Trung Quốc đang từng bước tiến hành thay thế tiêm kích Su-27SK và Su-27UBK mua từ Nga bằng các biến thể nội địa do chính mình sản xuất.
Tiêm kích Su-27SK của Không quân Trung Quốc
Sau khi Liên Xô tan rã, Nga rất cần khách hàng để vực dậy nền công nghiệp quốc phòng trì trệ, trong khi Trung Quốc cũng tích cực tìm mua vũ khí công nghệ cao nhằm thay thế vai trò của Mỹ và châu Âu vì bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí.
Trong thập niên 1990, Moskva và Bắc Kinh đã ký kết nhiều thỏa thuận vũ khí lớn, trong đó bao gồm hợp đồng bán, chuyển giao công nghệ và cấp phép sản xuất tiêm kích hạng nặng Su-27 Flanker
Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ngoài các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sở hữu tiêm kích Su-27 với đơn giá 30 – 40 triệu USD/chiếc trong giai đoạn 1992 – 2000. Số lượng Su-27S/SK được Nga bàn giao tổng cộng là 76 chiếc, chia làm 3 đợt giao hàng.
Ngoài mua nguyên chiếc, Bắc Kinh còn muốn được tự sản xuất loại máy bay này trong nước. Do vậy hai bên đã ký hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD để Trung Quốc chế tạo 200 chiếc Su-27 mang định danh nội địa là J-11, với điều kiện chúng phải dùng động cơ và hệ thống điện tử Nga.
Tuy nhiên sau khi lắp ráp xong 100 chiếc đầu tiên, Trung Quốc tuyên bố hủy hợp đồng 100 máy bay còn lại, lấy lý do là dòng tiêm kích này không còn đáp ứng nhu cầu của họ về khả năng mang vũ khí dẫn đường chính xác.
Ngay sau đó không lâu, Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương đã cho ra đời phiên bản J-11B với 90% linh kiện Trung Quốc, chúng có tính năng được đánh giá vượt xa Su-27SK ở cả chức năng không chiến lẫn tấn công mặt đất.
Tiếp theo, họ còn cho ra đời nhiều biến thể khác như J-16 dựa trên Su-30MK2 hay J-15 sao chép Su-33, và cả phiên bản nâng cấp J-11D tiệm cận chức năng với Su-35S.
Trước sự mở rộng phi đội tiêm kích nội địa, không khó hiểu vì sao 76 chiếc Su-27SK/UBK không có khả năng sử dụng vũ khí tấn công mặt đất, mặt biển chính xác lại bị PLAAF “ruồng bỏ”.
Từ 76 chiếc ban đầu, hiện nay Không quân Trung Quốc chỉ còn 33 Su-27SK và 26 Su-27UBK, do cả tai nạn lẫn thải loại vì đạt tới giới hạn phục vụ. Với tuổi khung chỉ 2.000 giờ bay và thời hạn phục vụ tiêu chuẩn 20 năm, thời điểm bị loại biên hoàn toàn đã cận kề.
Trung Quốc cũng không cho thấy họ có ý định tiến hành gói nâng cấp giữa vòng đời hay đại tu tăng hạn mà chỉ tập trung vào việc sản xuất các biến thể cao cấp hơn của J-11, cho nên dòng tiêm kích này dự báo sẽ sớm “tuyệt chủng” trong PLAAF.