Một chương mới trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Cuba đã được đánh dấu với việc bắt đầu áp dụng tạm thời Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa EU và Cuba (PDCA). Đây là một bước tiến lớn tiến tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai bên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Cuba và Mỹ.
Thỏa thuận PDCA bắt đầu có hiệu lực
Ngày 1-11-2017, Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa EU và Cuba đã bắt đầu có hiệu lực tạm thời. Thỏa thuận bao gồm 3 chương chính về đối thoại chính trị, hợp tác và đối thoại chính sách ngành cũng như hợp tác về thương mại. PDCA có mục tiêu thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa 2 bên nhằm khuyến khích phát triển bền vững, dân chủ, cũng như tìm ra giải pháp vượt qua các thách thức toàn cầu thông qua việc phối hợp hành động trên các diễn đàn đa phương. Các lĩnh vực được cả hai bên cùng quan tâm bao gồm năng lượng tái tạo, phát triển nông thôn, môi trường, quản trị, an ninh, tạo việc làm… Nhiều hoạt động sẽ được xúc tiến với tất cả các chủ thể tại Cuba, bao gồm lĩnh vực công, chính quyền địa phương, toàn bộ khu vực xã hội dân sự, lĩnh vực tư nhân, cũng như các tổ chức quốc tế.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni) đánh giá EU và Cuba đang thực sự bước sang trang mới và cũng là một chương mới trong quan hệ đối tác song phương bắt đầu từ nay với việc PDCA đi vào áp dụng tạm thời. Hiện tại, EU đã xích lại gần hơn với đất nước Cuba và người dân quốc đảo xinh đẹp này. Người châu Âu gắn kết với Cuba, Mỹ Latinh và Caribe bằng một quá trình lịch sử, văn hóa, các giá trị và các khát vọng chung trong hiện tại và cả tương lai.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla (Bu-nô Rô-đi-ghết Pa-ri-la) nhấn mạnh, bước đi này có ý nghĩa lớn trong việc hủy bỏ hoàn toàn chính sách “Quan điểm chung” của EU về Cuba. Đối với Cuba, việc hủy bỏ hoàn toàn chính sách đơn phương và tàn tích của quá khứ đối nghịch với cơ sở bình đẳng, có đi có lại và tôn trọng mà La Habana và Brussels xây dựng từ năm 2008, là một yếu tố tối quan trọng.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định, việc thỏa thuận PDCA bắt đầu có hiệu lực tạm thời cũng giúp thúc đẩy đối thoại chính trị, hợp tác và tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa hai bên.
Nền tảng để xây dựng mối quan hệ mới
Quan hệ giữa EU và Cuba trở nên căng thẳng sau khi khối liên minh kinh tế chính trị này áp đặt hàng loạt quy định giới hạn mối quan hệ thương mại và ngoại giao với quốc gia Nam Mỹ vào năm 1996. Cũng trong năm 1996, EU thông qua chính sách “Quan điểm chung” về Cuba với mục đích thúc ép Cuba chuyển đổi chế độ chính trị hiện hành. La Habana đã phản đối mạnh mẽ khi cho rằng quyết định này của EU mang tính chất can thiệp vào công việc nội bộ, phân biệt đối xử và bất công. Năm 2003, EU chính thức đình chỉ quan hệ ngoại giao với Cuba.
Sau nửa thập kỷ lạnh nhạt, quan hệ giữa EU và Cuba bắt đầu được cải thiện kể từ năm 2008 sau khi Tây Ban Nha là quốc gia tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba vào năm 2005. EU đã đồng thuận quyết định thiết lập đối thoại chính trị và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc đảo này.
Ngày 23-10-2008, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Felipe Roque và Ủy viên Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách phát triển và viện trợ nhân đạo, Louis Michel đã ký thỏa thuận về hợp tác phát triển, chính thức khôi phục quan hệ hợp tác. Theo thoả thuận, hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục quan hệ hợp tác song phương trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và tôn trọng chủ quyền. Những cử chỉ đầy thiện chí này đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ từ cả người dân Cuba và châu Âu.
Ngày 7-2-2012, các quan chức EU tuyên bố liên minh đã sẵn sàng cải thiện quan hệ với Cuba nhằm mở rộng các khuôn khổ hợp tác giữa hai bên. Tháng 11-2012, Ngoại trưởng các nước thành viên EU nhất trí khởi động tiến trình thương lượng một thỏa thuận song phương với Cuba.
Trong năm 2013, Phó Tổng Giám đốc phụ trách phát triển của EC Christian Leffler đã có chuyến thăm Cuba trong 3 ngày nhằm xem xét khả năng phát triển quan hệ với nước này. Đây được xem như “luồng gió mới” trong mối quan hệ giữa EU và Cuba.
Ngày 10-2-2014, EU tuyên bố bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, sau hơn một thập kỷ không trao đổi đoàn ngoại giao chính thức. Cuba đã hoan nghênh chủ trương của EU, coi đây là động thái mang tính xây dựng, song khẳng định đối thoại song phương phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của Cuba. Đến tháng 4, EU và Cuba bắt đầu quá trình đàm phán song phương về PDCA.
Trải qua 7 vòng đàm phán, ngày 11-3-2016, EU và Cuba đã tiến hành ký tắt thỏa thuận PDCA. Ngày 12-12, EU và Cuba đã chính thức ký kết thỏa thuận quan trọng này. Trước khi PDCA được ký kết, Cuba là nước duy nhất trong khu vực mà EU chưa có cơ sở pháp lý cho hoạt động đối thoại và hợp tác.
Ngày 5-7-2017, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua thỏa thuận PDCA và bắt đầu áp dụng tạm thời vào ngày 1-11. Thỏa thuận sẽ áp dụng chính thức hoàn toàn sau khi được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.
Các nhà phân tích nhận định, việc PDCA có hiệu lực là điều mà cả EU và Cuba đều trông đợi, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại. Đối với Cuba, việc xây dựng mối quan hệ chính trị tốt đẹp với EU đem đến cho quốc gia Nam Mỹ cơ hội tranh thủ sự hỗ trợ từ một đối tác lớn và giàu tiềm lực cho quá trình phát triển kinh tế. PDCA cũng sẽ mở đường cho một loạt quan hệ hợp tác giữa hai bên trong nhiều dự án, từ việc bảo vệ môi trường tới việc hiện đại hóa hệ thống thu thuế của Cuba. Theo thống kê, kể từ năm 2008 đến nay, EU đã viện trợ phát triển cho Cuba 50 triệu Euro và hiện EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, đối tác thương mại thứ hai, và thị trường du lịch lớn thứ ba của “Hòn đảo tự do”.
Đối với EU, việc liên tục phát đi những tín hiệu tích cực đối với Cuba là để bày tỏ sự hài lòng trước những thay đổi của nước này thời gian gần đây. Chính quyền Cuba đã tiến hành những bước cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế, đem lại sự phát triển không thể phủ nhận tại đảo quốc này. Bên cạnh phát triển kinh tế, Cuba còn giữ được sự ổn định về an ninh, chính trị. Hơn thế, việc PDCA có hiệu lực sẽ thúc đẩy những quốc gia Mỹ Latinh khác ký những thỏa thuận tương tự với EU trong tương lai.
Cộng đồng quốc tế hy vọng Thỏa thuận Đối thoại chính trị và Hợp tác giữa EU và Cuba có hiệu lực tạm thời sẽ là nền tảng để hai bên xây dựng mối quan hệ mới, trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng và hiệu quả.