Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐàm luậnGiải mã tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực “cộng đồng...

Giải mã tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực “cộng đồng chung vận mệnh” (Phần 2)

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng cái được gọi là “toàn cầu hóa” chính xác hơn nên được gọi là “phương Tây hóa hoặc Mỹ hóa”, một tiến trình đã cho phép phương Tây chi phối thế giới về mặt chính trị và kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Ảnh: Reuters

Một trật tự Trung Quốc hoàn hảo

 Như Christopher Ford lưu ý, sự bất mãn của Trung Quốc đối với trật tự thế giới do Mỹ chi phối hiện nay đã là đặc trưng không thay đổi của giọng điệu chính thức trong vài năm. Trở lại năm 2002, Giang Trạch Dân đã than vãn rằng “trật tự chính trị và kinh tế quốc tế cũ, vốn bất công và phi lý, vẫn chưa được thay đổi một cách căn bản”.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng cái được gọi là “toàn cầu hóa” chính xác hơn nên được gọi là “phương Tây hóa hoặc Mỹ hóa”, một tiến trình đã cho phép phương Tây chi phối thế giới về mặt chính trị và kinh tế. Các chuẩn mực và quy tắc tương tác phổ biến của trật tự quốc tế hiện tại được coi là chủ yếu phục vụ các lợi ích bá quyền của Mỹ và như vậy, “hiển nhiên” là bất công đối với các cường quốc đang trỗi dậy, bao gồm Trung Quốc. Ban lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã trở nên lớn tiếng hơn về nhu cầu trật tự hiện nay cần phải điều chỉnh và thích nghi với sự phân bổ sức mạnh toàn cầu mới, và chỉ trích công khai hơn các nguyên lý của hệ thống hiện tại.

Chẳng hạn, Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, trong một vài dịp gần đây đã lập luận rằng “các khái niệm cũ” mà đã củng cố trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo (như bác bỏ các chính phủ phi dân chủ và xây dựng các liên minh quân sự tạo ra các khối độc quyền) đã không còn thích hợp và điều cần thiết hiện nay là “tư duy mới để xây dựng một khuôn khổ toàn cầu mới, hoặc chúng ta có thể sử dụng thuật ngữ trật tự toàn cầu”. Trong “trật tự tự nhiên của vạn vật”, Trung Quốc đi lên vị thế nước lớn sẽ “dẫn đến việc tạo ra một hệ thống thế giới mới” mà sẽ phản ánh tốt hơn các lợi ích và giá trị của riêng mình.

“Giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc” của Tập Cận Bình không thể hoàn thành với bản sắc được dự tính chỉ dựa trên sức mạnh vật chất. Nó cũng đòi hỏi một khía cạnh tư tưởng: Một thứ có thể là sự thay thế đáng tin cậy cho ý thức hệ Mác-Lênin đã thất bại, mà sẽ không đem lại bất kỳ thách thức nào cho sự quản trị của ĐCSTQ và sẽ không chỉ là một “phản mô hình” đối với hệ thống phương Tây mà sẽ còn đem lại cho thế giới một mô hình Trung Quốc độc nhất. 
Để đạt được mục đích này, giới tinh hoa trí thức đã xem xét lại lịch sử dân tộc và văn hóa chính trị và chiến lược truyền thống để lấy cảm hứng. Họ đã vạch ra những sự tương đồng giữa các giai đoạn trước đây trong lịch sử Trung Quốc và nền chính trị thế giới đương đại và đã vay mượn từ tư tưởng trước đó để phát triển các khái niệm mới có thể áp dụng vào sự trỗi dậy thế kỷ 21 của Trung Quốc.

Các khái niệm đã được “khai quật và sắp xếp lại” để xây dựng một “khung tham khảo cho một bản sắc Trung Quốc hiện đại” mới, mà hòa trộn các câu chuyện kể lịch sử và các truyền thống được tân trang lại. Nho giáo mới đã có một sự quay trở lại đáng chú ý và giới tinh hoa tin rằng Trung Quốc có thể sử dụng văn hóa truyền thống của mình như một cách để “tỏa ra bên ngoài” trên khắp châu Á.

Chẳng hạn, trong một phiên họp nghiên cứu của Bộ Chính trị vào tháng 1/2014, Tập Cận Bình đã đòi hỏi rằng “sức quyến rũ của văn hóa Trung Quốc” phải được thể hiện với thế giới và “các giá trị Trung Quốc hiện đại” phải được truyền bá. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ràng các giá trị này là gì, cũng như cách thức chúng có thể đem lại nền tảng cho những niềm tin và chuẩn mực chung trên khắp một khu vực đa dạng về văn hóa và chính trị như khu vực mà BRI bao trùm.

Công việc xây dựng vẫn đang diễn ra, tuy nhiên, bản sắc là một nước lớn của Trung Quốc rõ ràng dựa trên cảm giác chủ nghĩa ngoại lệ mạnh mẽ. Câu chuyện kể chính thức được cẩn thận dựng lên xung quanh quan điểm rằng vì những đặc trưng độc nhất của mình, Trung Quốc sẽ là một nước lớn hoàn toàn khác và ưu thế hơn về mặt đạo đức so với các ví dụ lịch sử gần đây của phương Tây.

Trung Quốc sẽ không tái tạo mô hình bóc lột và hung hăng của phương Tây, mà cho đến nay đã thể hiện đầy đủ nhiều khuyết điểm và thiếu sót của nó. Tính cách truyền giáo của phương Tây, điều tìm cách lan truyền các giá trị (tự do, dân chủ và nhân quyền) và các thể chế của họ, áp đặt chúng bằng vũ lực nếu cần thiết, chắc chắn đã dẫn đến các cuộc chiến tranh và xâm chiếm quân sự.

Trái lại, Trung Quốc được các nhà văn và giới tinh hoa chính trị Trung Quốc miêu tả là vốn đã tốt đẹp, bác ái và hòa bình. Năm nay, Tập Cận Bình đã tuyên bố trong bài phát biểu chủ chốt của ông tại văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva rằng “Trong hàng thiên niên kỷ, hòa bình đã nằm trong máu của người Trung Quốc chúng tôi và là một phần trong gen di truyền của chúng tôi”.

Trung Quốc dựa vào quy tắc đức hạnh và “quyền lực nhân đạo” và ủng hộ “hài hòa với những sự khác biệt”, một khái niệm thường được truyền tải trong giọng điệu chính thức là Trung Quốc sẵn lòng rộng lượng để các nước khác đi theo “con đường phát triển riêng” của họ.

Hiện nay, các chủ đề này được thêu dệt, hầu hết như những thông điệp ngầm, thành câu chuyện kể có liên hệ với BRI. Theo lộ trình do Chính phủ Trung Quốc công bố vào tháng 3/2015, các giá trị “hòa bình, mang lại lợi ích chung và học hỏi lẫn nhau, tính bao dung và cởi mở” là các yếu tố của “tinh thần Con đường tơ lụa” mà đã “được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn minh con người và đóng góp lớn cho sự thịnh vượng và phát triển của các nước dọc theo Con đường tơ lụa”.

Một bài xã luận của Tân Hoa xã khẳng định rằng các phiên bản sáng kiến Con đường tơ lụa mới không phải của Trung Quốc, như các dự án của Mỹ và Nhật Bản, “tìm cách chi phối bằng cách thuyết giáo về sự đối đầu và loại bỏ các đối thủ khác”. Bài xã luận lập luận hơn nữa rằng “không giống các tuyến đường biển lớn dẫn đến Thế giới mới do các nhà thám hiểm châu Âu khám phá ra, mà đã thúc đẩy cuộc xâm chiếm và thực dân hóa đẫm máu, Con đường tơ lụa luôn là một con đường hòa bình”. BRI được truyền tinh thần Con đường tơ lụa, cam kết tôn trọng quyền của tất cả các nước “độc lập lựa chọn các hệ thống xã hội và con đường phát triển của mình”.

Nói cách khác, nó bác bỏ sự biến đổi chính trị và sự thúc đẩy dân chủ, coi đây như một nguyên nhân của “các cuộc cách mạng sắc màu” và sự bất ổn chính trị. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh BRI tại Bắc Kinh vào tháng 5/2017, Tập Cận Bình đã cam kết rằng Trung Quốc “không có ý định can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước khác, truyền bá hệ thống xã hội và mô hình phát triển của riêng chúng tôi, hay áp đặt nguyện vọng của riêng chúng tôi lên các nước khác. Trong việc theo đuổi BRI, chúng tôi sẽ không dùng đến thủ đoạn địa chính trị lỗi thời”. Trung Quốc chỉ hy vọng tạo ra một “gia đình lớn cùng chung sống hài hòa”.

Cộng đồng chung vận mệnh hay hệ thống “thiên hạ” quay trở lại? 
Các tham chiếu dẫn đến “Con đường tơ lụa hòa bình và thịnh vượng” mà gợi lại một quá khứ tưởng tượng được đánh bóng lại nhằm phù hợp với các mục đích hiện tại của Bắc Kinh không phải chỉ là giọng điệu rỗng tuếch.

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã không chỉ chứng minh một quyết tâm đáng kể giành lại vị trí thích đáng là một nước lớn của mình, họ cũng đang ngày càng cho thấy họ sẵn lòng hành động như một “động lực thúc đẩy trong việc xây dựng lại hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu” mà “cần được cải cách và điều chỉnh”.

Theo Phó Oánh, BRI là câu trả lời cho nhu cầu này: BRI sẽ biến đổi “hệ thống quốc tế hiện nay và sẽ giúp nó phát triển dần thành một cấu trúc công bằng hơn và dung nạp hơn”. Chiến lược gia Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và cố vấn Ủy ban an ninh quốc gia xuất chúng Tướng Bành Quang Khiêm giải thích rằng sáng kiến này là một nỗ lực nhằm đảo ngược tiến trình phương Tây hóa và thách thức sự chi phối của Mỹ.

Theo quan điểm của ông, BRI “không giới hạn bản chất hệ thống chính trị của một nước nhất định, không được làm nổi bật bởi ý thức hệ, không tạo ra các giới bạn bè nhỏ bé, không thiết lập chủ nghĩa bảo hộ thương mại, không thiết lập những sự phong tỏa kinh tế, không kiểm soát dây cứu sinh kinh tế của các nước khác hay thay đổi hệ thống chính trị của các nước khác”.

Trái ngược với trật tự chính trị và kinh tế quốc tế hiện nay, vốn được xác định bằng “sự bất bình đẳng, tính ép buộc và tính độc nhất của nó” và theo đó “ưu thế quân sự, tài chính và ngôn ngữ” được sử dụng cho những mục đích “ích kỷ, trục lợi và vụ lợi”, khái niệm chiến lược “Vành đai và Con đường” “duy trì tinh thần Con đường tơ lụa là cởi mở, khoan dung, nơi tất cả các nước, to hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng”.

Tương tự, trong một lời chỉ trích tương đối công khai đối với các hiệp ước liên minh của Washington, bài phát biểu tại Diễn đàn BRI của Tập Cận Bình đã kêu gọi “một kiểu quan hệ quốc tế mới” dựa trên “những sự hợp tác của đối thoại không đối đầu và của tình hữu nghị thay vì liên minh”.

Cho dù tế nhị hay thẳng thắn, việc Trung Quốc bác bỏ mô hình do Mỹ lãnh đạo và những sự bày tỏ về sự bất mãn của họ đối với tính hợp pháp và tính hiệu quả của hệ thống cai trị toàn cầu hiện tại đang ngày càng khó có thể phớt lờ. Nhưng chính xác điều gì nằm vượt ra ngoài lời phê phán này và kiểu trật tự nào Bắc Kinh muốn thấy xuất hiện thay vì trật tự hiện tại thì còn phức tạp hơn để có thể nắm bắt.

Hiện nay BRI được thể hiện như phản ứng của Trung Quốc trước một nhu cầu thúc bách cần phải có sự thay đổi. Do đó, theo dõi các khái niệm liên quan của nó, như ý tưởng một “cộng đồng chung vận mệnh”, và việc cố gắng hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn của chúng có thể đem lại dấu hiệu nào đó về kiểu hệ thống nào ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ ủng hộ.

Hồ Cẩm Đào đã sử dụng thuật ngữ cộng đồng chung vận mệnh trong báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 của ông vào năm 2007 để miêu tả mối quan hệ đặc biệt giữa Đại lục và Đài Loan, ám chỉ rằng hai thực thể chính trị khác nhau có thể có quan hệ tương đối tốt đẹp bất chấp những sự khác biệt của họ.

Lần đầu tiên Tập Cận Bình sử dụng thuật ngữ này là tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4/2013 khi ông nhấn mạnh với các bên tham dự (hầu hết là châu Á) nhu cầu cần phải có sự phát triển chung: “Là các thành viên của cùng một ngôi làng toàn cầu, chúng ta nên nuôi dưỡng cảm giác về cộng đồng chung vận mệnh, đi theo xu hướng của thời đại, giữ định hướng đúng đắn, đoàn kết với nhau trong thời điểm khó khăn và đảm bảo rằng sự phát triển ở châu Á và phần còn lại của thế giới đạt được những đỉnh cao mới”.

Trong hai năm tiếp theo, Tập Cận Bình đã sử dụng thuật ngữ này hơn 60 lần, bao gồm trong các bài phát biểu chính sách đối ngoại lớn – chẳng hạn, khi công bố Con đường tơ lụa trên biển trước quốc hội Indonesia vào ngày 2/10/2013, và một vài tuần sau trước khán giả trong nước, trong Hội nghị công tác ngoại giao với các nước láng giềng.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới