Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 12/10

Bản tin Biển Đông ngày 12/10

Bản tin Biển Đông ngày 12/10/2017.

Trung Quốc phản đối tàu chiến Mỹ hoạt động tại khu vực Hoàng Sa

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/10/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phản đối hoạt động của tàu khu trục tên lửa Chafee của Mỹ trong phạm vi 16 hải lý từ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Lấy lý do tàu Mỹ thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” mà “không được sự đồng ý của Trung Quốc”, Bắc Kinh ngay lập tức điều tàu hải quân và máy bay chiến đấu ra để xác minh và xua đuổi tàu Chafee. Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng hành động của Mỹ đã xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa theo luật quốc tế và pháp luật của Trung Quốc mà bà liệt kê ra là Luật về Lãnh hải và Vùng đặc quyền kinh tế năm 1996, trong đó xác định “đường cơ sở thẳng” quanh quần đảo này. Phát biểu của bà Hoa nực cười ở chỗ “đường cơ sở thẳng” mà Trung Quốc vẽ ra quanh quần đảo này là trái với Công ước Luật Biển 1982 và đã bị nhiều quốc gia trên thế giới phản đối.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 11/10, các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã có chính sách thực hiện “tự do hàng hải” hàng thập kỷ nay; hoạt động của tàu Chafee lần này sẽ làm phật lòng Bắc Kinh, nhưng sẽ không ảnh hưởng gì tới chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump đến Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực.

Trong khi đó, trả lời USNI News, Người phát ngôn Lầu Năm góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không thảo luận về các hoạt động “tự do hàng hải” trước khi công bố báo cáo hàng năm về tất cả các hoạt động trên thế giới.

Thách thức Trung Quốc ở Biển Đông bằng tấm gương dân chủ

Ngày 11/10, tờ National Interests đăng bài viết “Thách thức Trung Quốc ở Biển Đông bằng tấm gương dân chủ”.

Bài viết cho biết, theo kế hoạch, trong tháng này Australia và Timor-Leste sẽ ký thỏa thuận phân định biển thông qua việc lần đầu tiên sử dụng cơ chế hòa giải bắt buộc theo Công ước Luật Biển 1982. Cơ chế này cũng sẽ giúp dẫn đến thành công trong việc đàm phán vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước. Hai thành tựu này sẽ thúc đẩy một hình thái mà thể chế hóa việc ủng hộ các ý tưởng dân chủ, các giải pháp dựa trên cơ chế hòa giải và các chuẩn mực quốc tế. Điều này sẽ thách thức các yêu sách lãnh thổ đơn phương, một chiều của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo tác giả bài viết, ở Biển Đông hiện đang thiếu một cơ chế dân chủ chung và cách Trung Quốc diễn giải ranh giới biển của mình đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trường hợp của Australia, Indonesia và Timor-Leste đã thách thức lập luận nguyên tắc của Trung Quốc về việc các tranh chấp nên được giải quyết bằng cách các quốc gia yếu hơn chấp thuận với yêu cầu của quốc gia mạnh hơn, bất chấp ý kiến của các bên trung gian, trọng tài quốc tế hay hòa giải. Hơn nữa, việc Timor-Leste đề xuất sử dụng cơ chế hòa giải của Công ước Luật Biển 1982 đã đập lại việc Trung Quốc phản đối phương thức trọng tài hay trung gian ở Biển Đông. Australia và Timor-Leste chính là bằng chứng trực tiếp khẳng định phương thức hòa giải có tác dụng, giúp xây dựng lòng tin và thiện chí giữa các quốc gia, tăng cường ổn định khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới