Việc cho thôi chức những nhân sự chủ chốt trong DNNN chỉ là nhất thời và chưa đủ, điều quan trọng là thay đổi cách thức vận hành của chúng.
Trước hiện tượng nhân sự chủ chốt ở nhiều DNNN thôi chức trong bối cảnh những người này có liên quan hoặc chịu trách nhiệm về việc để cho nhiều đơn vị trong ngành làm ăn thua lỗ trong thời gian dài, trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia đã bày tỏ quan điểm của mình.
GS.TS Lê Sỹ Thiệp, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước về kinh tế, Học viện Hành chính quốc gia, coi hiện tượng này là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy những cán bộ viên chức trên rất thức thời.
“Họ nhận ra rằng lúc này dù có không thôi chức trong các DNNN thì khi thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu qủa DNNN thì họ cũng bị điều động đi đâu đó. Bởi khi đó sẽ có nhiều DNNN bị xóa sổ vì Nhà nước không cần giữ chúng do nhiều ăn làm ăn lẹt đẹt và kinh tế tư nhân có thể đảm nhận tốt việc của các DNNN này.
Thậm chí, lúc này thôi chức là thời điểm có lợi nhất cho họ vì còn kịp chớp thời cơ lập doanh nghiệp tư nhân của riêng mình, chứ đợi đến khi Nghị quyết 12-NQ/TW nói trên được nhiều tư nhân khác vào cuộc mà mình mới thôi chức và mở doanh nghiệp tư thì có thể thành “trâu chậm uống nước đục”.
Chưa nói rằng, lúc đó thì các “chiến hữu quan trường” của họ trong các cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, cấp phép kinh doanh cũng về hưu hết”, vị chuyên gia đặt giả định.
Ông cũng cho rằng, có thể trong hiện tượng thôi chức trên có những cán bộ nhân viên “có tật giật mình”, sợ những sai phạm của họ bị lộ ra nên nghỉ trước là hơn cả.
“Khi một số nhân sự chủ chốt trong bộ máy quản trị kinh doanh các DNNN xin thôi chức và được sự chấp nhận của lãnh đạo Bộ Công thương thì việc ấy không có gì sai nếu những nhân sự đó không sai phạm gì khi phụ trách các DNNN hoặc có sai phạm nhưng chưa nằm trong trình tự tố tụng hay trình tự xử lý kỷ luật Đảng.
Tuy nhiên, nếu họ có sai phạm khi đang lãnh đạo các tổng công ty nhà nước và đang trong trình tự xử lý của Đảng và Nhà nước mà lãnh đạo Bộ Công thương chấp nhận thì không thể gọi đó là cách “hạ cánh an toàn”, GS.TS Lê Sỹ Thiệp bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, cũng đánh giá về hiện tượng này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế Việt Nam, hệ thống doanh nghiệp chủ yếu là DNNN rất lớn và có nhiều cơ hội để biến tài sản, nguồn lực trong đó thành nguồn lợi cá nhân.
“Cả thời kỳ dài, các phe cánh có thể che đậy cho nhau được. Tuy nhiên, khi Đảng và Chính phủ thể hiện sự quyết tâm trong việc chống tham nhũng thì các lợi ích nhóm bị bộc lộ ra và xộc xệch đi, dẫn tới việc nhiều nhân sự chủ chốt trong DNNN xin thôi chức”.
Dù vậy, ông khẳng định, việc thay thế lãnh đạo cấp cao ở nhiều DNNN chưa thể coi là giải pháp làm trong sạch bộ máy. Bởi thế, PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ, đối với những DNNN có kết quả sản xuất kinh doanh lẹt đẹt, việc cho thôi chức lãnh đạo là chưa đủ.
“Thay thế chẳng qua chỉ là nhất thời. Hiện nay năng suất, hiệu quả của nền kinh tế rất thấp, không thể thoát được trạng thái nước thu nhập trung bình, các nguồn lực bị xâm hại.
Chính vì thế, để trị dứt điểm căn bệnh ung thư, phải bắt đầu từ một cuộc cách mạng thay đổi một cách căn bản.
Thị trường phải có lợi nhuận, lợi nhuận ấy dựa trên cơ sở của một hệ thống thị trường phát triển, đảm bảo cho nguồn lực được phân bổ, sử dụng tốt và quan trọng nhất là hệ thống doanh nghiệp phải được đảm bảo nguồn lực để phát triển”, vị chuyên gia nhấn mạnh.