LUẬN CỨ KHẢO
CỔ CHỨNG MINH CHỦ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG
SA DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA LUẬT PHÁP QUỐC TẾ
Trong những thập kỷ vừa qua, những “di chỉ khảo cổ” đã được nhà cầm
quyền và các học giả Trung Quốc sử dụng, nhào nặn và biến thành một loại luận
cứ để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Bài viết này sẽ phân tích thực chất những “di chỉ khảo cổ” mà người
Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng “luận cứ khảo cổ” của mình, và trên cơ sở đó,
sẽ đưa ra một số nhận xét đối với luận cứ trên dưới góc độ khoa học, lịch sử và
luật pháp quốc tế.
cổ” của Trung Quốc
Cái gọi là các “di chỉ khảo cổ” của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng
Sa và Trường Sa được giới thiệu trong hai tài liệu cơ bản là “Sách trắng Bộ
Ngoại giao nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa về chủ quyền của Trung Quốc đối với
hai quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa” (tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
của Việt Nam) ngày 30 tháng 1 năm 1980 (sau đây gọi tắt là Sách trắng của Trung
Quốc) và Cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải của nước ta” do Hàn Chấn Hoa
làm chủ biên, Nhà xuất bản Phương Đông (Bắc Kinh) xuất bản (sau đây gọi tắt là
Tổng hợp sử liệu).
Sách trắng Trung Quốc kết luận rất hùng hồn rằng “rất nhiều sự thật
lịch sử”, trong đó có sự hiện diện của các di chỉ khảo cổ, “chứng tỏ đầy đủ
rằng”, Trung Quốc là người đã phát hiện, kinh doanh, khai thác và thực hiện cai
quản trước tiên quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa. Hàng nghìn năm nay, chính phủ
các triều đại Trung Quốc vẫn luôn luôn thi hành quyền cai quản đối với hai quần
đảo. Nhân dân Trung Quốc là người chủ không thể tranh cãi được của hai quần đảo
này”.
Trên cơ sở những di chỉ tìm thấy trong xác thuyền đắm phát hiện ở Đông
Bắc của Đá Trắng tháng 4/1974 tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu suy ra rằng: chiếc
thuyền đó bị đắm vào thế kỷ 15 và có thể là một chiếc thuyền của đội Trịnh Hoà
đi sứ Tây Dương đời Minh.
– Đồ sành sứ:
Cuốn Tổng hợp sử liệu đưa ra một số đồ sành sứ tìm thấy trên các đảo
San Hô (Hoàng Sa), Cam Tuyền (Quang Ảnh), Kim Ngân (Đảo Tiền), Vĩnh Hưng (Phú
Lâm) vào các năm 1974, 1975 và cho biết chúng có niên đại đời Nam triều
(420-589) và các đời Tuỳ, Đường, Nguyên, Minh, Thanh.
– Miếu cô hồn:
Tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cuốn tổng hợp sử liệu cho biết có đến
hàng chục miếu cô hồn trên hầu hết các đảo ở quần đảo này. Trong miếu, có nơi
có tượng phật, có bát nhang.
Dựa vào các đồng tiền cổ, đồ sành sứ, các đồ vật khác, miếu cô hồn nói
là tìm thấy ở các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tác giả của cuốn
Tổng hợp sử liệu kết luận rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ cổ
xưa là lãnh thổ của Trung Quốc.
Nhìn nhận cái gọi là các “di chỉ khảo cổ” mà
Trung Quốc đưa ra dưới góc độ của khoa học và lịch sử
Để có cơ sở đưa ra những nhận xét về luận cứ khảo cổ mà Sách trắng
Trung Quốc và cuốn Tổng hợp sử liệu sử dụng để khẳng định chủ quyền của Trung
Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chúng ta xem xét các di chỉ
khảo cổ nói trên dưới góc độ khoa học và lịch sử:
Một là, Sách trắng Trung Quốc và
cuốn Tổng hợp sử liệu không đưa ra được một chứng cứ xác đáng nào khả dĩ có thể
chứng minh rằng các đồng tiền cổ, đồ sành sứ và các đồ vật khác, miếu cô hồn,
giếng nước, lều tranh… nói là được tìm thấy trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
là của người Trung Quốc.
Có lẽ do thấy điểm yếu này, tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu này dựa trên
suy đoán “chiếc thuyền bị đắm ở đảo Đá Bắc” là “một trong những chiếc thuyền
của đội thuyền Trịnh Hoà đi sứ Tây Dương” bị chìm vào thế kỷ 15 để kết luận
liều lĩnh rằng những di chỉ khảo cổ nói trên là của người Trung Quốc. Có một số
điểm sau đây làm cho kết luận này của tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu không thể
đứng vững được. Thứ nhất, không thể dựa trên niên đại của đồng tiền và các đồ
cổ vật để khẳng định con thuyền bị đắm vào thế kỷ 15 và gán ghép nó thành một
trong các con thuyền của đội thuyền Trịnh Hoà. Bất cứ con thuyền bị đắm sau này
và của bất cứ người nào, dù là dân buôn hay ngư dân Trung Quốc hoặc dân buôn
Phương Tây hay ngư dân các nước trong khu vực, cũng có thể chứa những đồng tiền
và cổ vật nói trên. Thứ hai, căn cứ vào tuyến đường biển mà Trịnh Hoà đã đi qua
(ven bờ biển của đảo Hải Nam và ven bờ biển của miền Trung Việt Nam) thì đó không
phải là chiếc thuyền trong đội thuyền của Trịnh Hoà.
Hai là, những đồng tiền, đồ sành sứ và
các đồ vật cổ khác mà cuốn Tổng hợp sử liệu nhắc đến là dấu tích của các tàu
buôn, tàu đánh cá bị đắm tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chính cuốn Tổng hợp sử
liệu đã xác nhận điều này khi cho biết “những đồng tiền cổ tìm thấy năm 1974 là
những đồng tiền nằm dưới nền đá san hô bao quanh Đảo Đá ở độ sâu 15 mét” và là
những đồng tiền tìm thấy “trong xác một chiếc thuyền đắm ở đảo Đá Bắc”.
Thực ra, vào những năm 1970 thì những nhà khảo cổ Trung Quốc không còn
là những người đầu tiên tìm ra những đồng tiền và đồ vật cổ trong các con tàu
đắm trên quần đảo Hoàng Sa. Vào những năm 1920, ngư dân Nhật đã tìm thấy nhiều
tiền cổ trên một số đảo thuộc quần đảo này. Theo luận văn được công bố vào
tháng 3 năm 1937 của ông Mã Đình Anh, nhà hải dương học, đã từng là Chủ nhiệm
bộ môn địa chất học thuộc Đại học Đài Loan, kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu
Đài Loan thì những cục tiền cổ do ngư dân Nhật tìm thấy ở Tây Sa năm 1920 đều
nằm ở sườn bãi san hô chìm sâu dưới mặt nước bị đá san hô tái sinh bao phủ phải
dùng bộc phá mới lấy được[1].
Như vậy, những đồng tiền và đồ vật cổ khác tìm thấy dưới biển và trong các con
tàu đắm chưa xác định rõ lai lịch không thể được lý giải là những dấu vết chứng
tỏ nhân dân Trung Quốc đã “cư trú và sản xuất” trên quần đảo Hoàng Sa hay đã
làm chủ trên quần đảo Hoàng Sa từ lâu đời như cuốn Tổng hợp sử liệu chú giải.
Ba là, các miếu cô hồn, nếu có
trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng không có cơ sở nào để khẳng định
là do người Trung Quốc xây dựng. Trung Quốc có biết rằng chính những Đội Hoàng
Sa của Việt Nam
là những người xây dựng ở các chùa miếu ở hai quần đảo này? Trong các Châu Bản
triều đình Nhà Nguyễn hiện còn đang được lưu giữ cũng đề cập đến việc các Đội
Hoàng Sa xây dựng các miếu thờ để tưởng nhớ những người bị nạn ở trên biển.
Bốn là, cách đây nhiều thế kỷ, các
quần đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải là nơi con người có
thể “cư trú và sản xuất” được. Người ta có thể bị bão gió đánh giạt vào đây,
hoặc vào đây tránh bão, hoặc đến đây để thu nhặt những đồ vật của những con
thuyền đắm như đội Hoàng Sa và Bắc Hải của các triều đại phong kiến Việt Nam
vẫn làm từ thế kỷ 16, chứ tuyệt nhiên không thể cư trú lâu dài và hoạt động sản
xuất ở những nơi như vậy. Vì thế, việc tác giả cuốn Tổng hợp sử liệu kết luận
rằng người Trung Quốc đã cư trú và sản xuất trên quần đảo Tây Sa chí ít từ đời
Đường chỉ là sự bịa đặt, không dựa trên cơ sở khoa học và lịch sử xác đáng nào.
Giá trị của các “di chỉ khảo
cổ” mà Trung Quốc đưa ra dưới góc độ của luật pháp quốc tế
Giả sử cái mà Sách trắng Trung
Quốc và cuốn Tổng hợp sử liệu gọi là “các di chỉ khảo cổ” được phát hiện ở hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đúng là của người Trung Quốc đi chăng nữa, thì
theo luật pháp quốc tế, cũng không có ý nghĩa gì về chủ quyền lãnh thổ. Là một
nghành khoa học, khảo cổ học và những di chỉ khảo cổ không có vai trò nào trong
việc công nhận hay bác bỏ chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh thổ nơi
các di chỉ khảo cổ hiện diện.
Điều đó có nghĩa là các đồng tiền cổ, đồ sành sứ, các đồ vật cổ khác,
các con tàu đắm, miếu cô hồn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu có và
có thể chứng minh là của người Trung Quốc, thì cũng không được coi là các chứng
cứ chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.
Trước hết nói thêm về những đồng tiền cổ. Trong lịch sử, nhà buôn Trung
Quốc đã đến nhiều nước trên thế giới và trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt
Nam.
Nếu ngày nay người ta có tìm thấy tiền cổ Trung Quốc thì đó cũng chỉ là vết
tích của sự giao lưu kinh tế giữa Trung Quốc và các nước đó mà thôi, không thể
được coi bằng chứng chứng minh rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với lãnh thổ
của các nước này. Trong khi khai quật di chỉ Vân Đồn (Vịnh Hạ Long của Việt
Nam) cách đây không lâu, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hàng loạt
tiền cổ Trung Quốc như “Khảo Nguyên thông bảo” (đời Đường”, “Thiên Thanh nguyên
bảo”, “Hy Ninh nguyên bảo”, “Càn Long thông bảo”, “Gia Hy thông bảo” (đời Tống),
“Khang Hy thông bảo”, “Càn Long thông bảo”, “Gia Khánh thông bảo” (đời Thanh).[2]
Nhưng không vì vậy mà có thể nói rằng Vịnh Hạ Long thuộc chủ quyền của Trung
Quốc. Tương tự như vậy, theo sách lịch sử Trung Quốc, từ đời Tống tiền Việt Nam
“Thiên Phúc trấn bảo” (Triều Lê Hoàn) đã lưu hành rất nhiều ở Quảng Châu, Triều
Châu; tiền “Quang Trung” , “Cảnh Thịnh” cũng đầy rẫy ở Phúc kiến;[3]
tiền Việt Nam tràn ngập thị trường Quảng Đông, Phúc Kiến, chiếm 70 -80% lượng
tiền lưu hành nơi đây[4].
Nếu coi tiền cổ được phát hiện là “bằng chứng chủ quyền” thì Quảng Đông, Quảng
Châu, Triều Châu và Phúc Kiến sẽ phải thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các đồ sành sứ và các đồ vật khác, dù là đồ cổ hay không phải là đồ cổ,
đều là những hàng hoá có thể trao đổi, mua bán ở bất cứ đâu và bởi bất cứ ai.
Những miếu cô hồn có thể được bất cứ người dân thuộc bất kỳ nước nào
dựng nên ở bất kỳ nơi nào để tưởng niệm những nạn nhân xấu số theo phong tục
tập quán của họ. Cùng với dòng người Trung Quốc di cư hoặc đi buôn bán ở nhiều
nước trên thế giới, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, trong nhiều thế kỷ qua, các
di chỉ khảo cổ như các đồ sành sứ, miếu cô hồn của người Trung Quốc chắc chắn
cũng còn nằm rải rác khắp nơi. Nhưng không ai coi những di chỉ khảo cổ đó như
là chứng cứ xác nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ nơi mà
chúng hiện diện.
Tóm lại, việc Sách trắng Trung Quốc và cuốn Tổng hợp sử liệu coi các
“di chỉ khảo cổ” nói là tìm thấy ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để kết luận
“hàng loạt tư liệu văn vật này chứng minh một cách hùng hồn rằng quần đảo Hoàng
Sa và quần đảo Trường Sa từ cổ xưa là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc và
nhân dân Trung Quốc là người chủ thực sự của hai quần đảo này” là kết luận hết
sức hồ đồ, không có cơ sở khoa học, lịch sử và pháp lý quốc tế. Cái gọi là
những “di chỉ khảo cổ” của Trung Quốc chỉ là sự bịa đặt cố ý nhằm phục vụ cho
mưu đồ chính trị, không làm thay đổi được thực tế là: hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời./.
Mỹ Đức
[1] Tổng hợp sử liệu, trang
103.
[2] Đỗ Văn
Ninh, Tìm lại dấu vết Vân đồn lịch sử, Ty Văn hoá Quảng
Ninh 1974, trang 41-42.
[3] Trần Tú
Dân (Đài Loan) dẫn trong tác phẩm Trung Việt quan hệ sử luanạ văn tập, 1992,
trang 157-158.
[4] Đồng Tổng
Ngân, Vietẹ Nam
lịch sử hoá tệ, Trung Quốc kim dung xuất bản xã, 1992, Lời tựa.