Hàn Quốc có thể thả các loại bom than nhằm làm tê liệt mạng lưới điện của Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Máy bay chiến đầu F-15K của Hàn Quốc thả bom trong một cuộc diễn tập. Ảnh: AP
Các nguồn tin quân sự nói với hãng tin Yonhap hôm 9-10 rằng bom than (còn gọi là “bom cắt điện”) hoạt động bằng cách truyền các sợi carbon graphite được xử lý hóa học khi phát nổ bên trên các nhà máy điện để gây đoản mạch và phá huỷ mạng lưới điện.
Loại vũ khí trên do Cơ quan Phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD) chế tạo, nằm trong chương trình tấn công phủ đầu “Kill Chain” của Seoul.
Với mục đích phát hiện, xác định và đánh chặn tên lửa đang bay tới trong thời gian ngắn nhất có thể, Kill Chain hoạt động với sự hỗ trợ của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa.
Một quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết: “Tất cả công nghệ phát triển bom than do ADD dẫn đầu đã được đảm bảo. Việc chế tạo bom than có thể tiến hành bất cứ lúc nào”.
Người này nói thêm Bộ Quốc phòng Hàn Quốc gần đây yêu cầu ngân sách 500 triệu won (436.000 USD) cho dự án vào năm tới nhưng Bộ Tài chính không đồng ý.
Bom than thường được gọi là “bom mềm” vì nó chỉ ảnh hưởng đến mạng lưới điện. Loại bom này không gây tử vong cho những người sống ở các khu vực xung quanh mục tiêu.
Bom than được Mỹ sử dụng đầu tiên để chống lại Iraq trong cuộc chiến vùng Vịnh 1990-1991 và một lần nữa bởi NATO chống lại Serbia vào năm 1999.
Thông tin Hàn Quốc định sử dụng bom than đến vào giữa thời điểm nước này công bố “3 trụ cột quốc phòng” dự kiến thực hiện trong vòng 3 năm, bắt đầu từ giữa những năm 2020.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “đấu khẩu” với Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua phương tiện truyền thông.
Ông Kim cũng vừa bổ nhiệm em gái Kim Yo-Jong vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Cô Kim, khoảng 28 tuổi, thường được nhìn thấy đi cùng anh trai trong các “chuyến đi hướng dẫn thực địa” cùng một số sự kiện khác. Em gái của ông Kim Jong-un còn được cho là đã tham gia vào các hoạt động tuyên truyền của Đảng.
Đây có thể xem là một dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang củng cố vị thế của mình bằng cách đặt những người thân và quan trọng nhất gần trung tâm quyền lực. Nhà nghiên cứu Moon Hong-sik tại Viện Chiến lược An ninh quốc gia (INSS), nói: “Vì cô ấy là nữ nên ông Kim Jong-un có thể không coi cô ấy là mối đe dọa cũng như thách thức sự lãnh đạo của mình. Với lợi thế ruột thịt, ông Kim Jong-un cho rằng Kim Yo-jong có thể tin tưởng”.
Cô Kim là người phụ nữ thứ hai sau bà Kim Kyong-hui – cô ruột nhà lãnh đạo Triều Tiên – được giao trọng trách trong bộ máy chính quyền.