Có một thực tế đáng lo ngại: Không ít quốc gia tại lục địa đen đang chấp nhận “uống thuốc độc” để đổi lấy các khoản hỗ trợ phát triển từ Trung Quốc, thông qua việc cho phép xây dựng các nhà máy than công nghệ lỗi thời, gây bẩn môi trường.
Nhằm đảo ngược tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc đang chuyển đổi các nguồn cung năng lượng trong nước. Đáng nói là trong đó có cả việc “xuất khẩu” các ngành công nghiệp gây ô nhiễm sang châu Phi.
Không phải bây giờ, từ lâu châu Phi đã trở thành “mục tiêu nhòm ngó” của Trung Quốc. Để khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như thị trường tiêu thụ tiềm năng ở châu Phi, Trung Quốc không thể không đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng xập xệ ở lục địa đen.
Bắc Kinh đã chủ động khởi xướng và đảm nhận luôn vai trò đầu tư chính cho kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng và xây dựng mạng lưới đường sắt kết nối hầu hết các nước trong khu vực. Mục đích của chiến lược này, một mặt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển tài nguyên thiên nhiên tới các cảng biển và giảm đáng kể chi phí vận tải cho các nhà đầu tư Trung Quốc, mặt khác tạo thêm hàng triệu việc làm cho lao động Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi.
Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã bơm hàng tỷ đôla Mỹ vào châu Phi và không có dấu hiệu chậm lại, điều này rất đáng lo ngại đối với phương Tây, nhà báo kỳ cựu Andrew Malone người Anh cảnh báo. “Việc Trung Quốc đầu tư vào châu Phi gợi lên hình ảnh của thực dân phương Tây trong thế kỷ 18 và 19, nhưng trên một quy mô kịch tính và quyết đoán hơn nhiều”.
Mời bạn ghé thăm Kenya. Đây là một nước mà bờ biển được xem là “quốc bảo” phục vụ cho ngành thủy sản, du lịch, dân số nước này tăng rất nhanh. Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Chính phủ Kenya đã cam kết giảm 30% lượng phát thải CO2 vào năm 2030. Thế nhưng, Amu Coal – liên doanh gồm các công ty đầu tư và năng lượng của Kenya và Trung Quốc – chuẩn bị xây dựng một nhà máy than tại cửa biển Dodori Creek. Nhà máy này có thể là nguồn gây ô nhiễm riêng lẻ lớn nhất, làm tăng gấp đôi lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng của Kenya.
Còn ở Guinea, cũng vì muốn nhận khoản vay 20 tỉ USD mà hồi đầu tháng 9/2017 đã ký một thỏa thuận cho phép phía Trung Quốc tiếp cận các mỏ bô-xít dồi dào của quốc gia Tây Phi này.
Đến nay Trung Quốc là nhà tiêu thụ hàng đầu thế giới về bô-xít và nhu cầu bôxít của nước này dự đoán sẽ tiếp tục cao trong khoảng 15 năm tới. Trong khi đó các nước cung cấp bô-xít truyền thống như Úc, Indonesia và Ấn Độ đều đã giảm sản lượng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có mối quan ngại về môi trường và suy giảm chất lượng. Được biết bô-xít tại Ấn Độ chứa hàm lượng nhôm thấp, còn bôxít tại vùng Boke của Guinea có hàm lượng nhôm rất cao, lên tới khoảng 42- 45%.
Việc lao vào khai thác khoáng sản phá hoại môi trường của Trung Quốc đã lôi kéo nhiều quốc gia Tây Phi khác vào các thỏa thuận đổi chác tương tự như tại Guinea. Hồi tháng 6/2017, Ghana đã ký một bản ghi nhớ trị giá 10 tỉ USD để cho phép các công ty Trung Quốc phát triển ngành bô-xít ở đây. Theo đánh giá của Chính phủ Ghana, trữ lượng bô-xít của nước này trị giá khoảng 460 tỉ USD.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Ghana, nhưng Bắc kinh lại mang tiếng rất xấu vì quốc gia này. Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp tại Ghana, chủ yếu là khai thác vàng trái phép mà người dân địa phương tin là do các nhà điều hành và di dân người Trung Quốc đứng phía sau.
Tính từ năm 2005, gần 50.000 người Trung Quốc đã sang Ghana để tham gia vào chiến dịch săn vàng. Tính đến đầu tháng 9 vừa qua, giới chức Ghana đã bắt giữ 311 thợ mỏ bất hợp pháp (bao gồm 169 thợ mỏ người Trung Quốc), trong khi trục xuất hàng ngàn công dân Trung Quốc. Tuy có quy mô nhỏ, nhưng hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp tại đây đã góp phần gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng – trong đó có nạn phá rừng, hủy hoại các trang trại ca cao và gây nhiễm độc nguồn nước.