Nhiều người đang lo ngại về khả năng xảy ra xung đột Mỹ – Trung trên Biển Đông. Mỹ và nhiều quốc gia đã chỉ trích Trung Quốc về hành động xâm lấn, bồi đắp các “đảo” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ tuần tra trên Biển Đông
Tại diễn đàn Shangri – La, ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã đả kích đích danh Trung Quốc về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo nguy hiểm tại khu vực Trường Sa. Ông nói: “Trung Quốc đã cải tạo, bồi đắp 2000 mẫu (khoảng 800 héc – ta), nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại, chỉ trong vòng 18 tháng. Và không rõ Trung Quốc còn tiếp tục làm bao nhiêu nữa”. Ông nhấn mạnh: “Biến một khối đá chìm dưới mực nước biển trở thành một sân bay không có nghĩa là có được quyền chủ quyền và không cho phép hạn chế việc qua lại trên không phận và vùng biển quốc tế”. Ông ta cũng khẳng định rằng Trung Quốc đã vi phạm tới luật quốc tế, các hoạt động cải tạo đảo của Bắc Kinh là “chưa từng có tiền lệ”. Ông ta khẳng định Mỹ và các nước trong khu vực hết sức quan ngại về kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông kêu gọi các quốc gia cùng nỗ lực bảo đảm hoà bình và tự do hàng hải trong khu vực.
Trong bài diễn văn của mình, Bộ trưởng Carter cũng thông báo một chương trình hỗ trợ mới cho khu vực, theo đó, Mỹ sẽ cung cấp ngân khoản 425 triệu USD nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á nâng cao khả năng hải quân và bảo vệ bờ biển.
Không chỉ Mỹ, mà Nhật và Australia cũng lên án Trung Quốc làm tổn hại an ninh Châu Á – Thái Bình Dương với các hành vi xây dựng, lấn chiếm ở Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động bồi đắp đảo này.
Đáp lại, Trung Quốc đã kịch liệt bác bỏ chỉ trích của Mỹ về hành động lấp biển chiếm đất ở Biển Đông, tố cáo Mỹ thổi phồng vấn đề Biển Đông. Ngày 31/5, Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri – La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc đã nhắc lại luận điểm cố hữu của Bắc Kinh là hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trên các đảo đá mà họ chiếm đóng tại vùng Trường Sa đều “chính đáng” và mang tính chất “hòa bình”.
Không chỉ dừng lại ở việc bồi đắp, lấn đảo, Trung Quốc còn có những hành vi gây đe dọa nghiêm trọng tới an ninh khu vực. Các vệ tinh và máy bay trinh sát của Mỹ đã phát hiện ra các khẩu pháo di động trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đang tôn tạo ở Biển Đông khoảng một tháng trước đây. Hiện nay các khẩu pháo này đã được di chuyển hoặc giấu đi.
Mỹ cũng cho biết các vũ khí này không gây đe dọa cho các máy bay và lực lượng hải quân của Mỹ ở khu vực nhưng có thể bắn tới một số đảo do các nước khác kiểm soát ở gần đó.
Thượng Nghị sĩ McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Mỹ, cho biết việc Trung Quốc triển khai pháo trên các đảo này là “diễn biến leo thang và gây lo ngại”; các hành động này là vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ bị lên án. Mỹ không muốn có xung đột với Trung Quốc nhưng Mỹ có thể có những hành động để ngăn Trung Quốc tiếp tục có những hành động như vậy.
Trong khi đó, Nhật và EU cũng lên án Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông. Ngày 29/5, sau khi họp thượng đỉnh tại Tokyo, EU và Nhật Bản đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan tâm về những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Sự kiện Trung Quốc bồi đắp mở rộng diện tích các bãi đá ở vùng biển tranh chấp Trường Sa đã kích động tình trạng căng thẳng trong khu vực. EU và Nhật Bản kêu gọi tất cả các các bên tự chế các hành động đơn phương, kể cả sự đe dọa đối đầu và sử dụng vũ lực.
Phía Mỹ đã đưa ra những gợi ý cho một kế hoạch nhằm tìm kiếm hoà bình và ổn định cho khu vực Biển Đông, đó là:
Đầu tiên, là phải có một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Do vậy, mọi bên tranh chấp phải dừng ngay lập tức và vĩnh viễn các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Mỹ phản đối việc tiếp tục bất cứ hoạt động quân sự hóa nào trong khu vực. Một cách cụ thể là ASEAN và Trung Quốc nên ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử “ngay trong năm nay”. Mỹ sẽ ủng hộ quyền của các bên tranh chấp viện đến trọng tài pháp lý quốc tế và dùng các biện pháp hòa bình khác để giải quyết tranh chấp. Mỹ cũng chống lại các sách lược cưỡng chế.
Thứ hai, Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các nguyên tắc về tự do hàng không và hàng hải… Ông Carter cảnh báo: “Mỹ sẽ đến nơi, bằng máy bay, bằng tàu, và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép… Dẫu sao thì biến một hòn đá ngầm thành sân bay không thể mang lại quyền chủ quyền và cho phép (một nước) hạn chế quyền tự do hàng không quốc tế hay quyền quá cảnh trên biển”.
Điểm cuối cùng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh là cần phải dựa vào các kiến trúc an ninh trong vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Theo ông Carter, với những hành động của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đã lệch pha với cả các quy tắc quốc tế lẫn chuẩn mực an ninh khu vực vốn chủ trương giải pháp ngoại giao và phản đối hành vi cưỡng chế.
Theo lời ông Ashton Carter, Mỹ sẽ luôn sát cánh cùng các đồng minh và đối tác. Mỹ muốn chứng tỏ cho khu vực hiểu rằng nước Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực, vẫn tiếp tục đấu tranh cho luật pháp quốc tế và các nguyên tắc phổ quát… và mang lại an ninh và ổn định cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới đây.
Đánh giá về các hành động gần đây của Mỹ về vấn đề Biển Đông, bà Phương Nguyễn, một nhà nghiên cứu của CSIS có trụ sở đặt tại Washington cho rằng đây là một diễn tiến thuận lợi, nhưng đồng thời cũng tăng rủi ro xảy ra khả năng dẫn tới xung đột Trung – Mỹ trên Biển Đông. “Rốt cuộc Mỹ đang xem xét việc đóng một vai trò lớn hơn trong Biển Đông, không những chỉ để giúp các nước trong khu vực tăng cường khả năng quân sự của họ, mà còn để khẳng định với Trung Quốc rằng các nước, kể cả Mỹ, có quyền tự do hàng hải trong các vùng biển này. Việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đi thăm khu vực lần thứ hai sau khi lên nhậm chức, là một điểm tích cực”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Mỹ nói mạnh ở Biển Đông nhưng chưa làm mạnh. Đây chính là phân tích của Giáo sư Chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại học George Mason, Mỹ. Đối với giáo sư Hùng, Một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến Mỹ chưa thể “làm mạnh” được trong vấn đề Biển Đông, chính là vì tình trạng còn chia rẽ trong khối ASEAN, kèm theo là thái độ còn “rón rén” của nhiều nước, bị Trung Quốc chèn ép, nhưng không dám trực diện đối đầu. Đông Nam Á chỉ muốn Mỹ bênh vực họ, nhưng lại không chịu gánh thêm trách nhiệm.
Tuy vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khả năng xảy ra chiến tranh Trung Mỹ trên Biển Đông rất khó xảy ra, bởi vì:
Cho đến nay, Mỹ mới chỉ tuyên bố về khả năng sẽ cho tàu chiến và máy bay tuần tra trong vùng 12 hải lý của các cấu trúc mà Trung Quốc đang xâm lấn, bồi đắp ở Trường Sa, nhưng chưa thực hiện. Như giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đã phân tích, Mỹ nói nhiều hơn là làm.
Nếu xảy ra đụng độ, với tiềm lực hải quân và không quân của mình, Mỹ sẽ chiếm ưu thế hơn Trung Quốc nhiều, nên Trung Quốc sẽ cố gắng để tránh đối đầu quân sự trên biển với Mỹ.
Tuy nhiên, nếu xảy ra đụng độ, cả hai bên đều bị thiệt hại, vì thế, cả hai đều biết rằng đến điểm nào thì dừng lại, cho nên cả hai bên vẫn chỉ đang là “đấu võ mồm” nhiều hơn là khả để xảy ra đụng độ.