Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ chê khéo Mỹ bán vũ khí gây bất ổn

TQ chê khéo Mỹ bán vũ khí gây bất ổn

Sự gia tăng các hợp đồng vũ khí của Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu leo thang và đây có thể trở thành nhân tố gây bất ổn.

 

 

Bắc Kinh chê khéo

Theo hãng tin Tân hoa xã của Trung Quốc, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu vũ khí xuất khẩu của Mỹ đã tăng gần gấp đôi, lên 48 tỷ USD, sau 8 tháng Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền.

Tân hoa xã dẫn trang Politico cho biết trong bối cảnh các căng thẳng trên toàn thế giới ngày càng leo thang, Chính quyền Donald Trump đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế về việc bán vũ khí cho đồng minh.

Theo Politico, những thay đổi này – dẫn tới việc Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đóng vai trò chủ động hơn và đại diện cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ – sẽ được đưa ra trong khuôn khổ một sắc lệnh hành pháp vào mùa Thu này.

Đây có thể xem là thay đổi khá lớn so với chính sách dưới thời chính quyền tiền nhiệm, vốn tìm cách hạn chế ngành xuất khẩu vũ khí của Mỹ, nhà xuất khẩu hàng đầu mặt hàng nhạy cảm này. Lý do chính dẫn tới quyết định này là Nhà Trắng muốn thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực thương mại và nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, Tân hoa xã bình luận rằng sự gia tăng các hợp đồng vũ khí của Mỹ lại diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên toàn cầu leo thang, và nhiều chuyên gia lo ngại rằng đây có thể sẽ trở thành một nhân tố gây bất ổn.

Tân hoa xã dẫn lời ông Dan Mahaffee, Giám đốc phụ trách chính sách Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống, bình luận: “Việc gia tăng các thương vụ bán vũ khí xuất phát từ những lo ngại của Chính quyền Trump về an ninh tại một số khu vực, cũng như từ nhu cầu tăng trưởng xuất khẩu”.

Theo ông, cân nhắc của Nhà Trắng cho thấy những lo ngại của Chính quyền Trump về sự ổn định của nhiều khu vực và mục tiêu tăng cường năng lực cho các đối tác, giúp họ giảm bớt sự lệ thuộc vào quân đội Mỹ.

Nhắc đến căng thẳng giữa Mỹ và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, ông Dan Mahaffee nói thêm: “Tại Trung Đông, hầu hết các nỗ lực huấn luyện và cung cấp vũ khí là nhằm trang bị tốt hơn cho các đồng minh Arab vùng Vịnh để họ có đủ khả năng kiềm chế Iran”.

Điều này cũng diễn ra tương tự tại châu Á, nơi các đồng minh của Mỹ có thể sẽ có được các hợp đồng mua bán vũ khí nhất là trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và Mỹ mong muốn xây dựng một cấu trúc an ninh mạnh mẽ hơn trong khu vực.

Trung Quoc che kheo My ban vu khi gay bat on
Vũ khí Mỹ tăng cường an ninh hay gây bất ổn toàn cầu?

Tân hõa xã cũng dẫn ý kiến “giới chuyên gia” đưa ra những quan điểm trái chiều về việc liệu đà gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí của Mỹ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, như khiến thế giới trở nên bất ổn hơn khi các quốc gia tăng cường kho vũ khí của mình, hay không.

Ông Mahaffee nói: “Lo ngại về nguy cơ căng thẳng dẫn tới chạy đua vũ trang và những hậu quả của nó là điều hoàn toàn dễ hiểu, tuy nhiên việc tăng cường năng lực cho các đồng minh chính là một trong những giải pháp hiệu quả để giải tỏa những căng thẳng này”.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Viện Brookings Darrell West được Tân hoa xã dẫn lời cho rằng mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Trump là nền kinh tế Mỹ, bởi vậy “Ông Trump đẩy mạnh các hoạt động bán vũ khí để thúc đẩy nền kinh tế. Ông ấy xem đây là một ngành xuất khẩu có giá trị và là hướng đi hiệu quả để các doanh nghiệp gia tăng thị phần. Nhìn chung, Trump là một người ủng hộ xu hướng tăng cường năng lực quân sự, bởi vậy quyết định này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của ông ấy”.

Ông West nói thêm về tính “hai mặt” của biện pháp trên: “Rủi ro lớn ở đây là việc tăng cường xuất khẩu vũ khí sẽ khiến thế giới bất ổn hơn… Trao vũ khí cho nhiều chính quyền sẽ làm xung đột gia tăng và dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trên toàn cầu”.

Trong khi báo chí Trung Quốc “chê khéo” việc Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí thì các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng Bắc Kinh đang làm nhiều cách để bán được càng nhiều loại hàng hóa này càng tốt.

Do muốn giúp các công ty nội địa cạnh tranh, cách đây 4 năm Trung Quốc tuyên bố mở các hành lang thương mại trên khắp châu Á, và đặt tên cho dự án đầy tham vọng này là “Con đường Tơ lụa mới”, theo tên của “Con đường Tơ lụa” mà 2.000 năm về trước Trung Quốc đã sử dụng để kết nối với Trung Đông.

Con đường Tơ lụa thời nay nhằm mục đích xây dựng các cấu trúc hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp Trung Quốc giao thương với 68 quốc gia.

Nhưng Bắc Kinh đã bắt đầu buôn bán vũ khí dọc theo tuyến đường này ở Đông Nam Á. Theo các số liệu của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, kể từ năm 2006 cho đến nay, Trung Quốc đã bán vũ khí cho ít nhất 7 nước Đông Nam Á.

Viện nghiên cứu này đánh giá tổng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc cho các nước trong khu vực là trên 500 triệu USD.

Mẫu xe tăng VT4 được Trung Quốc trưng bày tại một triển lãm vũ khí ở UAE hồi tháng 2 vừa qua

Theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Đại học New South Wales của Australia chuyên nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí chủ yếu của khu vực Đông Nam Á.

Trong một phúc trình ngày 30/8, Giáo sư Thayer nhận định: “Vũ khí của Trung Quốc mạnh, có giá cạnh tranh, có thể bao gồm phần chuyển giao công nghệ, và có thể được vay tiền khi mua, được cung cấp vũ khí mà không qua quy trình phê duyệt nghiêm ngặt như vũ khí của Mỹ”.

Vấn đề là tại sao những nước như Thái Lan hay Indonesia từng mua vũ khí của Mỹ lại quay sang mua vũ khí Trung Quốc? Ông Carl Thayer cho rằng việc Indonesia và Thái Lan mua vũ khí Trung Quốc không phải là hiện tượng mới.

Trong giai đoạn 2005-2009, Indonesia đã đặt mua tên lửa chống hạm C-802, tên lửa phòng không cá nhân và radar của Trung Quốc.

Indonesia có công nghiệp đóng tàu riêng của mình, nhưng cũng tìm mua vũ khí Trung Quốc để trang bị cho các chiến hạm, như súng và tên lửa chống hạm.

Chuyên gia này cũng nhận định Indonesia đang muốn cân bằng giữa vũ khí Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đã và đang là nhà cung cấp lớn các vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Indonesia, như các loại máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, hay trực thăng chiến đấu Apache, chiến đấu cơ F-16C.

Indonesia cũng mua phụ tùng cho máy bay, radar Longbow dùng cho trực thăng chiến đấu, tên lửa chống tăng, thiết bị sonar để phát hiện tàu ngầm… Các thương vụ mua vũ khí của Indonesia không phản ánh việc nước này xích lại gần Trung Quốc và xa rời Mỹ, mà thể hiện xu hướng pha trộn và phối hợp các hệ thống vũ khí.

Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu vũ khí ra nhiều nước, trong đó có khu vực Đông Nam Á

Còn Thái Lan đã mua tàu tuần dương của Trung Quốc cũng như tên lửa đối hạm. Thái Lan cũng đã bắt đầu mua vũ khí của Trung Quốc từ sau những vụ xung đột ở biên giới với Campuchia năm 2008, như giàn phóng tên lửa, radar định vị trọng pháo, tên lửa phòng không.

Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, Thái Lan đã mua thêm nhiều radar định vị trọng pháo, tên lửa địa đối không và chiến xa.

Myanmar cũng là một khách hàng quan trọng của Trung Quốc, mua từ hộ tống hạm, máy bay huấn luyện, súng trang bị trên tàu chiến, tên lửa chống hạm, radar và trang thiết bị cho lục quân (giàn phóng tên lửa MRL, các loại thiết giáp và chiến xa…)

Theo chuyên gia Australia này, Trung Quốc sẽ bước vào một thị trường vũ khí Đông Nam Á đang có cạnh tranh rất mạnh. Trung Quốc đã có thị trường ổn định ở 7/11 quốc gia Đông Nam Á: Indonesia, Myanmar và Thái Lan, và ở mức độ thấp hơn là Malaysia, Campuchia, Lào và Timor Leste.

Bắc Kinh còn có thể tranh thủ thời cơ Tổng thống Duterte “thân thiết” với Trung Quốc để xâm nhập vào Philippines.

Đây sẽ là một thị trường mới nhưng hạn chế vì Hiến pháp Philippines đòi hỏi ngân sách cho giáo dục phải lớn hơn quốc phòng. Bên cạnh đó, dù Philippines có một di sản lớn là thiết bị và vũ khí Mỹ, Manila cũng đang chú ý đến các nguồn cung mới như Hàn Quốc và Italia.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang gặp phải một đối thủ “đáng gờm” là Nga khi Moscow không giấu ý đồ muốn mở rộng thị phần vũ khí ở Đông Nam Á. Mới nhất là những động thái “mời chào” đối với Philippines và được Manila hướng ứng rất nhiệt tình.

RELATED ARTICLES

Tin mới