Monday, December 23, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 26/09

Bản tin Biển Đông ngày 26/09

Bản tin Biển Đông ngày 26/09/2017.

Úc, Nhật và Ấn Độ đang hướng về Biển Đông

Ngày 26/9, trang Maritime Executive cho biết ba nước lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là Úc, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông trong bối cảnh “Philippines đang có lập trường mềm mỏng đối với vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc khi mà nước này đang thúc đẩy mạnh hợp tác dầu khí giữa hai nước tại các vùng biển ở Biển Đông”. Lãnh đạo các bên đã tiến hành các cuộc họp riêng về vấn đề an ninh biển và bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên Biển Đông, đồng thời lên tiếng kêu gọi khẳng định quyền tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế ở khu vực. Bên cạnh đó, các nước này cũng đã có những hoạt động thiết thực nhằm tăng cường quan hệ với các bên tranh chấp ở Biển Đông như tổ chức các chuyến thăm cảng, cung cấp trang thiết bị quân sự, tăng cường đầu tư cho lĩnh vực an ninh biển…

Hải quân Hoàng gia Anh và các hoạt động tự do hàng hải

Ngày 25/9, mạng Trung tâm An ninh biển quốc tế đăng bài viết “Hải quân Hoàng gia Anh và các hoạt động tự do hàng hải” của Thiếu tá Peter Barker, sỹ quan Hải quân Hoàng gia Anh đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật quốc tế Stockton: (i) tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Michael Fallon về dự định đưa tàu chiến tới Biển Đông vào năm 2018 và (ii) tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson về việc Hải quân Hoàng gia Anh sẽ triển khai các tàu sân bay mới tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để tiến hành các hoạt động tự do hàng hải. Tác giả bài viết cho rằng những tuyên bố nói trên đã cho thấy Anh đặc biệt quan tâm và có cách tiếp cận “cởi mở” hơn đối với các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

 Khái niệm “tự do hàng hải” đã được chính quyền Anh khẳng định từ lâu và các nhà ngoại giao Anh cũng đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của một vài khái niệm liên quan đến tự do hàng hải như quyền tự do qua lại các eo biển quốc tế. Bên cạnh đó, những tác động về kinh tế và thực tiễn để thúc đẩy vai trò đầu tàu kinh tế thế giới cũng là yếu tố để Anh cân nhắc đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực.

Ông Barker cho biết từ trước đến nay Anh chưa tiến hành một chương trình hoạt động tự do hàng hải chính thức theo cách giống như Mỹ đã làm, nhưng các tàu của Hoàng gia Anh hoàn toàn có thể thực thi các quyền pháp lý đi qua các vùng biển trên thế giới một cách thường xuyên và sự hiện diện của các tàu này là nhằm đảm bảo an ninh cho các tàu thương mại của tất cả các nước cũng đang thực hiện những quyền tương tự. Mặc dù vậy, việc Anh tăng cường quan tâm tới các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông trong thời gian tới cho thấy Anh đã đẩy lên một nấc vai trò chiến lược của các hoạt động này. Tuy nhiên, tác giả cho rằng các hoạt động thực tế của Anh có thể sẽ không quá “rầm rộ” và nhiều khả năng sẽ “tương tự” như các FONOPs của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Donald Trump nhưng Anh sẽ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng sẽ thực hiện như thế nào để tránh gây thêm những yêu sách bất hợp pháp. Ông Barker vẫn khẳng định thông qua các hoạt động tự do hàng hải, Anh đang thể hiện quyết tâm duy trì luật pháp trên biển ở phạm vi toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước đối tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Biển Đông, thực hiện quyền tự do hàng hải nhằm đảm bảo duy trì một trong những nguyên tắc lâu đời nhất của luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới