Friday, October 18, 2024
Trang chủĐàm luậnNền ngoại giao đại cường quốc của TQ

Nền ngoại giao đại cường quốc của TQ

Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 18/10 sắp tới. Giới phân tích cho rằng những thành tựu trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc có thể là trọng tâm tại Đại hội.

Lộ trình dự kiến của “Một vành đai, một con đường” ở Trung Quốc.

Đại hội XIX là kỳ Đại hội vô cùng quan trọng để chuyển giao quyền hành cho một thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Nhưng chẳng mấy ai  hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bàn nhiều về những thách thức và những trở ngại mà họ phải đối mặt từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, mặc dù ngày càng có nhiều học giả ở Trung Quốc muốn nói một cách trực diện và thẳng thắn về điều này.

Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 2012. Cũng từ đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng toàn cầu. Bắc Kinh tham gia và tìm kiếm một vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề quốc tế. Họ đã đưa ra các sáng kiến riêng của mình, chẳng hạn như sáng kiến về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á và chương trình thương mại “Một vành đai và Con đường” trị giá gần ngàn tỷ đôla.

Năm năm qua ông Tập đã đi thăm gần 30 quốc gia, trên 5 lục địa và bênh vực cái gọi là “Ngoại giao Đại Cường quốc”. Ông còn ủng hộ một “Giải pháp Trung Quốc,” là những đề xuất của Bắc Kinh để giải đáp những vấn đề khó khăn nhất của thế giới.

Trọng tâm của chính sách đối ngoại quan trọng đến mức một số nhà phân tích nói rằng nhu cầu Trung Quốc phải đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong các vấn đề toàn cầu. Ưu tiên cho chính sách đối ngoại có thể sẽ được ghi  vào Điều lệ của Đảng Cộng sản trong kỳ đại hội này, cùng với một số thay đổi khác.

Các cơ quan truyền thông nhà nước gần đây đã phổ biến một văn kiện dài 6 tập về “Ngoại giao Đại Cường quốc” trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIX. Những người ủng hộ lập luận rằng trong tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc nên làm những gì mà nước này cảm thấy là đúng, vào bất cứ lúc nào và bất cứ khi nào Bắc Kinh muốn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận đó đã dẫn đến một loạt bước thụt lùi trong 5 năm qua, kể từ khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông gây ra những rắc rối trên biển Hoa Đông, và làm rạn nứt quan hệ với Triều Tiên, Hàn Quốc, cùng nhiều nước khác.

Theo ông Shen Dingli, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Fudan: “Trung Quốc đã thất bại trong tất cả các hồ sơ Biển Đông, Biển Hoa Đông, tranh chấp biên giới Trung-Ấn, mối quan hệ với Hàn Quốc, và với Triều Tiên. Tóm lại, chính sách ‘láng giếng tốt’ của Trung Quốc không được bất kỳ nước láng giềng nào tán thành.”

Mặc dù đã cố gắng hết sức, Bắc Kinh không thể buộc Triều Tiên ngưng phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, hoặc thuyết phục Hàn Quốc đừng triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ông Shen và một số người khác lưu ý rằng cách đối phó của Bắc Kinh với lá chắn tên lửa THAAD không chỉ thất bại mà còn đẩy Seoul ra xa Trung Quốc hơn, và khiến Seoul xích lại gần hơn với Washington.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói ngày càng có nhiều người chỉ trích ông Tập, và những lời chỉ trích đó được chú ý hơn so với những chỉ trích nhắm vào người tiền nhiệm của ông, là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Sở dĩ ông Tập nhận nhiều chỉ trích một phần là do hướng tiếp cận gây đối kháng đã tiến hành với nhiều nước, kể cả các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ… nhằm khẳng định quyền lực của Trung Quốc trong khu vực.

Liệu trong Đại hội XIX hướng tiếp cận này có thay đổi?

Nếu không thay đổi thì Bắc Kinh có thể rơi vào tình trạng “muôn việc đủ cả chỉ thiếu gió đông”, như câu thơ của Gia Cát Khổng Minh. Khổng đã hé ý này với Đô đốc Chu Du trước trận Xích Bích hỏa công lịch sử ngùn ngụt lửa. Người tính không bằng trời tính!

RELATED ARTICLES

Tin mới