Để ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên, một giải pháp thực dụng được các nhà nghiên cứu nêu lên: Mỹ có thể đề xuất quân đội Trung Quốc tham gia cùng quân đội Mỹ trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và thậm chí là cả Triều Tiên có thể cùng tham gia các cuộc tuần tra đa phương để giám sát các hoạt động đánh bắt cá hoặc tìm kiếm cứu nạn.
Ngoại giao và đàm phán luôn là lựa chọn tối ưu trong việc giải quyết xung đột. Điều này cũng đúng trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, National Interest cho rằng, trước khi nêu lên những đề xuất này, người ta cần phải gạt bỏ hai sai lầm: Trước hết là cho rằng mọi nỗ lực đàm phán với Triều Tiên đều sẽ thất bại, kết luận bắt đầu có từ sau sự sụp đổ của Thỏa thuận khung năm 1994; hai là, “niềm tin” quá lớn đặt vào khả năng các đòn trừng phạt sẽ đủ sức ngăn chặn chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Giới ngoại giao Trung Quốc đang thực hiện các giải pháp kép. Họ rất tích cực thúc đẩy các giải pháp ngoại giao để giải tỏa thế bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoại trưởng Vương Nghị đã vạch ra kế hoạch tạm gọi là “đình chỉ kép”, theo đó Bình Nhưỡng sẽ dừng tất cả các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc đình chỉ kế hoạch tập trận song phương. Đáng tiếc là đề xuất này không nhận được sự quan tâm và cân nhắc thỏa đáng của giới chuyên gia trên truyền thông Mỹ.
Một đề xuất tương tự, nhưng toàn diện hơn, được gọi là “lộ trình kép” đã được hai học giả là Wang Sheng và Ling Shengli đưa ra trong một bài viết mang tính học thuật trên tạp chí Diễn đàn Đông Bắc Á. Điểm cốt lõi của đề xuất này là kết hợp mục tiêu phi hạt nhân hóa với một giải pháp khác dựa trên “cơ chế giảm thiểu thù địch – xây dựng hiệp ước hòa bình”.
Hai tác giả cho rằng tiến trình hòa bình cần được thúc đẩy một cách tuần tự theo 4 giai đoạn. Cụ thể: Một, Triều Tiên chấp nhận đình chỉ chương trình phát triển vũ khí để đổi lấy một số khoản bồi thường. Hai, giai đoạn này diễn ra từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Mỹ và Hàn Quốc hạn chế hoặc thậm chí là đình chỉ các cuộc tập trận, trong khi Triều Tiên chấp thuận công tác thanh sát và phi hạt nhân hóa. Ba, từ năm thứ 5 đến năm thứ 8 là thời điểm diễn ra các biện pháp tăng cường an ninh thông qua việc xúc tiến tiến trình phi hạt nhân hóa một cách bền vững, thiết lập các điều kiện để Triều Tiên trở thành một thành viên bình thường trong cộng đồng quốc tế. Bốn, từ năm thứ 8 đến năm thứ 13, các bên có thể ký kết một tạm ước hòa bình, và khi Triều Tiên tin tưởng hơn vào các nước láng giềng, nước này có thể đảm bảo các lợi ích quốc gia hiệu quả hơn bằng việc chú trọng hơn vào các mục tiêu kinh tế thay vì quân sự.
Tiến trình hòa bình nêu trên có những ưu điểm nhất định bởi nó chú trọng mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, song nghiêm túc hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh, kinh tế cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, giải pháp này thiếu tính cụ thể và nó phần nào phản ánh sự thất vọng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng khi kêu gọi nước láng giềng phi quân sự và “cởi mở hơn với thế giới”. Những mục tiêu ấy rất đáng hoan nghênh, nhưng lại thiếu thực tế khi hướng đến một thỏa thuận nhằm cải tổ mạnh mẽ quan điểm và hành động của bộ máy lãnh đạo ở Triều Tiên.
Một giải pháp thực dụng hơn: Mỹ có thể đề xuất quân đội Trung Quốc tham gia cùng quân đội Mỹ trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc và thậm chí là cả Triều Tiên có thể cùng tham gia các cuộc tuần tra đa phương để giám sát các hoạt động đánh bắt cá hoặc tìm kiếm cứu nạn.
Những bước tiếp theo trong giải pháp này sẽ là việc quân đội Mỹ tiến hành kế hoạch rút quân mang tính biểu tượng để đổi lấy việc Bắc Kinh và Bình Nhưỡng khôi phục hiệp ước quốc phòng 1961, cho phép quân đội Trung Quốc có thể quay lại Triều Tiên trong giới hạn nhất định.
Sau khi cán cân này đã được thiết lập, Mỹ và Triều Tiên có thể bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp, trong khi Trung Quốc giám sát kho hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nếu chương trình phát triển vũ khí đóng băng, hai bên có thể bắt đầu từng bước thiết lập quan hệ ngoại giao hoặc Trung Quốc và Hàn Quốc cũng có thể thúc đẩy một mối quan hệ quân sự. Cuối cùng, thành quả của giải pháp này có thể sẽ là việc Washington chấp thuận rút quân (dù không phải toàn bộ) khỏi Bán đảo Triều Tiên để đổi lấy tiến trình phi hạt nhân hóa (với các biện pháp ngăn chặn phổ biến) dưới sự giám sát của Trung Quốc.
Phi hạt nhân hóa đổi lấy các đảm bảo an ninh là giải pháp hoàn toàn khả thi . Quân đội Trung Quốc có thể được đưa đến Khu vực Phi Quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên. Nhiều chiến lược gia Trung Quốc cũng có chung quan điểm này và họ từng nhiều lần nhấn mạnh tới sức mạnh ngày càng tăng cũng như mong muốn bảo vệ Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên có thể ổn định nhờ việc khôi phục thế lưỡng cực với sự hiện diện của các cường quốc như trong giai đoạn những năm 1950. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của giải pháp này là Bình Nhưỡng có thể không đủ tin tưởng Bắc Kinh để chấp nhận đề xuất được Trung Quốc bảo vệ an ninh và đổi lấy việc phi hạt nhân.
Ngoài ra có thể tìm kiếm sự ủng hộ của một cường quốc quân sự khác, chẳng hạn như Nga, để thiết lập một nhóm các nước lớn bảo vệ Triều Tiên. Điều này là hoàn toàn có thể khi xét đến mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa Nga và Trung Quốc.
Hướng giải quyết này cũng có thể hiệu quả hơn nếu có được những “củ cà rốt” kinh tế, mà Nhật Bản hoàn toàn đủ khả năng trở thành một nhân tố hữu ích. Chắc chắn quốc gia thịnh vượng nhất Đông Bắc Á có thể hỗ trợ quốc gia nghèo nhất khu vực trong rất nhiều lĩnh vực, từ hạ tầng năng lượng, giao thông cho đến hệ thống chăm sóc sức khỏe. Giới lãnh đạo Nhật Bản đang rất không hài lòng khi tỷ lệ cử tri ủng hộ ngày càng giảm do những lo ngại về nguy cơ của cuộc khủng hoảng. Tokyo cần tăng cường các biện pháp răn đe để tăng giá trị cho các “phần thưởng” nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa, hoặc ít nhất là cũng ngăn chặn các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên.
Mỹ và Trung Quốc đã vấp phải nhiều thất bại trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, song các cường quốc khác, cụ thể là Nga và Nhật Bản, có thể có những quân bài quan trọng để làm dịu những căng thẳng này.