Tổng thống Donald Trump chuẩn bị có thông điệp mạnh mẽ thách thức (yêu sách và hành động vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đọc Báo cáo Chính trị Đại hội 19, ảnh: Quartz
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh là sự kiện chính trị quốc tế thu hút sự quan tâm không nhỏ của dư luận.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói chung, vấn đề Biển Đông nói riêng sẽ như thế nào trong 5 năm tới? Dư luận có thể tìm thấy phần nào câu trả lời từ sự kiện này và phản ứng chính sách từ Hoa Kỳ.
Dấu hiệu cạnh tranh Trung – Mỹ leo thang trên Biển Đông
Báo cáo Chính trị Đại hội 19 do ông Tập Cận Bình trình bày hôm 18/10, phần 1 – công tác 5 năm qua và những thay đổi mang tính lịch sử, viết: “hoạt động xây dựng đảo, đá ở Biển Đông được tích cực thúc đẩy”.
Đây là thông tin, “từ khóa” duy nhất về Biển Đông trong bản báo cáo chính trị dài 32 ngàn chữ của Tổng bí thư – Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một nội dung khác có thể liên quan đến xu hướng diễn biến trên Biển Đông, là chính sách quân sự của Trung Quốc trong 5 năm tới.
Trong 14 phần nội dung của Báo cáo Chính trị Đại hội 19, chính sách quân sự được thể hiện tại phần 10:
“Kiên trì con đường xây dựng quân đội vững mạnh đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy toàn diện công cuộc hiện đại hóa quốc phòng và quân đội”.
Ở phần này Báo cáo viết:
“Quân đội là phải sẵn sàng đánh giặc, tất cả công việc đều phải tập trung vào nhiệm vụ duy trì tiêu chuẩn sẵn sàng chiến đấu, biết đánh và đánh thắng”.
Ông Tập Cận Bình cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2035 cơ bản thực hiện xong việc hiện đại hóa quân đội và nền quốc phòng Trung Quốc, đến giữa thế kỷ 21 quân đội Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng vũ trang hàng đầu thế giới.
Trên thực địa, Trung Quốc đang thúc đẩy gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
South China Morning Post ngày 22/10 cho biết, Trung Quốc vừa thành lập một lực lượng cứu hộ tàu ngầm thuộc Hạm đội Nam Hải.
Động thái này được cho là nhằm tăng cường khả năng tác chiến của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông.
Nghê Lạc Hùng, một nhà bình luận quân sự từ Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, lực lượng cứu hộ tàu ngầm rất quan trọng trong chiến tranh.
Đó là dấu hiệu cho thấy Hạm đội Nam Hải đã sẵn sàng hơn cho các hoạt động tác chiến.
Mỹ đang và sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp này?
The Financial Times ngày 23/10 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đang cố gắng “đoàn kết ASEAN” để chống lại (các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của) Trung Quốc trên Biển Đông.
Tướng James Mattis tham dự một cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Philippines hôm nay, trong lúc Tổng thống Donald Trump chuẩn bị có thông điệp mạnh mẽ thách thức (yêu sách và hành động vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh.
The Financial Times cho rằng, Hoa Kỳ muốn xây dựng một “mặt trận thống nhất trong ASEAN như một bức tường thành chống lại Trung Quốc”.
Washington cũng mong muốn các nước ASEAN hợp tác với nhau để ép Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên phải bỏ vũ khí hạt nhân.
Thách thức và cơ hội cho Đông Nam Á
Cá nhân người viết cho rằng, xu hướng cạnh tranh ảnh hưởng giữa 2 siêu cường Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông sẽ gia tăng trong thời gian tới, mang đến cả thách thức lẫn cơ hội.
Thách thức do tính toán sai lầm giữa hai siêu cường thì ít, mà nguy cơ hai nước lớn tìm cách lôi kéo các nước nhỏ về phía mình có thể tạo ra khủng hoảng thì nhiều.
Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên về kinh tế – quân sự lẫn chính trị, ngoại giao có thể tạo ra sức ép rất lớn với các nước trong khu vực.
Nền kinh tế thứ 2 thế giới sử dụng “đòn âm” với láng giềng Hàn Quốc và Singapore trong thời gian qua để tác động lên chính sách đối ngoại của 2 quốc gia này là một ví dụ.
Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà không có công cụ địa chiến lược nào thay thế.
Chính điều này một mặt khiến Washington thiếu đòn bẩy địa chính trị trong khu vực, mặt khác còn làm cho các nước đối tác, thậm chí là đồng minh của Mỹ cũng giảm lòng tin.
Đúng lúc này, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược “vành đai và con đường”, đặc biệt tập trung vào Đông Nam Á.
Singapore từ chỗ không được mời tham dự Diễn đàn Quốc tế Vành đai và con đường, đã phải chủ động tìm cách tiếp cận nó.
Đây không chỉ là một sáng kiến kinh tế giúp Trung Quốc tái cơ cấu nền kinh tế và đẩy các công nghệ lạc hậu, thặng dư công nghiệp và lao động tay chân ra ngoài theo các dự án cơ sở hạ tầng.
Rõ ràng “vành đai và con đường” còn là một công cụ địa chính trị để thiết lập, thâu tóm ảnh hưởng trong khu vực và đẩy Hoa Kỳ ra xa hơn.
Về mặt quân sự, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải hàng không của quân đội Mỹ trên Biển Đông diễn ra nhiều hơn, thường xuyên hơn so với thời Tổng thống Obama.
Nhưng những động thái này không làm thay đổi được cục diện mới Trung Quốc tạo ra sau khi đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp các cấu trúc địa lý ở Biển Đông mà họ đang chiếm đóng.
Sau Đại hội 19, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy, tăng cường củng cố sự hiện diện trên Biển Đông cả về quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ lẫn truyền thông, dư luận chiến.
Vì vậy các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia có quyền và lợi ích trên Biển Đông bị đe dọa bởi đường lưỡi bò sẽ đứng trước những thách thức không nhỏ.
Tuy nhiên, đi cùng với những thách thức này vẫn có những cơ hội.
Ngày 16/10, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và thăm chính thức Việt Nam, sau đó ông đi Philippines dự hội nghị thượng đỉnh ARF tại Philippines.
Vì thế, những phát biểu của tướng James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được The Financial Times trích dẫn nêu trên có thể là chỉ dấu cho thấy, Washington đang tìm kiếm vai trò, tiếng nói và hợp tác lớn hơn từ ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực và Biển Đông.
Đây là một cơ hội tốt để các nước Đông Nam Á củng cố hợp tác với Hoa Kỳ, thảo luận các giải pháp, cơ chế cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ tự do và an ninh hàng hải, hàng không, luật pháp quốc tế trên Biển Đông.
Đồng thời các nước cũng cần có tiếng nói đề nghị ngài Tổng thống Donald Trump và nội các nghiên cứu, tìm kiếm các điểm chung giữa chiến lược “nước Mỹ trên hết” với lợi ích, vai trò, vị thế của Mỹ và liên kết giữa Hoa Kỳ với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Có thực mới vực được đạo, hậu TPP nếu Hoa Kỳ không có chiến lược và chính sách mới để tăng cường hợp tác cùng có lợi với các nước châu Á – Thái Bình Dương, nhất là khu vực Đông Nam Á, thì các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông khó đạt được mục tiêu.
Chỉ có hợp tác bảo vệ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cụ thể là Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, mới có thể bảo vệ được tự do, an toàn hàng hải – hàng không cũng như hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hoa Kỳ còn không ngăn được Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp, xin đừng đẩy các nước nhỏ ra “tuyến đầu”. Thay vào đó, hãy tổ chức các nước nhỏ lại, cùng nhau bảo vệ UNCLOS 1982, Phán quyết Trọng tài và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu kỹ và chủ động tiếp cận chiến lược “vành đai và con đường”;
Chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác bình đẳng cùng có lợi, trên cơ sở có các bảo lưu cần thiết về chủ quyền, an ninh quốc gia.
Quan trọng nhất là các quốc gia này phải xây dựng cho mình được một hệ miễn dịch mạnh mẽ, để lọc bỏ những mặt tiêu cực có thể xảy ra khi triển khai hợp tác theo chiến lược “vành đai và con đường”.
Singapore có thể cung cấp nhiều bài học quý cho các nước Đông Nam Á trong việc này.
Khi chủ động tiếp cận và giữ vững nguyên tắc, thì dù hợp tác có thành hay không, các nước cũng đã thể hiện hết thiện chí và Trung Quốc khó có cớ thúc ép hay gây khó dễ.
Chỉ trích hay né tránh không phải là lựa chọn tốt. Nhắm mắt chạy theo “vành đai và con đường” vì sự dễ dãi có điều kiện trong giải ngân, lại càng nguy hiểm.
Các nước trong khu vực cần tránh cả hai thái cực cực đoan này.
Vấn đề Biển Đông cũng vậy, các chiến lược hợp tác kinh tế – thương mại khác cũng thế. Chỉ có như vậy mới tránh được bi kịch vì “chọn bên” mà mất đi tính tự chủ, độc lập của mình.