Lâu nay Bắc Kinh luôn phàn nàn rằng họ có rất ít ảnh hưởng đối với Triều Tiên dù là đối tác làm ăn chiến lược. Hiện giờ điều đó dường như đã thành hiện thực và Bắc Kinh rơi vào thế khó xử giữa Mỹ và Triều Tiên, Washington Post trích nhận định của các chuyên gia.
Một tiết mục biểu diễn ca ngợi quan hệ song phương Trung Quốc – Triều Tiên (Ảnh: NationalInterest)
Trung Quốc hiện rơi vào tình thế khó xử khi họ đang mắc kẹt giữa một tràng đe dọa hủy diệt lẫn nhau của Mỹ và Triều Tiên, trong khi các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom Washington vẫn đang phô diễn sức mạnh quân sự gần đường bờ biển Bắc Kinh.
Bề ngoài Trung Quốc vẫn đang kêu gọi các bên ngừng “thêm dầu vào lửa”. Tuy nhiên, thực tế theo các chuyên gia, Bắc Kinh cũng đang cảm thấy tức giận với Bình Nhưỡng cũng như những gì đang xảy ra trong khu vực.
Với vai trò là đối tác thương mại chính của Triều Tiên, từ trước đến nay Trung Quốc luôn được coi là lời giải cho bài toán hóc búa về tình hình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên hiện tại tầm ảnh hưởng của họ đối với Bình Nhưỡng đang ở mức thấp chưa từng có, theo các chuyên gia.
Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện nghiên cứu Lowy (Australia) Euan Graham nhận định: “Triều Tiên đã hiểu được rằng Trung Quốc thật ra đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Sau một thời gian dài phàn nàn về việc ít có ảnh hưởng tới Triều Tiên, tới nay điều này đã trở thành sự thật”.
Điều quan trọng là Trung Quốc vẫn đang ngần ngại trong việc cắt nguồn cung dầu thô tới Triều Tiên. Hôm 23/9, Trung Quốc tuyên bố sẽ giới hạn mức xuất khẩu đối với các sản phẩm hóa dầu, đồng thời cấm xuất khẩu khí tự nhiên ngưng tụ và hóa lỏng tới Triều Tiên, nhằm tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc. Bắc Kinh cũng đã ngừng nhập khẩu hàng may mặc từ Triều Tiên.
Tuy vậy, Trung Quốc chưa sẵn sàng “mạnh tay” với chính quyền của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un do lo ngại viễn cảnh hàng ngàn người Triều Tiên sẽ tràn qua biên giới Trung Quốc, cũng như việc họ sẽ trở thành hàng xóm của một chính quyền thân Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên hiểu được điều khó xử này của Trung Quốc và họ đã qua mặt Bắc Kinh nhiều lần. Ngoài ra, ông Graham cho rằng để đề phòng, Triều Tiên được cho là đã dự trữ nguồn dầu mỏ cho 6-9 tháng, đủ để Bình Nhưỡng duy trì hoạt động cho quân đội cùng một số ngành công nghiệp quan trọng trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, một viễn cảnh chiến tranh giữa 2 miền bán đảo Triều Tiên cũng được ông Lu Chao, một gia chuyên về bán đảo Triều Tiên thuộc Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh ở Thẩm Dương, Trung Quốc, nhận định rằng sẽ trở thành thảm họa cho tất cả các bên, trong đó có Trung Quốc.
Mối quan hệ song phương suy yếu?
Mặc dù, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực tác động, yêu cầu các bên kiềm chế, tuy nhiên Bình Nhưỡng dường như phớt lờ. Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là lần mạnh nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Động thái này giống như “vuốt mặt mà không nể mũi” với Bắc Kinh.
Bên Triều Tiên là vậy, nhưng Trung Quốc còn có mối bất an khác từ phía Mỹ và đồng minh. Đầu năm nay họ đã thể hiện sự tức giận khi Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD ở Hàn Quốc. Giờ đây, họ lại bất bình khi máy bay Mỹ phô trường sức mạnh quân sự gần đường bờ biển Trung Quốc.
Hàn Quốc vẫn đang đồng hành với Mỹ với tư cách đồng minh thân thiết, trong khi quan hệ Triều Tiên và Trung Quốc dường như không mặn nồng như trước. Một ví dụ có thể thấy rõ nhất là khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA công bố danh sách 17 phái đoàn ngoại giao chúc mừng 69 năm quốc khánh Triều Tiên, nhưng không có tên Trung Quốc.
Hôm 22/9, KCNA cũng đăng bài xã luận tỏ rõ sự giận dữ khi truyền thông Bắc Kinh “đe dọa, xúc phạm” Triều Tiên và ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Ở Trung Quốc, các chuyên gia nhận định Triều Tiên sẽ bằng mọi giá thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa nhằm sang Mỹ bất chấp mọi đe dọa và trừng phạt. Ông Shen Dingli, Hiệu phó Học viện Nghiên cứu Quốc tế Fudan ở Thượng Hải, nhận định rằng lệnh trừng phạt sẽ không thể lay chuyển được quyết tâm của Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia Lu Chao lại cho rằng lệnh trừng phạt có thể sẽ hiệu quả và ít nhất nó sẽ có thể buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán và ông tin vào viễn cảnh đó.