Sau Philippines, Trung
Quốc, Việt Nam cũng vừa gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc khẳng định
chủ quyền của mình ở Trường Sa và Hoàng Sa.
Tuy nhiên, công hàm của Việt Nam gửi sau Philippines
chừng một tháng.
Ngày 05/04, Phái đoàn Thường trực của Philippines
tại LHQ gửi note verbale để phản đối yêu sách đường chín đoạn chiếm
gần 80% Biển Đông của Bắc Kinh.
Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản
bác thư ngoại giao của Philippines
thông qua phát ngôn của Bộ Ngoại giao.
Một tuần sau đó, ngày 14/04, Phái đoàn
Thường trực của Trung Quốc gửi công văn chính thức lên Tổng thư ký LHQ
Ban Ki-moon nói chính Philippines từ những năm 1970 đã “bắt đầu xâm
lược” quần đảo Nam Sa (Trường Sa) mà Trung Quốc “nắm chủ
quyền không thể chối cãi”.
Thông tấn xã Việt Nam nói vì hai công
hàm của Philippines và Trung Quốc đều đề cập đến vấn đề chủ quyền
đối với quần đảo Trường Sa, nên Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên
Hiệp Quốc cũng đã gửi công hàm đến ông Ban Ki-moon để “khẳng định hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt
Nam”.
Công hàm cũng nhấn mạnh rằng “Việt Nam có
đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai
quần đảo đó”.
Hiện Philippines, Trung Quốc, Brunei,
Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đang tham gia tranh chấp lãnh thổ tại
Trường Sa.
Asean bàn về Biển Đông
Bắc Kinh vẫn kiên quyết yêu sách đường
chữ U chiếm phần lớn Biển Đông, đã được nước này chuyển cho LHQ năm
2009.
Yêu sách này trước đã bị các nước
Việt Nam, Malaysia và Indonesia
phản đối.
Trong hội nghị cấp cao các nước Đông Nam
Á lần thứ 18 vừa họp cuối tuần rồi tại Jakarta, Indonesia, lãnh đạo
các nước Asean đã thảo luận chủ đề Biển Đông, coi đây là một trong
các yếu tố có nguy cơ gây mất ổn định trong khu vực.
Asean nhấn mạnh nhu cầu cần có bước
đột phá trong chủ đề Biển Đông và phải khuyến khích việc thực hiện
hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về Cách Ứng xử của các quốc gia liên
quan tại Biển Đông (DOC).
Được biết một nhóm làm việc của Asean
hiện đang soạn thảo bản hướng dẫn thực hiện DOC nhằm giải quyết
tranh chấp lãnh thổ bằng giải pháp ngoại giao.
Khối Đông Nam Á vẫn còn mâu thuẫn với
Trung Quốc quanh việc thực hiện DOC cho dù đã ký với nhau Tuyên bố
này vào năm 2002.
Asean hy vọng sẽ có bước tiến mới nhân
dịp kỷ niệm 10 năm DOC và 20 năm quan hệ Asean-Trung Quốc.
Theo sáng kiến của đương kim chủ tịch
Asean là Indonesia, khối Đông Nam Á thống nhất xem xét thành lập Viện
Asean vì Hòa bình và Hòa giải, nhằm đi đến cơ chế giải quyết các
bất đồng và tranh chấp trong khu vực, như vấn đề Biển Đông và tranh
chấp biên giới Campuchia-Thái Lan.
Tuy nhiên, từ trước tới nay Asean bị cho
là chưa có hiệu quả khi mang các nghị quyết của mình vào áp dụng
trong thực tế.
BBC