Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu Trung Quốc có chiếm được Biển Đông?

Liệu Trung Quốc có chiếm được Biển Đông?

Thông tin từ Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cuối tháng 3/2015 cho biết tính đến thời điểm hiện tại Trung Quốc đã mở rộng diện tích căn cứ quân sự tại Trường Sa lên tới hơn 4 km2, tương đương diện tích của 85 tổ hợp mua sắm Tokyo Dome nổi tiếng của Nhật Bản. Trung Quốc đã đưa xe ủi đất và tàu nạo vét đến 7 bãi đá mà nước này chiếm đóng và quản lý trái phép. Bắc Kinh đang rắp tâm dựng lên bức “Vạn lý trường thành trên biển” nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các quốc khác. Mặt khác, có thể gọi căn cứ quân sự trên Biển Đông là một dạng “tàu sân bay không chìm” hay “tàu tấn công đổ bộ không chìm” nhằm tăng cường sức tấn công mạnh mẽ cho hải quân Trung Quốc.



Ba hướng triển khai hải quân của Mỹ đối phó Trung Quốc ở Biển Đông –

Nếu Bắc Kinh cho bố trí một đơn vị chiến đấu thủy quân lục chiến, rađa theo dõi các căn cứ quân sự của nước khác, máy bay chiến đấu, tàu chiến các loại, trực thăng chống hạm và chống ngầm, tên lửa đối hạm và đối không thì cục diện quân sự trên Biển Đông sẽ có thay đổi mang tính đột biến có lợi cho Trung Quốc. Hành động này sẽ góp phần làm hao mòn ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông và đe dọa các nước xung quanh khu vực vốn yếu kém về năng lực hải quân và không quân, khiến Washington không thể dễ dàng can thiệp khi xảy ra bất trắc. Ngược lại, Bắc Kinh sẽ chi phối và uy hiếp trên phương diện kinh tế đối với các nước, mà trước tiên là Nhật Bản, tại vùng biển trọng yếu có các tuyến hàng hải huyết mạch trung chuyển năng lượng và lương thực của cả thế giới nếu xuất hiện “7 hạm đội” với trung tâm là các “tàu sân bay và tàu đổ bộ không thể chìm” này. Bắc Kinh sẽ có thể sử dụng sức mạnh quân sự và bán quân sự để hỗ trợ cho các ngư dân Trung Quốc, mà thực tế là các dân binh trên biển, hung ác và tàn bạo nhằm khai thác triệt để tài nguyên trong khu vực.

Một số người cho rằng “Vạn lý trường thành trên Biển Đông” tạo ra sự uy hiếp bằng vũ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của quân đội Mỹ. Nếu Bắc Kinh thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) gần như toàn bộ Biển Đông và các máy bay chiến đấu có đủ năng lực cất cánh từ các tàu sân bay bằng bê tông này thì công trình “Vạn lý trường thành” về cơ bản đã hoàn thành.

Trong khi san lấp các bãi đá, Trung Quốc đã cho đào xới cát, san hô và bãi đá ở khu vực xung quanh, đổ bê tông và phá hoại nghiêm trọng môi trường ở khu vực này. Chỉ với riêng một cơ sở quân sự, hàng triệu tấn đất cát trong khu vực bị xới tung.

Các công trình này do các công nhân và công binh Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, thông tin từ phía Philippines cho biết các quan chức lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc đã bòn rút tiền kinh phí xây dựng công trình này, ăn bớt một số sắt thép và xi măng xây dựng cho công trình. Với sự tham nhũng dẫn đến chất lượng thấp của công trình như vậy thì “tàu sân bay không chìm” cũng có thể sẽ trở thành “tàu sân bay tự sát”.

Những cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm giữ, đặc biệt là tại các cấu trúc mà Bắc Kinh đang tiến hành các hoạt động cải tạo đất đều là bãi ngầm, chìm dưới mực nước biển. Đây là những cấu trúc chỉ được hưởng những quy chế thấp nhất trong UNCLOS, thậm chí không có 12 hải lý. Theo thông tin của CSIS cho biết, đối với 7 cấu trúc san hô mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo thì rõ ràng là không chỉ có mục tiêu dân sự mà còn có mục tiêu quân sự bởi nó có đủ cả bãi đỗ cho máy bay, bệ phóng tên lửa và thậm chí còn là những đài chỉ huy cho “Con đường tơ lụa trên biển” trong tương lai. Với sự hiện diện của các căn cứ quân sự đồn trú trên 7 đảo này thì phương tiện quân sự của Trung Quốc có thể sẽ vươn tới Australia.

Một điểm khác mà dư luận cần chỉ trích Trung Quốc là hoạt động cải tạo của Trung Quốc đang hủy hoại môi trường. Những đảo này phải mất đến 30 triệu năm mới hình thành, là kết quả của sự kiến tạo địa lý do núi lửa và thuộc di sản chung của nhân loại vì nằm trên khu vực biển khơi. Như thế, để hình thành những đảo đó phải cần tới 30 triệu năm, nhưng Trung Quốc chỉ mất 2 tháng để phá hủy hoàn toàn. Đó là điều mà tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, kể cả các quốc gia không có biển (như Thụy Sỹ), cần phải lên tiếng phản đối. Hoạt động cải tạo của của Trung Quốc là vi phạm UNCLOS theo các Điều 60, 87 và 90. Vì thế, tất cả các nước có cơ sở để can dự.

Bên cạnh đó, hiện không có cơ sở pháp lý nào cho cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc nên có thể nói Bắc Kinh đang tiến hành một “vụ trộm” ở tầm cỡ toàn cầu đối với di sản của nhân loại. Kinh nghiệm trong lịch sử cho thấy rằng thế giới không nên để cho Trung Quốc được phép viết lại luật quốc tế theo cách của họ.

Trung Quốc vẫn nói là khuyến khích các bên “gác tranh chấp cùng khai thác”, nhưng thực tế Trung Quốc lại thể hiện quan điểm bá quyền nước lớn. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng nói thẳng rằng Trung Quốc là nước lớn, còn tất cả các nước khác đều là nước nhỏ. Từ xuất phát điểm đó, Trung Quốc yêu cầu “gác tranh chấp cùng khai thác”, nhưng vấn đề là các nước phải nhượng bộ chủ quyền cho Trung Quốc. Đó là điều mà các quốc gia khác không thể chấp nhận. Thực ra, tất cả các nước đều hiểu Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành “Vùng đất Thánh” để làm nơi ẩn náu lý tưởng cho các phương tiện quân sự. Theo dự báo của ông Antonio T. Carpio, thẩm phán Toà án tối cao Philippines, Trung Quốc sẽ có tuyên bố về “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông ngay sau khi họ hoàn thành căn cứ quân sự ở bãi cạn Scarborough.

Với việc gia tăng sự có mặt ở Trường Sa, Trung Quốc có thể áp đặt cách giải quyết của mình về các tranh chấp biển đối với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền khác. Điều này sẽ dẫn đến việc các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền tự nguyện đầu hàng và công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể đề xuất thiết lập các mối quan hệ hữu hảo và chào mời các lợi ích về thương mại và đầu tư trong các dự án cơ sở hạ tầng thông qua ngân hàng AIIB vừa thành lập. Bất chấp sức ép Trung Quốc đang áp đặt lên các nước ASEAN, Trung Quốc không chắc sẽ đạt được mục tiêu. Các Hiệp định Philippines ký với Mỹ về thăm viếng quân sự (1999) và tăng cường hợp tác quốc phòng (2014) cho phép Hải quân Mỹ được tiếp cận các cảng biển của Philippines và quân đội Mỹ luân phiên đồn trú tại các cơ sở quân sự và sân bay quân sự của Philippines. Việt Nam cũng phát triển quan hệ an ninh với Mỹ trong thập kỷ qua nhằm cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Do có vị trí địa lý gần Trung Quốc nên Việt Nam không thể thiết lập quan hệ an ninh quá gần gũi với Mỹ, nhưng Chính quyền Việt Nam hy vọng mối quan hệ với Mỹ sẽ có tác dụng kiềm chế Trung Quốc.

Trước đây Indonesia và Malaysia có vẻ đứng ngoài cuộc, nhưng các hành động của Trung Quốc ở khu vực đã khiến các nước này lo ngại. Malaysia đã phản ứng mạnh lên khi tàu tuần tra Trung Quốc đến bãi Tăng Mẫu (James Shoal), điểm cực Nam Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thuộc vùng lãnh thổ của Malaysia. Lãnh đạo Malaysia về công khai vẫn tỏ ra thân Trung Quốc nhưng giới quân sự Malaysia rất lo ngại. Malaysia đang dự định xây một căn cứ hải quân ở Bintulu, Sarawak, gần bãi Tăng Mẫu. Bộ Quốc phòng Malaysia đang nhờ Mỹ hỗ trợ và đào tạo để phát triển lực lượng hải quân theo mô hình của Mỹ.

Indonesia trước đây xem mình là nước trung gian hòa giải trong các cuộc tranh chấp do không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, gần đây, Indonesia trở nên lo ngại hơn về chủ quyền của mình tại quần đảo Natuna. Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã đụng chạm đến học thuyết “trục hàng hải toàn cầu” của Indonesia.

Ngay cả đối với Australia là một quốc gia không thuộc khu vực Châu Á, nhưng Australia cũng đang lo ngại trước các hành động của Trung Quốc. Một số học giả cho rằng Australia nên tránh xa các vụ việc rắc rối ở Đông Á, vì có thể khiến nước này bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng thời kỳ mà Australia có thể xác định các lợi ích chiến lược trong phạm vi hẹp đã kết thúc. Sự mất ổn định ở Biển Đông sẽ có ảnh hưởng đối với môi trường an ninh của Australia.

Sự “hung hăng” của Trung Quốc ở khu vực không chỉ lôi kéo sự quan tâm của Mỹ mà còn của Nhật Bản, nước đang có lo ngại về tình hình tại biển Hoa Đông. Vì các nước bên ngoài khu vực bắt đầu tăng cường can dự, nên nguy cơ tiềm tàng là ASEAN – vốn bị chia rẽ trong vấn đề Biển Đông do các nước không có tranh chấp như Campuchia và Thái Lan đặt ưu tiên cao quan hệ với Trung Quốc – sẽ bị phân tán. ASEAN vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng sự thiếu vắng quyền lực của tổ chức này trở nên rõ ràng hơn. Một kết quả nữa là sự phân cực trong khu vực giữa một bên là Trung Quốc và một số ít nước đồng minh của Trung Quốc, và một bên là liên minh Mỹ – Nhật Bản với các nước lo sợ về tham vọng và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tình huống này có thể thay đổi nếu các nước ngoài khu vực lên tiếng về mối quan ngại đối với vấn đề Biển Đông, buộc Trung Quốc chấm dứt các hành động khiêu khích, tiến hành đàm phán COC với ASEAN. Trước đây, Trung Quốc phản ứng đối với sức ép bên ngoài, lo ngại về sự can thiệp bên ngoài đã làm Trung Quốc cư xử ôn hòa hơn. Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi Việt Nam tiến hành một chiến dịch tuyên truyền quốc tế nhằm phơi bày các hành động của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới