Giới quan sát nhận định Trung Quốc đang rất thất vọng trước tình hình càng lúc càng vượt tầm kiểm soát trên bán đảo Triều Tiên, dù ngoài mặt nước này luôn tỏ ra bình tĩnh.
Dù giữ vai trò đối tác thương mại chính của Triều Tiên, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng bị đánh giá đang ở mức thấp chưa từng thấy.
Những ngày qua, từ góc nhìn của Trung Quốc là một cảnh tượng không mấy đẹp đẽ: Triều Tiên và Mỹ thi nhau đe dọa “trút hủy diệt” lên đối thủ; phi đội tiêm kích và máy bay ném bom chiến lược Mỹ lượn lờ sát nách Trung Quốc; Nhật, Hàn gấp rút tăng cường năng lực quân sự…
Kêu gọi các bên kiềm chế là một phản ứng đúng chuẩn “ngoại giao”, còn thực sự Trung Quốc nghĩ gì?
Ảnh hưởng có giới hạn
Có thể thấy Trung Quốc rất miễn cưỡng trong chuyện trừng phạt Triều Tiên, do đó việc Bắc Kinh ủng hộ các nghị quyết cấm vận cứng rắn của Liên Hiệp Quốc và thực thi chúng là điều chưa từng thấy trước đây.
Tuy nhiên, tất cả những gì Trung Quốc gặt hái được cho đến nay chỉ là sự xa lánh của người anh em láng giềng, cuộc khủng hoảng thì vẫn còn đó, thậm chí là tệ hơn.
“Triều Tiên hiểu được Trung Quốc đang ở vào thế kẹt. Bắc Kinh lâu nay cứ than phiền về sức ảnh hưởng ít (đối với Triều Tiên), hóa ra điều này là thật chứ không phải lời nói dối” – chuyên gia Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh quốc tế thuộc Viện Lowy (Úc), bình luận.
Một bước đi quan trọng mà Trung Quốc còn đang do dự đó là cắt đứt hoàn toàn xuất khẩu dầu thô vào Triều Tiên.
Thứ bảy tuần trước, Bắc Kinh thông báo sẽ giới hạn xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu, ngừng bán khí ngưng tụ và khí đốt hóa lỏng cho Triều Tiên theo lệnh trừng phạt của LHQ.
Nhưng có lẽ chỉ đến thế. Trung Quốc rõ ràng không sẵn sàng làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho chế độ ở Triều Tiên, vì đó sẽ là một thảm họa khiến biển người tị nạn tràn vào đất Trung Quốc, chưa kể đến nguy cơ một chính quyền thân Mỹ sẽ xuất hiện trên một bán đảo Triều Tiên thống nhất.
Binh sĩ Triều Tiên đi tuần trên dòng sông là đường biên giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc – Ảnh: REUTERS
Giới lãnh đạo Bình Nhưỡng tối thiểu cũng hiểu được nỗi lo của Trung Quốc và logic này, ở chừng mực nào đó giúp họ cảm thấy “an toàn” mỗi khi nhận được cảnh báo từ Bắc Kinh.
Cũng thứ bảy tuần trước, Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA có đăng tải một danh sách 17 ngoại giao đoàn ở các nước tổ chức ăn mừng lễ kỷ niệm 69 năm ngày lập quốc – trong đó không có Trung Quốc.
Sự lạnh lẽo xuất hiện khá nhanh và đột ngột. Thậm chí trước đó một ngày (22-9), Hãng thông tấn KCNA còn giận dữ đăng bài chỉ trích truyền thông Trung Quốc “đe dọa, xúc phạm và phá hoại” đất nước họ.
Cụ thể, trong bài xã luận có tựa đề “Hành động thô lỗ của bọn truyền thông trơ trẽn”, KCNA đã “dập” tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc vì tội đăng bài bào chữa cho việc ủng hộ lệnh cấm vận của LHQ.
Một chiếc máy bay ném bom B-1B Lancer của Mỹ được tiếp nhiên liệu gần biển Hoa Đông tuần trước – Ảnh: AFP
Triều Tiên sẽ không dừng lại
Tuần qua là một khoảng thời gian hỗn loạn đối với các bên có liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên, đỉnh điểm là lời đe dọa tấn công Mỹ của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho.
Củi lửa thì nhiều nhưng có một thứ hơi “ngớ ngẩn”: Bình Nhưỡng phật lòng vì ông Donald Trump dám gọi nhà lãnh đạo của họ là “gã lùn tên lửa”.
Chuyện thì đã rồi, không gì lật ngược lại được màn trình diễn sức mạnh quân sự của Mỹ trên bầu trời bán đảo Triều Tiên, trong khi hàng chục ngàn người ở Bình Nhưỡng đổ ra đường kêu gọi tiêu diệt “đế quốc Mỹ”…
“Đó là một thảm họa cho tất cả các bên, trong đó có Trung Quốc. Dù không có dấu hiệu chiến tranh sẽ nổ ra ngay lập tức, nhưng khả năng các cuộc xung đột nhỏ, đặc biệt là giữa hai miền Triều Tiên, hoàn toàn có thể xảy ra” – ông Lu Chao, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên thuộc Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh (Thẩm Dương, Trung Quốc), đánh giá.
Bắc Kinh đang cố tỏ ra bình tĩnh, tự tin và kiểm soát để giữ sự ổn định trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 diễn ra vào tháng tới. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng dường như chả thèm ngó đến mối bận tâm của ông láng giềng.
Vụ thử hạt nhân lần 6 của Triều Tiên diễn ra đúng vào lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang tiếp các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi tại một hội nghị quan trọng của khối BRICS. Quan tâm đến hình ảnh như Trung Quốc thì đây là một cú vỗ mặt khá đau.
Ông Tập chưa từng gặp ông Kim Jong Un nhưng giới quan sát cho rằng hai người không mấy ưa nhau. Các nỗ lực của Bắc Kinh gửi đặc phái viên đến Bình Nhưỡng giải quyết tình hình đều bị từ chối.
Các học giả Trung Quốc đa số đều nhận định Triều Tiên đã hạ quyết tâm phát triển vũ khí bất chấp áp lực từ bên ngoài, ít nhất cho đến khi nước này sở hữu được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đủ sức bắn tới Mỹ.
“Cấm vận, theo ý tôi, sẽ không thay đổi được quyết tâm của Triều Tiên” – ông Shen Dingli, phó hiệu trưởng Viện nghiên cứu quốc tế (ĐH Phục Đán, Thượng Hải), nêu quan điểm.
Chuyên gia Lu Chao thì tỏ ra lạc quan hơn, ông cho rằng cấm vận sẽ có hiệu quả, ít nhất là khuyến khích Triều Tiên một ngày nào đó quay lại bàn đàm phán.
“Lệnh cấm vận sẽ có tác động mạnh lên nền kinh tế Triều Tiên, khiến họ cân nhắc lại lời – lỗ của hai lựa chọn: làm kẻ thù của cộng đồng quốc tế hay ngồi lại bàn đàm phán” – ông Lu nhận định.