Lụa Mã Châu dù có chất lượng tốt, nguyên liệu thật nhưng cũng khó bán được tới tay khách hàng.
Ông Trần Hữu Phương – Giám đốc Hợp Tác Xã Tơ Lụa Mã Châu – Quảng Nam là người gắn cuộc sống của mình với sản xuất lụa truyền thống phải chua chát thừa nhận rằng, sản xuất lụa thật cũng khó kiếm được người mua.
Lụa Việt chỉ chiếm 10%?
Theo ông Phương, câu chuyện Khaisilk bán lụa Trung Quốc dù gây ra làn sóng bất bình, bức xúc trong dư luận, song từ câu chuyện trên một sự thật khác về ngành nghề sản xuất tơ lụa Việt đang dần được hé mở.
Là người đại diện cho một sản phẩm làng nghề truyền thống, bản thân ông Phương phải thừa nhận, sản phẩm do chính mình làm ra dù có chất lượng tốt, nguyên liệu thật nhưng cũng khó bán được tới tay khách hàng.
“Trước đây sản phẩm của chúng tôi cũng bán sỉ lại cho các thương hiệu như Khaisilk, tuy nhiên, những năm gần đây họ không mua của chúng tôi nữa. Tính trung bình lụa Mã Châu mỗi tháng sản xuất được khoảng 10.000m lụa, nhưng sản phẩu chủ yếu chỉ bán lại cho các doanh nghiệp làng nghề, các đơn vị thiết kế thời trang hoặc các doanh nghiệp thủ công xuất khẩu ra nước ngoài. Số lượng rất hạn chế.
Nguyên nhân là do lụa Mã Châu là sản phẩm lụa thật, sản xuất thủ công từ công đoạn nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa… nên chất lượng mặt vải không mượt, vải còn bộc lộ nhiều lỗi thủ công, không thể che giấu được.
Về giá thành dù rất rẻ so với làng nghề nhưng lại vẫn cao hơn gấp 10 lần so với lụa Trung Quốc.
Tôi lấy ví dụ một chiếc khăn Khaisilk đang bán ra thị trường có giá 1 triệu đồng, thì khi nhập của chúng tôi cũng có giá 300.000 đồng/chiếc. Nhưng cũng với chiếc khăn có mẫu mã tương tự, nếu nhập của Trung Quốc chỉ có giá 30.000 đồng và cũng có thể bán ra với giá 1 triệu đồng/chiếc.
Vì là doanh nghiệp kinh doanh nên thường chạy theo lợi nhuận, làm ăn chụp giật, lợi dụng thương hiệu làng nghề, tráo hàng Trung Quốc bán ra thị trường để kiếm lợi như trường hợp của Khaisilk.
Nhưng tôi phải lưu ý rằng, câu chuyện của Khaisilk không phải là cá biệt. Còn rất nhiều Khaisilk vẫn đang ẩn mình trên thị trường lụa Việt. Tôi cũng nhấn mạnh, đây không phải việc làm vô tình, bởi chỉ có khách hàng mới bị lừa chứ không bao giờ làng nghề bị lừa.
Theo quan sát của tôi từ Hà Nội, TP.HCM, cho tới các khu du lịch giải trí khắp cả nước… tỉ lệ lụa thật của Việt Nam bán ra thị trường bây giờ chỉ còn chiếm khoảng 10%, còn tới 90% là lụa Trung Quốc. Trong 10% lụa thật đó cũng không được bày bán một cách phổ biến, rộng rãi mà chủ yếu chỉ dành cho những khách hàng truyền thống, có niềm đam mê thật sự với lụa Việt.
Một số cửa hàng sử dụng để trưng bày cho khách du lịch chụp hình lưu niệm”, ông Phương nói.
Giám đốc HTX Tơ Lụa Mã Châu tiếc nuối, nếu sự việc Khaisilk hôm nay được làm triệt để từ hàng chục năm về trước thì có thể những sản phẩm làng nghề truyền thống như lụa Mã Châu đã có cơ hội tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Từng bị trả hàng vì sử dụng tơ Trung Quốc
Ông Phương chia sẻ, vì đứng trước quá nhiều khó khăn, thách thức, một phần vừa phải cố gắng gìn giữ làng nghề truyền thống nhưng cũng phải đảm bảo được thu nhập ổn định cho người làm nghề mà ông từng có quyết định sai lầm.
Ông cho biết, những người làm nghề bây giờ không thể sống được bằng nghề nữa, những người như ông cũng chỉ đang rất cố gắng duy trì về đam mê, vì danh dự làng nghề để bảo tồn một sản phẩm văn hóa truyền thống.
“Nói về chất lượng tơ Việt Nam thì không thua kém tơ nước nào, song chỉ phù hợp với dệt thủ công. Trong khi đó, tơ Trung Quốc có giá thành tương đương nhưng lại thích hợp dệt trên máy móc, kỹ thuật hiện đại nên cho ra sản phẩm đẹp hơn, mẫu mã phong phú hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cũng vì nhiều lần đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, Hợp tác xã cũng phải nhập tơ Trung Quốc về sản xuất.
Cơ bản về mắt thường rất khó phân biệt lụa Việt với lụa Trung Quốc nhưng sau một lần xuất khẩu sang Pháp, lô hàng của lụa Mã Châu đã bị trả về với lý do không phải 100% lụa thì tôi đã hiểu ra vấn đề.
Từ đó tới giờ, chúng tôi chỉ trung thành với nguyên liệu Việt Nam thôi”, ông Phương kể.
Tuy nhiên, để có thể tồn tại được, thương hiệu lụa Mã Châu cũng phải thay đổi rất nhiều, bên cạnh việc giới thiệu dòng sản phẩm cổ truyền thì cũng đưa ra dòng sản phẩm khác có giá rẻ hơn để có thể cạnh tranh với các mặt hàng của nước ngoài.
Với mong muốn gìn giữ bảo tổn làng nghề, Giám đốc HTX tơ lụa Mã Châu hy vọng sẽ có được một chiến lược truyền thông, quảng bá rộng rãi hơn thương hiệu lụa Mã Châu tới người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, nhà nước phải có chiến lược kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất lụa truyền thống liên kết với nhà nước từng bước kiểm soát thị trường tiêu thụ trong nước. Cùng với đó, là những biện pháp xử lý nghiêm khắc với những hành vi làm ăn gian dối, “treo đầu dê, bán thịt chó”.