Saturday, October 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNợ công/GDP Việt Nam: Tăng vốn để lấy tăng trưởng?

Nợ công/GDP Việt Nam: Tăng vốn để lấy tăng trưởng?

Tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm là một trong những nguyên nhân chi thường xuyên quá lớn, không tập trung cho phát triển kinh tế…Tư duy nhiệm kỳ

Báo cáo đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng nhanh và Việt Nam cũng là một trong những nước có  có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua).

WB nhận định, áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.

Không bất ngờ về nhận định của WB, chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nợ công Việt Nam nói chung và nợ nước ngoài nói riêng tăng nhanh. Điều đó xuất phát từ việc Việt Nam vẫn áp dụng mô hình tăng quy mô vốn để tăng trưởng kinh tế và đây chính là sự trì trệ của kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Bởi tư duy nhiệm kỳ cùng nhiều yếu tố khác mà dù cứ nói thay đổi cơ cấu kinh tế nhưng thực chất Việt Nam vẫn đầu tư theo chiều rộng, tăng cường đầu tư vốn để đổi lấy tăng trưởng.

“Hệ quả là đầu tư công của Việt Nam thời gian qua đã không đạt được hiệu quả như mong muốn, trong đó thất thoát, lãng phí rất  lớn, thậm chí một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng mức thất thoát của đầu tư công lên tới 40-50%. Lượng tiền thực tế đi vào nền kinh tế, sản xuất kinh doanh rất ít.

Cùng với đó, quá trình đầu tư của Việt Nam có quá nhiều vấn đề, dù quy trình thẩm định dự án, cách thức đầu tư, đòi hỏi quản lý giám sát Việt Nam đều có từ lâu.

Từ khi duyệt đầu tư đến khi đi vào hoạt động thực tế, nhiều dự án đều không có cơ sở pháp lý vững chắc, căn cứ khoa học đầy đủ nên bị thua lỗ, chưa nói những dự án không thể đi vào hoạt động. 

Đấy là do đã quá lơi lỏng, tắc trách trong quản lý đầu tư công, từ đó làm hoạt động đầu tư công không những không hiệu qủa mà còn gây thất thoát, lãng phí,  làm nền kinh tế phát triển không như mong muốn”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Phân tích sâu hơn, vị chuyên gia còn chỉ ra rằng, trong hoạt động đầu tư, Việt Nam đã làm ngược ở chỗ: lẽ ra các cấp có thẩm quyền cao nhất phải có trách nhiệm rà soát hoạt động đầu tư để có quyết định có nên đầu tư không, đầu tư thế nào, đầu tư dựa trên cở sở nào… Thế nhưng, cuối cùng họ lại lơi lỏng, đưa ra mức chi đầu bắt buộc để từ đó buộc các cơ quan tài chính, quản lý phải đi tìm vay để đáp ứng. Nói cách khác, việc đầu tư ở đây chỉ căn cứ theo nhu cầu, ý muốn chủ quan chứ không phải theo năng lực đang có hay nhu cầu của nền kinh tế. Chính việc làm đó đã đẩy nợ vay, kể cả nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng lên cao.

“Có nhiều người nói bởi chi thường xuyên lớn quá, chi đầu tư không có nên Việt Nam phải đi vay để đáp ứng nhu cầu phát triển. Điều đó đúng, nhưng tại sao không tính đến nước chỉ tiêu trong khoảng mà chúng ta có khả năng thu? Nhà nghèo thì phải tằn tiện, sao cứ vung tay quá trán, xây dựng công trình thật hoành tránh, thậm chí không cần rà soát?

Chưa kể, chi thường xuyên cũng có nhiều vấn đề, chẳng hạn việc mở rộng chính sách xã hội tới quá nhiều đối tượng, đặc biệt chi hành chính quá lớn. Cải cách hành chính ở Việt Nam càng nói, càng làm cuối cùng càng phình ra”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn.

Ông Thịnh nhấn mạnh nhiều lần về tư duy nhiệm kỳ, một nguyên nhân dẫn lớn khiến đầu tư công của Việt Nam trong những năm gần đây thiếu hiệu quả. Ai cũng muốn trong nhiệm kỳ của mình có được công trình tầm cỡ để lại cho đời sau, muốn có được sự biết ơn hay ủng hộ về mặt xã hội, hoặc muốn vụ lợi cho cá nhân hay lợi ích nhóm nào đó… Từ đó, dẫn tới chi thường xuyên lớn lên quá mức, chi đầu tư không tập trung vào việc phát triển nền kinh tế mà chỉ để ý đến phát triển các công trình thật to, các tượng đài, trụ sở thật lớn.

“Đã đến lúc cần nghiêm túc rà soát, xem xét các dự án đang dở dang để kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả hoặc chuyển đổi chúng, đồng thời siết chặt quá trình quản lý từ khâu xem xét, thẩm định quyết định đầu tư dự án đến các yêu cầu về mặt đầu tư phát triển để hướng nguồn lực ít ỏi của đầu tư công vào việc nâng cao năng lực sản xuất thật sự cho nền kinh tế chứ không phải làm như thời gian vừa qua.

Dĩ nhiên, việc này nói thì dễ nhưng làm thì khó, đòi hỏi sự quyết tâm của các cơ quan, ban ngành, từ cấp cao nhất, trong đó phải có việc siết chặt kỷ cương, nề nếp của các cơ quan công quyền, những cơ quan thẩm định, xét duyệt kế hoạch đầu tư và phải quy trách nhiệm rõ ràng”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Tăng trưởng thế nào để giải quyết nợ công?

Trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, Việt Nam đang dùng nhiều biện pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cả năm 2017, trong đó có biện pháp tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21-22%.

Nhiều chuyên gia kinh tế và cả các định chế tài chính quốc tế đã bày tỏ lo lắng về tính khả thi của biện pháp này cũng như cảnh báo nó chỉ làm tăng thêm nợ xấu. 

Đặt câu hỏi: Cách thức tăng trưởng này có giải quyết được vấn đề nợ công và áp lực trả nợ của Việt Nam hay không?, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: khi kinh tế tăng trưởng thì Việt Nam sẽ có cơ hội để trả nợ công. Tuy nhiên, tăng trưởng như hiện nay của Việt Nam lại có vấn đề, như ông đã đề cập, đó là tăng trưởng vẫn theo hình thức cũ, mở rộng đầu tư vốn để đạt tăng trưởng.

“Nếu nới lỏng chi tiêu công, về lâu dài, là nguồn cơn gây thâm thủng ngân sách nhà nước. Khi ấy sẽ phải đi vay để bù đắp và nó sẽ đẩy nợ công nói chung và nợ nước ngoài nói riêng lên cao, dẫn đến khả năng khó trả nợ, thậm chí không trả được nợ.

Nếu tiếp tục mở rộng tín dụng, đó là việc làm cần thiết để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng, nhưng đi kèm đó là nhiều vấn đề. Khi nới lỏng tín dụng sẽ dẫn đến việc cho vay dễ dàng hơn, khả năng xuất hiện nợ xấu lớn hơn và thực tế cho thấy mức nợ xấu đã tăng lên.

Mở rộng tín dụng cũng đẩy lạm phát tăng cao và lạm phát những tháng vừa qua đã có chiều hướng tăng lên.

Nếu Việt Nam không thay đổi mô hình đầu tư phát triển sản xuất kiểu cũ sang mô hình phát triển dùng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao áp dụng vào sản xuất thì khó phát triển bền vững, nguy cơ lạm phát, vỡ nợ… sẽ xảy ra trong thời gian không xa. 

Hiện giới hạn về nợ công, nợ nước ngoài của Việt nam đang mấp mé các chỉ số nguy hiểm. Nếu tiếp tục kéo dài như hiện nay, chỉ cần 2-3 năm tới chúng sẽ thành vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế và lúc đó Việt Nam sẽ phải trả cái giá rất đắt cho việc làm cuả ngày hôm nay.

Vì thế cần theo dõi chặt chẽ và có các biện pháp điều chỉnh kèm theo nhằm giảm thiểu tác hại của hoạt động đầu tư theo mô hình cũ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Từ đây, ông kết luận, việc Việt Nam cần phải làm ngay là cải cách hành chính, cắt giảm các nhân sự thừa, giảm thiểu các chức danh không phù hợp đang bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.

Để trả được nợ vay cần phải có được nguồn thu để thực hiện việc trả nợ. Nguồn thu này đến từ nhiều cách, mà cách đầu tiên và tốt nhất là phát triển, tăng trưởng kinh tế. Nhưng việc này rất khó, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực đổi mới mô hình phát triển kinh tế thì mới đạt hiệu quả, còn đẩy mạnh đầu tư theo chiều rộng như đã làm trong thời gian qua thì có thể gặp nhiều rủi ro và cú sốc lớn trong tương lai gần.

Phải có quyết tâm về thu hút đầu tư nước ngoài. Ở đây, phải cân đong, đo đếm lợi ích, hiệu quả của thu hút đầu tư nước ngoài, có như vậy mới làm đầu tư nước ngoài trở thành động lực và có tính lan tỏa trong nền kinh tế, làm cho nền kinh tế phát triển và nhiều doanh nghiệp trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phải xem xét việc xử lý các DNNN để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này. Việc cải tổ cơ chế quản lý DNNN là bài toán khó khăn nhưng phải làm, cùng với hoạt động đẩy mạnh cổ phần hóa, thậm chí bán DNNN không cần nắm để có nguồn tiền để kinh doanh.

Việt Nam phải tính chuyện đi vay để trả nợ vay nhưng phải cân nhắc, tính oán để việc tái cấu trúc nợ vay nằm trong khuôn khổ, giới hạnh chấp nhận được.

Cuối cùng, động lực của nền kinh tế thị trường vẫn là sự phát triển của kinh tế tư nhân. Việc cổ phần hóa, bán doanh nghiệp cho khu vực tư nhân, đặt ra các yêu cầu về thủ tục hành chính, giảm điều kiện kinh doanh phải hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tư nhân phát huy được hiệu quả, đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới