đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ và trang bị cho phong trào Mujahedeen (chiến binh thánh chiến) non trẻ ở Afghanistan thông qua Pakistan.

Chính phủ Afghanistan đã nhiều lần đề nghị Liên Xô triển khai quân từ mùa xuân và mùa hè năm 1979 để giúp họ đối phó với quân nổi dậy.

3. Điệp viên nhị trùng trong lòng CIA

Thất bại rùm beng nhất của CIA có lẽ là khi họ phát hiện một nhân viên của mình đã trở thành điệp viên Liên Xô.

Aldrich Ames, người đứng đầu đơn vị phản gián của CIA năm 1983, đã được KGB thu nạp hai năm sau đó (1985).

Trước đó, trong hơn 1 thập kỷ, công việc của anh ta là giải quyết các vấn đề liên quan tới Liên Xô tại văn phòng CIA ở Thổ Nhĩ Kỳ và thành phố New York.

Tại đơn vị phản gián, Ames có cơ hội tiếp cận toàn bộ kế hoạch và hoạt động của CIA nhằm chống lại KGB và tình báo Liên Xô.

Đối với CIA, Ames có 2 vấn đề liên quan đến rượu và phụ nữ, khiến anh ta nợ nần liên tục.

“Tình báo Liên Xô đã lợi dụng điều này”, Andraev viết, “họ đưa cho anh ta 50.000 USD và sau đó ngày càng trả nhiều hơn.

Kết quả là, thông tin bắt đầu được tuồn theo hướng ngược lại với dự định ban đầu – CIA chỉ nhận được những thông tin không quan trọng, trong khi Moscow nhận được các thông tin mật, bao gồm cả dữ liệu về nhân viên của CIA”.

Ames trở thành một trong những điệp viên giá trị nhất trong lịch sử KGB. Vào thời điểm CIA phát hiện anh ta là nội gián thì đã có hơn 100 điệp viên Mỹ bị lật tẩy.

Ames bị FBI bắt giữ và lĩnh án tù chung thân vào năm 1994, song đây cũng là thời điểm mà Liên Xô đã sụp đổ rồi.

4. Dữ liệu không đáng tin cậy

Xuyên suốt toàn bộ thời kỳ đối đầu Mỹ-Xô trong Chiến tranh Lạnh, CIA luôn cạnh tranh với Lầu Năm Góc khi đưa ra các đánh giá về mối đe dọa từ quân đội Liên Xô.

Nhân vật phê bình ác liệt các đánh giá quân sự của CIA là chuyên gia chiến lược Andrew Marshall của Lầu Năm Góc – người từng giữ cương vị Giám đốc Văn phòng đánh giá mạng lưới (ONA) của Bộ Quốc phòng Mỹ trong suốt 42 năm, từ năm 1973.

Ông Marshall chỉ trích rằng khi đánh giá sức mạnh quân sự của Liên Xô, các phân tích của CIA rất hời hợt.

Đồng quan điểm với Marshall là cố vấn về kinh tế Liên Xô của Lầu Năm Góc – Igor Birman. Ông này cho rằng CIA đã đưa ra kết luận dựa trên những dữ liệu không đáng tin cậy:

“CIA đã sử dụng thông tin chính thức từ Liên Xô trong các bản báo cáo của mình – những số liệu do cơ quan thống kê và ủy ban kế hoạch quốc gia của họ công bố, trong khi những số liệu này thường không có gì đúng với thực tế.

Việc này chỉ nhằm một mục đích duy nhất: cho thấy Liên Xô là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Mỹ để từ đó đảm bảo CIA sẽ có được nguồn ngân sách lớn hơn”.

CIA tuyên bố ngân sách quốc phòng Liên Xô chiếm tới 55-60% GDP, tuy nhiên, các phân tích của ông Marshall cho thấy con số này chỉ xấp xỉ 25-30%, mức “sát với thực tế hơn hẳn”.

Năm 1988, sau khi mối quan hệ giữa Moscow và Washington được hâm nóng, Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze đã tiết lộ rằng trên thực tế, chi tiêu quân sự của Liên Xô chỉ chiếm 19% GDP. Mức này đã được lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev xác nhận vào 1 năm sau.

5. Sự sụp đổ của Liên Xô

Thất bại muối mặt tiếp theo của CIA là không dự đoán được sự sụp đổ của Liên Xô, mặc dù nhiệm vụ chính của họ là giám sát chặt chẽ đối thủ của Mỹ.

Ông Ardae viết: “Tốc độ phát triển nhanh chóng của kinh tế Liên Xô trong những năm 1950 và 1960 đã khiến các chính trị gia ở Washington vô cùng căng thẳng.

Ngoài ra, những thành công của Liên Xô trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng khiến Mỹ áp lực. Cuộc cạnh tranh giữa hai phía còn diễn ra trong không gian.

Đã có thời điểm nền kinh tế Liên Xô sắp bắt kịp và thậm chí vượt qua cả Mỹ”.

“Tới cuối những năm 1970, tình hình về cơ bản đã thay đổi nhưng CIA vẫn tiếp tục đánh giá quá cao khả năng của Liên Xô trong các báo cáo của họ.

Thậm chí tới năm 1989, sau khi bức tường Berlin sụp đổ và nhiều quốc gia phương Tây bắt đầu nghi ngờ khả năng tồn tại của Liên Xô, thì CIA vẫn tiếp tục quả quyết rằng những sự kiện này sẽ không có bất cứ ảnh hưởng nào tới sự ổn định và chính sách của Liên Xô”.

Tháng 5/1992, phát biểu trước các thành viên của Hiệp hội chính sách đối ngoại tại New York, Giám đốc CIA Robert Gates đã thừa nhận thất bại của cơ quan này trong việc dự đoán sự sụp đổ của Liên Xô.

Đầu những năm 1990, sự thất bại của CIA đã thúc đẩy Quốc hội Mỹ đưa ra một số dự luật về “tổ chức lại toàn bộ” cơ cấu của cơ quan tình báo Mỹ, thậm chí Thượng nghị sĩ Patrick Moynihan còn cho rằng cơ quan này nên được giải thể hoàn toàn.

RELATED ARTICLES

Tin mới