Trung Quốc đang thử nghiệm các kỹ thuật có thể được sử dụng để xây một đường hầm dài 1.000 km vận chuyển nước từ Tây Tạng tới Tân Cương, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay. Nếu được xây dựng, đây sẽ là đường hầm dài nhất thế giới.
Ảnh chụp từ trên cao con sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng – Ảnh: Alamy Stock Photo.
Một kỹ sư tham gia vào dự án trên nói rằng đường hầm dẫn nước chạy từ Tây Tạng – cao nguyên cao nhất thế giới – sẽ được chia thành nhiều đoạn nối tiếp nhau bởi các thác nước, và sẽ “biến Tân Cương thành California”.
Đường hầm dài nhất Trung Quốc hiện nay là dự án cấp nước Dahoufang, với chiều dài 85 km ở tỉnh Liêu Ninh. Trong khi đó, đường hầm dài nhất thế giới là đường cung cấp nước dài 137 km nằm dưới lòng thành phố New York.
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc cho biết, vào tháng 8 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã khởi công xây dựng một đường hầm dài hơn 600 km ở tỉnh Vân Nam. Gồm 60 đoạn và đủ rộng để hai đoàn tàu cao tốc chạy song song, đường hầm này đi xuyên qua nhiều chân núi ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển tại một khu vực có điều kiện địa chất kém ổn định.
Giới quan sát nói rằng việc xây dựng đường hầm ở Vân Nam là một “cuộc tập dượt” cho công nghệ mới, các phương pháp và thiết bị kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng đường hầm Tây Tạng-Tân Cương.
Cao nguyên Tây Tạng khiến nguồn hơi nước gây mưa từ Ấn Độ Dương không thể di chuyển đến Tân Cương. Cùng với đó, việc bị kẹt giữa sa mạc Gobi ở phía Bắc và sa mạc Taklimakan ở phía Nam khiến 90% diện tích của Tân Cương là vùng đất khô hạn không thể sinh sống.
Tuy nhiên, sa mạc Taklimakan nằm ngay dưới chân cao nguyên Tây Tạng, nơi được coi là tháp nước của châu Á. Vùng cao nguyên này giải phóng một lượng nước lên tới hơn 400 tỷ tấn mỗi năm và là nguồn cung cấp nước chính cho nhiều dòng sống lớn gồm sông Hoàng Hà, Dương Tử, Mekong và Ganges.
Từ đời nhà Thanh, Trung Quốc đã tính dẫn nước từ Tây Tạng đến Tân Cương. Trong những thập kỷ gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tính toán xây đập, trạm bơm lớn và đường hợp để thực hiện việc dẫn nước này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng dự án đường hầm dẫn nước 1.000 km mà Bắc Kinh đang tính toán sẽ vấp phải những trở ngại lớn về chi phí, kỹ thuật, tác động môi trường, và thậm chí là sự phản đối của các quốc gia láng giềng.
Đường hầm dẫn nước ở Vân Nam và các cơ sở hỗ trợ sẽ mất thời gian 8 năm để xây dựng và chi phí ước tính gần 12 tỷ USD. Đường hầm này sẽ dẫn hơn 3 tỷ tấn nước mỗi năm từ phía Tây Bắc của Vân Nam đến khu vực khô hạn ở trung tâm tỉnh, mang lại lợi ích cho hơn 11 triệu người dân – chính quyền Vân Nam cho hay.
Tờ Vân Nam Nhật báo nói đường hầm này sẽ tạo 3,4 triệu việc làm, 30.000 hectare đất canh tác mới, và giúp tăng quy mô nền kinh tế địa phương thêm 330 tỷ USD.
Tình trạng thiếu nước ở Tân Cương hiện nay được xem là rất giống với ở bang California của Mỹ hồi đầu thế kỷ 20. Dự án Central Valley Project ra đời vào năm 1933 đã dẫn nước từ phía Bắc của California tới thung lũng San Joaquin, biến nơi này thành vùng sản xuất nông nghiệp năng suất nhất thế giới.
“Với nguồn nước mới từ Tây Tạng, Tân Cương sẽ phát triển bùng nổ như California”, một vị kỹ sư của dự án phát biểu.