Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ đem đến những thách thức nhiều hơn là cơ hội cho cả hai nước.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc đều đã củng cố quyền lực của mình sau cuộc bầu cử ở Nhật Bản và Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tuần vừa qua.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã củng cố được quyền lực sau khi liên minh giữa đảng Dân chủ Tự do của ông và đảng Công Minh giành chiến thắng vang dội trong một cuộc bầu cử diễn ra hôm 22/10.
Chiến thắng này giúp ông Abe tiếp tục trở thành Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ thứ ba, đưa ông trở thành nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất và lâu nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II, khi giành được tổng số hơn 2/3 số ghế tại Hạ Viện.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc ghi nhận những cống hiến và nâng tầm lên ngang hàng với người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông.
Khi quyền lực của hai nhà lãnh đạo của hai đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và thứ ba (Nhật Bản) thế giới được củng cố sẽ thúc đẩy hai nhà lãnh đạo này có những chính sách mạnh mẽ và quyết đoán hơn cả về đối nội và đối ngoại.
Hiện giới phân tích không đi sâu mổ xẻ những nguyên nhân thành công của cả hai nhà lãnh đạo này.
Các nhà quan sát tập trung vào việc nhận định và theo dõi xem, các chính sách đối nội và đối ngoại sắp tới của họ, đặc biệt là quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này sẽ như thế nào.
Cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đều được biết đến có xuất thân từ con nhà trâm anh thế phiệt.
Họ là những nhà lãnh đạo cứng rắn về lập trường, quyết đoán trong chính sách đối ngoại và đều có tham vọng trẻ hóa đất nước, đưa đất nước phát triển với tầm vóc xứng đáng.
Tuy nhiên, nghịch lý với sự tương đồng của họ là trong nhiệm kỳ vừa qua, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này lại trở nên băng giá, và bị kìm hãm trong tình trạng ngoại giao căng thẳng.
Mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập vào năm 1972.
Giới phân tích hiện đang đặt câu hỏi rằng, sau chiến thắng chính trị của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản, liệu có giúp họ cải thiện mối quan hệ đang băng giá?
Câu trả lời có lẽ được giới phân tích tán đồng nhất chính là:
Sau khi ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe củng cố được quyền lực, họ sẽ đưa ra cái nhìn sâu sắc hơn và quyết đoán hơn về mối quan hệ tương lai giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Theo đó, sau khi củng cố cơ sở quyền lực của mình, ông Abe sẽ cảm thấy tự tin hơn khi thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình về chính sách đối ngoại.
Trong đó, việc giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là một trọng tâm.
Về cơ bản, cách tiếp cận của ông Abe đối với Trung Quốc sẽ là cẩn trọng và cứng rắn.
Nhật Bản đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và những thách thức của nước này đối với họ.
Do vậy, Tokyo sẽ coi Trung Quốc như là một mối đe dọa chứ không phải là một cơ hội.
Những tranh chấp giữa hai nước liên quan đến quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, đã gia tăng trong những năm gần đây, dẫn đến những lo ngại về một cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước.
Các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều được biết đến bởi các quan điểm cứng rắn đối với các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của họ.
Trong đó, ông Shinzo Abe luôn đưa ra những phản ứng mạnh mẽ đối với các vấn đề như cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tự do hàng hải ở Biển Đông, hoặc đơn giản là cạnh tranh với Trung Quốc về ảnh hưởng đối với khu vực cũng như toàn cầu.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, trong nhiệm kỳ mới của mình, ông Abe sẽ phải làm nhiều hơn trong chính sách đối ngoại để đối phó với ảnh hưởng cả về kinh tế, chính trị và quân sự đang lên của Trung Quốc.
Theo đó, ông Abe sẽ luôn thể hiện thái độ cứng rắn trên mọi phương diện đối với Trung Quốc.
Đồng thời, sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Chính sách này có thể được thể hiện trên các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cũng giống như Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tăng cường “sức mạnh mềm” trên khắp thế giới, thông qua những nỗ lực hợp tác cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng với các nước trong khu vực châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Nhật Bản có thể đưa ra một đề xuất mới nhằm đáp trả đối với sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, mặc dù trước đây chính ông Abe cũng đã từng cam kết thực hiện sáng kiến này.
Tàu hải cảnh Trung Quốc di chuyển gần đảo Senkakus / Điếu Ngư trên biển Hoa Đông (Ảnh: Kyodo) |
Việc tăng cường “sức mạnh mềm” được coi như một giải pháp căn cơ để Nhật Bản nâng cao tầm ảnh hưởng của mình và bảo vệ lợi ích của chính họ, cũng như kiềm chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thứ hai, Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác quân sự với Hoa Kỳ nhằm hạn chế các hoạt động đang tăng lên của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.
Tokyo sẽ coi chính sách hợp tác quân sự này như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Bắc Kinh rằng:
Nhật Bản sẽ không bao giờ thỏa hiệp về một loạt các vấn đề song phương đối với Trung Quốc, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ trên quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.
Thứ ba, ông Shinzo Abe sẽ đưa Nhật Bản đóng một vai trò quan trọng và chủ động hơn trong việc hỗ trợ các hành động quân sự của Hoa Kỳ nhằm gia tăng áp lực đối với Triều Tiên;
Buộc nước này phải từ bỏ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân đang gây tranh cãi của họ.
Đây là các hành động quân sự luôn bị Trung Quốc phản đối.
Điều này sẽ khiến Nhật Bản ngày càng xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác quân sự, trong khi Trung Quốc luôn bị coi là thiếu kiên quyết trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Thứ tư, một “siêu quyền lực” sau bầu cử sẽ cho phép ông Abe đề xuất những kiến nghị sửa đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, được thiết lập sau Thế chiến II, khi giới hạn vai trò quân đội của quốc gia này chỉ được phép phòng vệ – điều mà Trung Quốc coi là giới hạn đỏ trong quan hệ song phương.
Mặc dù, tháng 9/2015, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một dự luật mở đường cho quân đội nước này được tiến hành các hoạt động tác chiến ngoài lãnh thổ Nhật Bản, nhưng vẫn còn nhiều giới hạn kìm kẹp.
Nếu ông Shinzo Abe thực hiện được việc bổ sung một điều khoản khẳng định tính hợp pháp của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và dỡ bỏ các giới hạn đã bị kìm kẹp trước đó, sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng:
Nhật Bản đang tham gia vào các hoạt động trong khu vực cũng như trên thế giới bằng sức mạnh toàn diện.
Như vậy, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian tới sẽ đem đến những thách thức nhiều hơn là cơ hội cho cả hai nước.
Trung Quốc về cơ bản sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của họ, trong khi Nhật Bản sẽ có những bước đi mạnh mẽ và cứng rắn hơn.
Điều đó sẽ tạo ra mối quan hệ phức tạp giữa hai cường quốc này, đôi khi có thể bị đẩy lên đến mức căng thẳng.
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chỉ nhìn thấy những dấu hiệu không mấy sáng sủa cho quan hệ Trung – Nhật, bởi hợp tác và cạnh tranh vẫn là xu thế phổ quát trong quan hệ giữa các quốc gia hiện nay.
Trong chừng mực nào đó, chúng ta cũng vẫn thấy được sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang tăng lên.
Tăng trưởng của Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng để giữ cho nền kinh tế của Nhật Bản đi đúng hướng, vì Trung Quốc cung cấp cho Nhật Bản thị trường và cơ hội đầu tư to lớn.
Cả hai nước cũng đang cùng quan tâm đến việc thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Á, chẳng hạn như việc tạo ra một khu mậu dịch tự do lớn, khi mà chính sách thương mại của Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên mang tính bảo hộ.
Do đó, mặc dù ông Abe sẽ có những thay đổi chính sách đối với Trung Quốc theo khuynh hướng cứng rắn hơn, nhưng sự hợp tác về kinh tế giữa hai quốc gia này vẫn sẽ là một điểm nhấn.