Ngày 16 tháng 6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã thông báo rằng: “Theo kế hoạch, các dự án xây dựng và cải tạo của Trung Quốc trên một số đảo và các rạn san hô tại quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) sẽ được hoàn thành trong những ngày sắp tới”. Ông ta cũng lưu ý rằng sau khi việc cải tạo đã được hoàn tất, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng các hạng mục khác trên các “đảo” đó
Ý đồ của Trung Quốc trên Biển đông
Trên chuyên trang AMTI của CSIS cho biết theo dõi thông qua hình ảnh vệ tinh thì Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng và cải tạo trên hai cấu trúc địa lý, ba cấu trúc sắp hoàn thành và hai cấu trúc vẫn tiếp tục được Trung Quốc xây dựng, bồi đắp.
Cho đến nay, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng trên Đá Gạc Ma và Đá Chữ Thập. Còn tại Đá Vành Khăn và Đá Su Bi thì việc xây dựng vẫn chưa có dấu hiệu hoàn tất. Nếu Trung Quốc cho dừng hoạt động cải tạo, xây dựng trên Đá Vành Khăn và Đá Su Bi thì có thể thấy sự thay đổi chính sách của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là sự thay đổi từ tuyên bố chứ không phải là sự thay đổi từ chính sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Vậy thì vấn đề đặt ra là tại sao Trung Quốc lại tuyên bố sắp hoàn tất việc cải tạo, bồi đắp các cấu trúc trên Biển Đông như vậy vào thời điểm này?
Trung Quốc luôn là bậc thầy trong việc lựa chọn thời điểm hành động. Chúng ta không thể quên sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm ngoái và sau đó gần hai tháng đã cho rút. Cả thời điểm hạ đặt và rút giàn khoan đều là những thời điểm đã được Trung Quốc tính toán sít sao.
Và lần này cũng vậy, theo nhiều chuyên gia phân tích của Mỹ đăng tải trên CSIS, việc thông báo này của Trung Quốc diễn ra trong một bối cảnh như sau:
– Cho đến nay, Trung Quốc đã sắp sửa hoàn tất việc xây dựng cơ bản, sau đó họ tiếp tục lắp đặt các thiết bị mới, tức vào giai đoạn hoàn thiện. Việc hoàn thành xây dựng cơ bản (theo vệ tinh cho thấy) thì mới chỉ xong ở 2 vị trí Gạc Ma và Chữ Thập, còn các vị trí khác vẫn đang tiếp tục.
– Từ ngày 22 đến 24 tháng 6 diễn ra Diễn đàn kinh tế và chiến lược lần thứ 7 giữa Mỹ và Trung Quốc có sự tham dự của Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Liew, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Yang Jiechi, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Wang Yang. Ngoài ra sẽ có 1 diễn đàn phụ thảo luận về an ninh hàng hải có sự tham dự của người đứng đầu ban quản trị Hải dương Trung Quốc tham dự. Thông báo này có khả năng dọn đường cho những cuộc thảo luận có ý nghĩa hơn theo kênh này.
– Thêm vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang thăm Mỹ vào tháng 9. Trung Quốc muốn đảm bảo sự thành công tốt đẹp cho chuyến thăm của ông ta, tránh xảy ra cãi cọ, vì phía Mỹ hiện tỏ ra phản đối quyết liệt hành động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc.
– Trung Quốc cũng cảm thấy rằng đây là thông báo chiến thuật nhằm gây áp lực kịp thời đối với cuộc bầu cử sắp tới tại Philippines và Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 sắp diễn ra vào năm 2016. Tổng thống Philippines cũng chưa thuyết phục được việc thông qua bản Thỏa thuận hợp tác quốc phòng mở rộng EDCA với Mỹ từ Tòa án tối cao Philippines và Bắc Kinh có lẽ đang muốn sử dụng cách này làm chậm lại việc thông qua này. Bằng cách áp lực cứng rắn trong suốt các chu kỳ chính trị của 2 nước (Việt Nam và Philippines). Bắc Kinh tin rằng họ có thể tránh được việc tạo ra lợi thế chính trị cho các phe cánh cứng rắn, chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc giành được chính quyền ở cả Việt Nam và Philippines.
– Ngoài ra, theo tờ Diplomat còn bổ sung thêm một ý đó là đầu tháng 7, Toà Trọng tài theo phụ lục VII UNCLOS bắt đầu tiến hành các phiên điều trần chính thức giữa các bên tranh chấp trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Toà này. Đã có thẩm phán Philippines kêu gọi chính quyền Philippines yêu cầu Toà trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng tại các cấu trúc trên Biển Đông để chờ Toà tuyên án. Chính vì vậy, để tránh việc đối đầu với quyết định của Toà, Trung Quốc đã đi trước một bước bằng cách tuyên bố việc xây dựng đã hoàn tất.
Như vậy, qua các phân tích trên, chúng ta có thể thấy, việc thông báo sắp hoàn thành việc xây dựng của Trung Quốc trên các cấu trúc tại Biển Đông chỉ là một bước đánh lừa dư luận, tránh đối đầu với Mỹ và tạo những áp lực lên không khí chính trị của các quốc gia có tranh chấp trực tiếp và đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông như Việt Nam, Philippines.
Sau khi Trung Quốc hoàn tất việc cải tạo, xây dựng này, họ sẽ tiếp tục biến chúng thành các căn cứ quân sự và tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục nóng lên từng ngày.