Học thuyết chính trị kèm danh xưng của ông Tập Cận Bình đã được chính thức đưa vào điều lệ ĐCSTQ khóa 19, nâng vị thế của ông ngang tầm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh Tân Hoa Xã
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã sáng 24/10 đưa tin, Đại hội đã thông qua nghị quyết về Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc (bản sửa đổi) và tuyên bố học thuyết chính trị mang tên Chủ tịch Trung Quốc đã được đưa vào điều lệ lần này.
“Đại hội đã thông qua nghị quyết về Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi), Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới được đưa vào Điều lệ”, Tân Hoa Xã viết.
Nghị quyết Đại hội 19 nói rằng “Tư tưởng [Tập Cận Bình] phải được giữ vững và phát triển ổn định trên cơ sở lâu dài”.
Nghị quyết gọi Tư tưởng là “một thành phần quan trọng trong lý thuyết về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và là phương châm hành động cho tất cả đảng viên cùng toàn thể nhân dân Trung Quốc phấn đấu đạt thành tựu phục hưng dân tộc”.
Quyết định của Đại hội 19 đánh dấu ông Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo đầu tiên, kể từ sau lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, có học thuyết chính trị được ghi vào Điều lệ đảng khi đang đương chức. “Lý luận Đặng Tiểu Bình” được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ sau khi ông này qua đời năm 1997.
Học thuyết chính trị của hai người tiền nhiệm trước đó của ông Tập là cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, lần lượt là Thuyết ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học, tuy cũng được đưa vào Điều lệ đảng nhưng không được đính kèm danh xưng.
Sáng sớm nay, 2.336 đại biểu đã tham gia phiên họp bế mạc đại hội 19 ở Bắc Kinh và bầu ra các thành viên Ủy ban trung ương và Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc khóa 19.
Sau Đại hội, Hội nghị toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban trung ương ĐCSTQ khóa 19 sẽ khai mạc, Bộ chính trị và Ủy ban thường vụ Bộ chính trị khóa mới sẽ được bầu ra tại hội nghị này.
Các thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc khóa mới sẽ ra mắt vào khoảng 11h45 trưa ngày mai, 25/10 (theo giờ Bắc Kinh).